Hà Tĩnh ngày nay

Sức sống mới trên vùng rốn lũ

Sau hai trận lũ lịch sử, được sự giúp đỡ của T.Ư, Chính phủ và đồng bào cả nước, chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh đang gồng mình lo bảo đảm cuộc sống cho người dân vùng lũ, mà trước mắt lo cho người dân đón Tết ấm cúng và không đứt bữa lúc giáp hạt…


Chạy đua với thời gian


Cách đây mới hai tháng, các con đường đến với rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang, hạ Hương Sơn, thượng Ðức Thọ (Hà Tĩnh)…, gần như bị chia cắt hoàn toàn, 100% số xã, thị trấn và các khu dân cư chìm trong biển nước. Về Phương Ðiền, Phương Mỹ, Lộc Yên, Hương Thủy, Ân Phú, Ðức Hương, hay Sơn Hòa, Sơn Thịnh… không có cách nào khác là phải bằng ca-nô, xuồng máy. Trong vòng gần một tháng với sự tàn phá dữ dội của trận lũ chồng lên lũ, vượt lũ lịch sử hơn 100 năm qua trên tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã, làm ngập chìm 182/262 xã, trong đó, 105 xã ngập sâu và bị cô lập hoàn toàn, có nơi từ 3 m đến 5 m với thời gian từ bảy đến mười ngày đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề (hơn 6.300 tỷ đồng, bằng thu ngân sách cả tỉnh bảy năm liền) cho Hà Tĩnh, trong đó ba huyện miền núi nghèo trên chiếm gần nửa tổng thiệt hại; nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hầu như bị hư hỏng nghiêm trọng…


Trở lại vùng lũ hôm nay, đến các xã từng bị ngập lụt sâu nhất, chúng tôi nhận thấy, mầu xanh của những ruộng ngô, khoai đã gần như phủ kín ruộng đồng từng mênh mông nước lũ. Ðến nơi đâu cũng bắt gặp không khí rộn ràng, khẩn trương làm việc, chăm lo lao động sản xuất. Hương Thủy, một xã bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Hương Khê, hôm nay, nếu ai chưa đến trong đợt lũ vừa qua thì khó còn nhận ra một nơi từng ngâm sâu trong nước gần hai tuần. Hai bên con đường dẫn vào trung tâm xã trải dọc dài một mầu xanh của ngô non xen lẫn với rau màu ngắn ngày; đường làng, ngõ xóm được dọn dẹp tươm tất và đi lại tương đối thuận lợi, trong các trường học rộn ràng tiếng trẻ thơ. Chị Nguyễn Thị Thủy ở xóm 1, vừa thoăn thoắt tay cuốc chăm sóc ngô đông vừa cho biết: Cơn lũ vừa qua, gia đình chị bị cuốn trôi hết, từ lương thực, lúa giống đến trâu, bò. Căn nhà gia đình vừa mới xây xong cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và cộng đồng cuộc sống của gia đình chị đã tạm trở lại bình thường sau những ngày gian khó. Cũng theo chị Thủy: ‘Ban đầu là nhận gạo, tiền, hàng cứu trợ; sau đó được hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón nên sau khi lũ rút, chúng tôi nhanh chóng khắc phục sản xuất vụ đông. Nhờ sau lũ phù sa được bồi đắp thêm nên cây cối cũng nhanh tươi tốt. May mắn hơn, ngôi nhà được sửa chữa lại nhanh chóng nhờ tình làng, nghĩa xóm và sự hỗ trợ’.


Không chỉ ở Hương Thủy mà một không khí lao động khẩn trương đang rộn ràng khắp làng trên, xã dưới. Từ Phúc Trạch, Hà Linh, Phương Mỹ… (Hương Khê) đến Ðức Bồng, Ân Phú, Ðức Giang… (Vũ Quang) rồi về Sơn Hòa, Sơn Thịnh… (Hương Sơn) và các địa phương khác trong tỉnh Hà Tĩnh đâu đâu người dân cũng đang chạy đua với thời gian, dường như trong gian khó sự trỗi dậy của người dân càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn!


Cùng người dân vượt khó


Dù vẫn còn đó những khó khăn, mất mát quá lớn do cơn lũ kinh hoàng gây ra, nhưng Hà Tĩnh đã nhận được sự trợ giúp của Trung ương, cả cộng đồng xã hội, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và sự vượt lên của mọi người dân, Hà Tĩnh đang dần hồi sinh. Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, Nguyễn Văn Phú cho biết, ngay sau khi lũ đi qua chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để ổn định đời sống dân sinh. Trước tiên là tổ chức tiếp nhận, cấp phát hàng cứu trợ đúng đối tượng, cứu đói kịp thời cho người dân. Tiếp đến, huy động các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh…) tổ chức khắc phục, sửa chữa ngay hệ thống trạm y tế, trường học, nhà ở bị hư hỏng, vệ sinh môi trường để học sinh được đến trường và bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục km đường liên thôn, liên xã, cùng hệ thống kênh mương nội đồng, hệ thống điện của Hương Thủy đã được tu bổ, phục vụ có hiệu quả đời sống sản xuất. Tranh thủ thời tiết thuận lợi bà con nông dân đã nhanh chóng triển khai làm đất, gieo trồng các cây vụ đông, tiến hành tiêm phòng cho gia súc, gia cầm kịp thời.


