Mitraco hiện tại đang là một doanh nghiệp Nhà nước và trong một tương lai gần sẽ trở thành một công ty cổ phần với khoảng 10% vốn do các cổ đông đóng góp trên tổng số 1000 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại Mitraco có 9 công ty mẹ, 7 công ty liên doanh liên kết và 15 công ty con. Năm 2012, thêm một năm thành công của Mitraco với tổng doanh thu là 1.256 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch đặt ra, nâng tổng số 5 năm liên tiếp doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy vậy, ẩn chứa trong “cơ thể” Mitraco vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh” kìm hãm hoạt động của doanh nghiệp.
1/3 trong số 15 công ty con hiện đang “bám” vào các thành viên khác để duy trì hoạt động. Trong đó đáng chú ý là Công ty khoáng sản Mangan, Cty CP gạch ngói & VLXD Đồng Nai, Cty thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc. Nguyên nhân được xác định là do các đơn vị trực thuộc có tính độc lập tự chủ không cao; sức ép đảm bảo hiệu quả trong SXKD và trong hoạt động tài chính đối với lãnh đạo các đơn vị này là chưa đủ lớn. Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư của Mitraco trong thời gian qua không hiệu quả, thậm chí đứng trước nguy cơ mất vốn ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD của DN. Cụ thể là góp vốn vào Công ty CP sắt Thạch Khê 163 tỷ đồng; góp vốn thành lập Công ty CP gạch ngói và VLXD Đồng Nai 10,2 tỷ đồng…
Sản phẩm chủ lực, đồng thời gắn với thương hiệu của Mitraco là khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là ti-tan đang gặp phải giới hạn phát triển nghiêm trọng về trữ lượng. Đây chính là yếu tố khiến công ty sẽ gặp khó khăn về tài chính trong năm tới và dài hơi hơn là 5 năm tới. Cùng với đó là sự phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cũng như cải cách DN Nhà nước đang gây những sức ép lớn đối với Mitraco. Mặc dù là DN đa ngành, nghề nhưng mối liên kết, hỗ trợ giữa các ngành nghề chưa thực sự rõ nét, đồng thời chưa có bước đệm cho sự tăng trưởng nhanh theo từng ngành nghề và chưa có chỗ lùi khi gặp khó khăn ở ngành nghề chính.
Tình trạng này không chỉ tồn tại ở Mitraco mà là lỗ hổng trong các DN Nhà nước cần phải khắc phục. Quyết định 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DN Nhà nước giai đoạn 2012-2015″ ban hành ngày 17/6/2012 của Thủ tướng chính phủ chính là chìa khóa tháo gỡ “nút thắt” loại bỏ những con “vi rút” trong một cơ thể khỏe mạnh. TCT xét về mặt ngữ nghĩa có vẻ như khó hiểu nhưng bản chất là sự rà soát đánh giá và xem xét lại hoạt động của cả bộ máy nhằm tìm ra những yếu kém trong các đơn vị thành viên, từ đó sáp nhập, củng cố lại hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả SXKD.
Theo kế hoạch, từ năm 2013-2014, Mitraco sẽ tiến hành sáp nhập Xí nghiệp khai thác và xí nghiệp chế biến titan Cẩm Xuyên; sau năm 2015, tiếp tục sáp nhập thêm xí nghiệp chế biến Zircon. Đồng thời sáp nhập trường Trung cấp nghề, khách sạn Vũ Quang vào khối kinh doanh thương mại dịch vụ. Đối với Công ty Thạch anh, sẽ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung xem xét đánh giá hiệu quả để có phương án giải quyết. Xí nghiệp thi công mỏ Mitraco sẽ xem xét phương án thanh lý tài sản và giải thể xí nghiệp do hoạt động kém hiệu quả.
Công ty TNHH Việt-Lào sẽ được tiếp tục hỗ trợ về nhân lực, công nghệ, phát triển chế biến sâu và năm 2014 đầu tư dự án tấm trần công nghiệp. Còn Cảng Vũng Áng Việt-Lào sẽ tìm kiếm thêm các đối tác liên kết để đầu tư mở tuyến contenner vào năm 2014-2015, xây dựng bến số 3, xây dựng khu hậu cảng. Đồng thời bàn giao cảng Xuân Hải cho đối tác vào năm 2013. Công ty CP chăn nuôi sẽ sáp nhập với công ty Cp thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc và Công ty CP phát triển nông lâm từ 2013-2015. Đến năm 2020 sáp nhập toàn bộ các đơn vị khối nông nghiệp thành một đầu mối.
Kế hoạch là vậy, nhưng mới đây tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mà chủ trì là Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự với sự có mặt của lãnh đạo các sở ban ngành, nhiều ý kiến cho rằng nên sáp nhập các đơn vị trong Mitraco thành 3 nhóm. Trong đó nhóm chủ lực gắn với tên goi của công ty là sản xuất, chế biến khoáng sản; nhóm dịch vụ bao gồm các dịch vụ cảng biển và các đơn vị kinh doanh thương mại cùng với đơn vị XDCB; nhóm cuối là nông nghiệp nông dân và nông thôn…
Hướng đi đã rõ và Mitraco cũng đã đặt ra những giải pháp mang tính chiến lược như: giải pháp về thị trường sản phẩm, giải pháp đầu tư, giải pháp về vốn, tài chính và nguồn nhân lực… Lộ trình TCT còn dài và chặng đường phía trước cũng còn lắm chông gai. Để thực hiện được nhiệm vụ bên cạnh nỗ lực chung tay góp sức của các đơn vị thành viên thì vai trò hỗ trợ của các sở, ban, ngành liên quan và của tỉnh là rất quan trọng.
Hoài Nam
Báo Hà Tĩnh