Kinh tế

Tài nguyên chỉ Việt Nam có không dùng: Bán cho nước ngoài 2 triệu tấn

Bộ Công Thương vừa tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xuất khẩu than năm 2019 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.

Theo đó, Bộ Công Thương báo cáo và đề nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than năm 2019 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc với tổng khối lượng là 2,05 triệu tấn.

Cụ thể, đối với TKV, tổng khối lượng than xuất khẩu là 2 triệu tấn. Trong đó, than cục là 700 nghìn tấn và than cám 1, 2, 3 là 1,3 triệu tấn.

Đối với Tổng công ty Đông Bắc, tổng khối lượng xuất khẩu là 50 nghìn tấn. Trong đó, than cục là 30 nghìn tấn và than cám 1, 2, 3 là 20 nghìn tấn.

Liên quan tới vấn đề này, ngay ngày 1/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về kế hoạch xuất khẩu than năm 2019 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.

Bộ Công Thương khẳng định xuất khẩu loại than trong nước không có nhu cầu.

Phó Thủ tướng kết luận giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan và ý kiến đại biểu tại cuộc họp để hoàn thiện kế hoạch xuất khẩu than năm 2019 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, đảm bảo hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp tối đa than cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước không có nhu cầu sử dụng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Công Thương, trên cơ sở kế hoạch xuất khẩu than năm 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục rà soát, lập kế hoạch xuất khẩu than hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trước đó, như VietNamNet đưa tin, ngày 3/1, Bộ Công Thương đã có công văn 15/BCT-DKT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xuất khẩu than năm 2019 của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc.

Sau khi xin ý kiến của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và UBND tỉnh Quảng Ninh, ngày 12/3, Bộ Công Thương đã tổng hợp, giải trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tại văn bản này, Bộ Công Thương nêu rõ, quan điểm phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 là: Phát triển ngành than trên cơ sở ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; bảo đảm việc xuất khẩu, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch.

Kết quả cân đối cung cầu than hiện nay cho thấy, giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ dư thừa than cục, than cám 1, 2, 3 mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết với khối lượng khoảng 2,1 triệu tấn/năm.

Đây là loại than chỉ có ở Việt Nam, sử dụng phù hợp cho công nghệ luyện thép chất lượng cao (thép không gỉ) của Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, Việt Nam NK tới 23,78 triệu tấn than, trong đó chủ yếu là than bitum và á bitum cho sản xuất điện, không có chủng loại than cục, than cám 1, 2, 3.

Theo báo cáo của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, dự kiến khối lượng than nhập khẩu năm 2019 của các đơn vị khoảng 8 triệu tấn, trong đó than antraxit chiếm 18%, than bán antraxit chiếm 39%, còn lại than bitum và á bitum.

Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định chủng loại than xuất khẩu năm 2019 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là phù hợp với quan điểm phát triển ngành than Việt Nam, không phải loại than mà Việt Nam đang nhập khẩu.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP