Hà Tĩnh ngày nay

Sức sống mới ở Rào Tre

Sau nhiều năm không ngại gian khổ, kiên trì bám dân, tổ công tác BP Rào Tre của Đồn BP Bản Giàng (BĐBP Hà Tĩnh) đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc Chứt ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê.

Cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hiện rõ ở từng con người, trong mỗi căn nhà tại bản Rào Tre, nơi từng được coi là nghèo khó nhất Việt Nam. Ở đây, một thế hệ mới đang được tiếp cận và hưởng thụ cuộc sống văn minh hơn.




Sau 12 năm thực hiện “Dự án bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc Chứt” do BĐBP Hà Tĩnh thực hiện, cùng với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của 34 hộ/135 khẩu dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đã có nhiều thay đổi. Đường giao thông từ trung tâm xã đã vào đến bản. Bà con đã được sử dụng điện lưới, có nước sạch sinh hoạt và các công trình vệ sinh đảm bảo. Dân bản bắt đầu làm quen với cuộc sống định canh, định cư và trồng cây lúa nước. Người dân không còn lo thiếu ăn và họ bắt đầu chuẩn bị những hành trang tốt nhất cho thế hệ tương lai.


Thành tựu ấn tượng nhất tại bản Rào Tre chính là 100% người dân trong bản đã biết đọc, biết viết. Trường mầm non được xây dựng tại Rào Tre đã thu hút số đông con em đồng bào trong độ tuổi đến trường. Hiện tại, bản Rào Tre có 14 em đang theo trường Trung học cơ sở dân tộc nội trú, 2 em đang theo học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện Hương Khê. Tuy nhiên, tình trạng tái mù chữ vẫn còn, đây chính là điều trăn trở của tổ công tác Rào Tre. Khó khăn nhất đối với cán bộ, chiến sĩ tổ công tác là bồi dưỡng, đưa con em trong bản Rào Tre tiếp tục gửi đi học ở các trường lớp cao hơn.


Thực tế, mỗi bước phát triển của đồng bào Chứt ở Rào Tre đều có sự chung tay của BĐBP Hà Tĩnh và các cấp, các ngành trong huyện Hương Khê. Hiện nay, chị Hồ Thị Lam là người dân tộc Chứt đầu tiên được bầu vào HĐND huyện; chị Hồ Thị Linh, người được đồn BP bồi dưỡng đã được bầu vào Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hương Liên. Ngoài ra, anh Hồ Bắc cũng được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành MTTQ xã. Những người con ưu tú của Rào Tre chính là cầu nối quan trọng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng. Em Hồ Thị Đình Xuân là người Chứt đầu tiên học xong lớp nhạc cụ dân tộc của trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội, hiện tiếp tục theo học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê. Năm vừa qua, em đã hoàn thành xong chương trình lớp 10 với học lực loại khá. Hiện nay, Xuân đang được trung tâm bồi dưỡng để sắp tới giới thiệu em đứng vào hàng ngũ của Đảng. Xuân cho hay: “Được sự động viên của các chú BĐBP, hằng tháng, các chú BĐBP lên trường đặt tiền ăn, phòng trọ và còn động viên em cố gắng học hành cho thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Nếu có điều kiện, em sẽ đưa những kiến thức đã được đào tạo về phục vụ dân bản”.


Song hành với việc xóa mù chữ, những người lính biên phòng còn tích cực tham gia bài trừ các tập tục lạc hậu trong cộng đồng người Chứt. Phần lớn đồng bào Chứt ở bản Rào Tre lập gia đình theo quan hệ “cận huyết thống” nên các đứa trẻ sinh ra đều yếu ớt hoặc bị bệnh tật. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đang chỉ đạo cho Đồn BP Bản Giàng phải có phương án cụ thể nhằm chấm dứt tình trạng nói trên. Giải pháp khả thi là tạo điều kiện cho nam nữ thanh niên ở Rào Tre giao lưu với cộng đồng người Chứt ở Quảng Bình, từ đó sẽ làm nảy sinh và xây dựng các mối quan hệ nam – nữ của hai vùng, tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là địa hình đi lại giữa hai vùng quá khó khăn. Hơn nữa, người Chứt ở Quảng Bình vẫn giữ tập quán “trai làng giữ gái làng”, đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của chính quyền hai tỉnh.


Từ cuộc sống du canh du cư, lấy hang đá làm nhà ở, giờ đây, đồng bào Chứt ở Rào Tre đã định canh, định cư. Toàn bản đã có trên 60% hộ dân có ti vi, đồng bào đã biết trồng lúa nước, rau xanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hộ gia đình đã tự sắm được xe máy và bắt đầu nghĩ tới việc kinh doanh, buôn bán, làm giàu. Bên cạnh đó, từ ngày Trạm quân dân y của Đồn BP Bản Giàng đi vào hoạt động đã làm thay đổi quan niệm của bà con về chữa bệnh. Trước đây, mỗi khi người dân bị mắc bệnh thường tìm đến nhờ “thầy mo” trừ “con ma rừng” thì nay, họ chủ động tới Trạm quân dân y khám chữa bệnh. Các y, bác sĩ cũng hướng dẫn cho bà con sử dụng công trình vệ sinh và nước sạch, góp phần đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường cho bản.



Vũ Long

Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP