Ông Mai Tiến Dũng nhắn nhủ Vicem cần nâng cao hiệu quả để cạnh tranh với xi măng của các công ty tư nhân - Ảnh: N.B |
Trình bày với Tổ công tác, Tổng giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh cho biết, năm 2017 ngành xi măng đương đầu với nhiều thách thức, đặc biệt là trong điều kiện mưa bão nhiều, lượng xi măng tiêu thụ giảm, do đó xảy ra tình trạng cung vượt cầu khoảng 25-30%.
Trong khi giá than tăng khoảng 200.000 đồng/tấn, giá điện tăng, tác động đến chi phí đầu vào, thì giá bán xi măng của Việt Nam ở mức thấp nhất so với khu vực và thế giới, nên lợi nhuận không cao.
Mặc dù trình bày khó khăn như vậy, nhưng lãnh đạo Vicem lại khẳng định lợi nhuận trước thuế của Vicem là hơn 2.800 tỉ đồng, tăng hơn 7% so với năm trước.
Đánh giá cao nỗ lực của Vicem trong cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thể hiện qua các con số năm 2017 như công suất tăng 3%, tiêu thụ 26 triệu tấn, doanh thu 34.000 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 2.800 tỉ, nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng "chê" năng suất lao động của Vicem.
"Hiện bình quân một lao động tại Vicem sản xuất mỗi ngày 7,5 tấn xi măng, trong khi một lao động ở doanh nghiệp liên doanh trung bình mỗi ngày sản xuất 11 tấn" - ông Dũng nêu ví dụ. Ông cũng cho rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước là 6-7%/năm mà ngành xi măng chỉ tang trưởng 2% là thấp.
Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đến ban lãnh đạo Vicem, ông Dũng yêu cầu Tổng công ty cần quan tâm củng cố bộ máy, nâng cao chất lượng quản trị, tiết kiệm nhân lực bằng cách ứng dụng công nghệ quản lý, tinh giản bộ máy.
Thứ hai là cần nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết giảm chi phí, quay vòng vốn nhanh và tích lũy để trả nợ. Thứ ba là hướng đến chất lượng, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu.
"Thủ tướng muốn các sản phẩm xi măng Vicem phải có chất lượng, có thương hiệu, giá đạt được phải cao để cạnh tranh với xi măng của tư nhân" - Tổ trưởng tổ công tác nói.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Vicem nói riêng và ngành xi măng nói chung, là trong đầu tư sản xuất phải chú ý tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ông Dũng nói: "Núi đá vôi ta cũng có hạn thôi, như khi còn làm ở địa phương nhiều khi tôi rất xót xa vì những núi đá chất lượng rất tốt không được dùng làm xi măng mà chỉ đi san lấp, làm đường. Các đồng chí cũng cần nghiên cứu tận dụng các sản phẩm phụ, sản phẩm thay thế để tiết kiệm tài nguyên".
Được mời tham gia với đoàn công tác, TS Nguyễn Đình Cung góp ý với Vicem là không nên quá chú trọng vào tăng sản lượng, mà nên đầu tư vào hiệu quả để có giá trị gia tăng cao hơn.
"Nếu cứ tăng sản lượng mà hiệu quả không cao thì chúng ta chỉ làm mất thêm tài nguyên chứ không được lợi thêm gì. Phải nhìn vào tăng năng suất lao động, tiền lương thì mới đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế" - TS Cung bày tỏ.
Còn theo TS Trần Đình Thiên, hiện nay giá clinker (nguyên liệu chính làm xi măng) rất rẻ nhưng Việt Nam lại xuất khẩu nhiều, trong khi xuất khẩu xi măng còn ít.
"Nếu cứ để tình trạng bán tài nguyên thô như vậy thì chúng ta đang đào Tổ quốc lên để đi bán chứ được gì nhiều đâu, đây là chuyện của toàn ngành" - ông Thiên bình luận.
Tác giả: Lê Kiên
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