Năm của kinh hoàng
Trận lũ lịch sử xảy ra vào cuối năm 2010 là một tai họa khủng khiếp, cướp đi sinh mạng hàng chục con người, đưa hàng chục ngàn hộ gia đình lâm cảnh “màn trời chiếu đất”; lương thực, gia súc, gia cầm bị dòng lũ nhấn chìm, cuốn trôi không thương tiếc.
Lũ cũng đã làm hàng chục ngàn ha lúa vụ mùa, hoa màu, thủy sản bị mất trắng; hạ tầng các tuyến đường giao thông, trường học, trạm xá, thông tin liên lạc, thủy lợi… bị tàn phá tơi tả.
Thời điểm cơn đại hồng thủy ập đến, các xã: Hà Linh, Phương Điền, Hòa Hải, Phương Mỹ, Lộc Yên… (Hương Khê) trở thành “rốn” của “rốn” lũ bị chia cắt nhiều ngày. Lũ chồng lên lũ làm làng mạc nơi đây trở nên tiêu điều, xơ xác.
Trong chuyến cứu trợ sau lũ, phóng viên tận mắt chứng kiến những khuôn mặt ngơ ngác, bàng hoàng của người dân trở về sau lũ. Những cánh đồng trơ trọi, xác xơ nhuốm một màu đất bùn vàng sệt; nhìn những người dân khẩn trương giúp nhau thu dọn, sửa sang lại nhà cửa và cố lần tìm trong bùn đất, vớt vát chút tài sản đổ nát sau lũ; nghe thấy những tiếng khóc ai oán, bi ai kêu gọi người thân mất mát trong lũ… khiến chúng tôi không cầm nổi được nước mắt.
Nhớ lại những ngày sống trong mưa lũ, chị Nguyễn Thị An xóm 9 Hà Linh nghẹn ngào: “Tài sản, lúa gạo, ngô khoai cùng một chút ít tiền bạc để dành cho con cái học hành đều trôi sạch ra sông, ra bể. Chút ít mì tôm cứu trợ cũng chỉ đủ ăn cầm chừng trong vài ba ngày. Trong cái đói đến hoang mang ấy, có lúc tưởng chừng không thể sống nổi”. Lũ rút, gian nhà ọp ẹp, bị lũ cuốn sập, nhờ bà con láng giềng chung tay giờ đây đã được dựng lại. Nhận hỗ trợ thóc giống từ chính quyền gia đình, chị An hăng hái ra đồng cày bừa, gieo cấy để bắt đầu cho một vụ mùa mới.
Ấm lòng sau lũ
Sức tàn phá của hai trận lũ lịch sử là quá khủng khiếp. Gần như tất cả những làng mạc, nơi lũ đi qua để lại vườn không nhà trống, thậm chí nhiều ngôi nhà, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn xóm… đều bị lũ cuốn phăng.
Thảm thương nhất là những ngôi làng ven sông Ngàn Sâu – nơi những nương ngô, bãi mía, ruộng đậu và cả những vườn cây ăn quả xanh tươi, trù phú ngày nào, trong phút chốc đã thành một bãi hoang tàn đổ nát. Vậy mà, lần trở về này, cái màu vàng ảm đạm, chết chóc để lại sau cơn lũ đã được thay dần bởi màu xanh của sự sống trên những cánh đồng đang ươm chồi, nảy lộc. Người dân nô nức ra đồng cày bừa, những dấu vết còn lưu lại sau trận lũ lịch sử cũng đã nhạt nhòa dần.
Ông Phạm Hữu Nhân, Chủ tịch UBND xã Hòa (trái) cho biết, tại vị trí này nước lũ đã từng dâng cao tới 10m, cô lập hơn 4.000 dân.
Ông Đặng Đức Minh – Chủ tịch UBND xã Hà Linh- cho biết, trong đợt lũ, Hà Linh có 1.566 hộ, thì 1.350 hộ bị chìm sâu trong nước. Hàng ngàn con gia súc, gia cầm của nhân dân cũng bị cuối trôi, 17/20 xóm của xã Hà Linh bị cô lập hoàn toàn. Nhưng sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước cùng các tổ chức xã hội, người dân xã Hà Linh đã bắt đầu khôi phục lại được sản xuất.
“Hiện xã đã gieo trồng mới được 100 ha ngô, 10 ha lúa, cuộc sống người dân cũng bắt đầu đi vào ổn định. Sau lũ Hà Linh đã tiếp 87 đoàn về địa phương làm công tác cứu trợ nhân đạo. Nếu không có sự chung tay giúp sức của cộng đồng có lẽ phải mất hàng chục năm nữa Hà Linh mới khắc phục được những mất mát, thiệt hại này”, ông Minh phấn khởi nói.
Trước mất mát, đau thương của người dân địa phương, ngay khi lũ rút, Báo PLVN cử đoàn về trực tiếp xã Hòa Hải để cứu trợ. Tại đây, Báo đã chuyển hàng trăm suất quà đến tay bà con. Ông Phạm Hữu Nhân, Chủ tịch UBND xã Hòa Hải chia sẻ: “Có 69 đoàn về địa phương làm công tác cứu trợ, trong đó có đoàn của Báo PLVN. Hàng tỷ đồng, hằng trăm tấn gạo, hàng vạn đồ, vật dụng hữu ích… mang giá trị tình thần lớn lao đã được chuyển đến tận tay người dân. Trong lúc hoạn nạn nhận được sự giúp đỡ của cả cộng đồng, người dân vùng lũ cảm thấy rất ấm lòng”.
Mong mưa thuận, gió hòa
Nhà ông Đặng Minh Khai, xóm Bình Minh, xã Hưng Bình có 5 sào ruộng thu được 2 tấn lúa/năm. Dù không nhiều nhưng đó là “cần câu cơm” chính của cả gia đình ông, trận lũ đã cuốn sạch tất cả. Lũ rút, ruộng không thể canh tác nên cả tuần nay ông phải cất công cày đi, bừa lại để ruộng có thể phục vụ sản xuất. Ngoài 50% giống lúa đã được chính quyền hỗ trợ, phần còn lại ông phải chạy vạy của bạn bè, người thân để sớm ổn định sản xuất. Dù còn bộn bề khó khăn như thế nhưng ông Khai vẫn rất hy vọng vụ mùa sắp tới: “Trận lũ lịch sử dù sao cũng để lại một lớp phù sa rất mỡ màng. Chắc vụ mùa này sẽ bội thu thôi”.
Theo người dân địa phương, lịch gieo mạ ở đây cho vụ mùa sẽ bắt đầu vào tháng chạp. Và vào đúng những ngày đầu năm mới Tân Mão, người dân mới bắt đầu chính thức gieo cấy. Năm mới họ hy vọng sẽ gặp được thật nhiều may mắn. “Cầu ông trời thương dân vùng lũ cho, trời yên biển lặng, mưa thuận, gió hòa giúp chúng tôi có được vụ mùa thắng lợi”, bà Nguyễn Thị Chắt, xã Hòa Hải, mong mỏi.
Sự can trường, vững chãi có sẵn trong mỗi một con người miền Trung chắc chắn đã và sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, bộn bề trước mắt. Vâng, mong sao năm Tân Mão này, trời thương mà cho mưa thuận, gió hòa để bớt đi phần nào nỗi nhọc nhằn của người dân miền Trung vốn đã quá nhiều nỗi gian khó…
Ghi chép của Phi Hùng – Tuấn Anh
PLVN