Anh Nguyễn Trọng Thế ở xóm 4, xã Hà Linh (huyện Hương Khê), một nông dân trắng tay sau lũ tâm sự: ‘Người dân Hà Linh chúng tôi ghi lòng tạc dạ sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ, các tổ chức, nhà hảo tâm bởi sau hai cơn lũ lịch sử vừa qua, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ, động viên kịp thời từ cái ăn, cái mặc, dựng lại nhà ở, đến việc cho nông dân cây, con giống để khôi phục sản xuất sau lũ… Dù khó khăn còn nhiều nhưng người dân vùng lũ chúng tôi sẽ vượt qua và yên tâm, chuẩn bị đón Tết cổ truyền sắp đến’. Không chỉ riêng gia đình anh Thế, mà 396 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi cùng hơn 5.700 ngôi nhà bị tốc mái, siêu vẹo trong toàn tỉnh đều được các cấp, cùng cộng đồng, dòng họ, gia đình, người dân sửa sang lại chu đáo; nhiều nhà xây cất mới khang trang và chống chọi lũ tốt hơn. Hà Tĩnh đang dồn lực để sớm hoàn thành các ngôi nhà đầy tình nghĩa này, để bà con có thể vào ở nhà mới trước Tết Nguyên đán.


Trên đường đến các miền quê từng bị ngập lụt, những tốp trẻ em tung tăng đến trường. Dẫu biết rằng, các em còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các thiết bị dạy học, bởi mưa lũ đã cuốn trôi, hư hỏng tất cả nhưng các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh đang nỗ lực dạy và học cả buổi chiều, để bù lại những chương trình đã nghỉ do mưa lũ gây nên. Cô Vân Hiệu trưởng Trường mầm non Ðức Giang (Vũ Quang) cho biết: Lũ cuốn trôi toàn bộ tài sản của nhà trường. Nhưng sau lũ chưa đầy hai tháng, chúng tôi đã đầy đủ đồ dùng dạy học, sinh hoạt cho các cháu. Tất cả là nhờ sự đùm bọc của các nhà hảo tâm cả nước; trong đó có sự hỗ trợ của Báo Nhân Dân’.


Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết: Bằng mọi cách, Hà Tĩnh phải ổn định cuộc sống bà con vùng lũ. Ngay sau lũ, Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ra Nghị quyết 01 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2010 và những giải pháp về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai những năm tiếp theo. Ðồng thời huy động mọi nguồn lực phối hợp với sự hỗ trợ của T.Ư để tập trung cứu tế, vệ sinh môi trường, khám, chữa bệnh nên đã không xảy ra tình trạng dân bị đói, rét, hay ốm đau, dịch bệnh… Tỉnh đã dồn sức khôi phục nhanh kết cấu hạ tầng, trước hết là các cơ sở y tế, trường học, điện, nước, hệ thống giao thông, thủy lợi… Ðặc biệt với sự quan tâm ủng hộ của đồng bào cả nước và nước ngoài, tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 1.500 đoàn đến cứu trợ với tổng trị giá khoảng 210 tỷ đồng, cộng với 5.000 tấn gạo và 285 tỷ đồng của T.Ư cấp, tỉnh Hà Tĩnh luôn biết ơn sự đùm bọc, sẻ chia khó khăn của nhân dân trên mọi miền đất nước và nước ngoài. Ðây cũng là động lực mạnh mẽ giúp Hà Tĩnh vượt qua cơn hoạn nạn. Tỉnh đã triển khai công tác phân phối hàng cứu trợ kịp thời, đúng địa chỉ. Sau lũ, các địa phương đều tổ chức lễ ra quân làm thủy lợi, hội thi làm đất bằng cơ giới. Trung ương và tỉnh đã hỗ trợ cho các vùng lũ hơn 737 tấn giống các loại, cùng hàng chục tỷ đồng (chưa kể ngân sách địa phương) cùng cây con giống, hóa chất, vắc-xin tiêm phòng bệnh cho gia súc. Ðể bình ổn giá vật tư phân bón, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã bán 10.000 tấn phân giá rẻ cho nông dân Hà Tĩnh. Ðến nay cơ bản các địa phương vùng lũ đã ổn định, đang chuẩn bị tổ chức triển khai sản xuất vụ đông xuân. Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục chuẩn bị 10.000 tấn gạo (đề nghị Trung ương hỗ trợ 5.000 tấn) cấp cho bà con lúc giáp hạt. Cùng với đó, Hà Tĩnh đang chăm lo Tết Nguyên đán Tân Mão cho hơn 66.957 gia đình chính sách, có công, người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn với số tiền quà hơn 13,8 tỷ đồng…


Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn hậu quả do lũ để lại, nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tỷ lệ đói nghèo ở các huyện miền núi Hà Tĩnh tăng cao… không thể ngày một ngày hai khôi phục ngay được. Rất cần sự tiếp tục giúp đỡ của T.Ư và sự gồng mình vượt khó của Ðảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh để tạo dựng sức sống mới nơi lũ vừa đi qua.


Thành Châu

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP