Tin Hà Tĩnh

Sự cố vỡ kênh dẫn Ngàn Trươi: Chuyện bây giờ mới kể

Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang là hồ chứa nước lớn thứ 3 cả nước, thế nhưng trong quá trình thi công chủ đầu tư đã bỏ qua các yếu tố tầm nhìn, môi trường, kinh tế, kỹ thuật để xảy ra nhiều vấn đề tắc trách, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh tại công trình ngàn tỷ này.

Đôi nét sơ lược

Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang thuộc công trình thủy lợi cấp 1 đa mục tiêu, là hồ chứa nước lớn thứ 3 trong cả nước chỉ sau hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), hồ Cửa Đạt (Thanh Hoá) có sức chứa 932,7 triệu m3, phục vụ tưới 38.585 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc 8 huyện, thị xã và 5.991ha diện tích nuôi trồng thủy sản và SX 13,5 MW điện, cấp nước sinh hoạt cho hàng vạn dân cư sống trong vùng, tổng mức đầu tư 9.165,6 tỷ đồng.

Một góc công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh)

Dự án bao gồm 3 hợp phần, hợp phần chính thuộc đầu mối hồ chứa, với tổng vốn đâù tư 3.050 tỷ đồng, chủ đầu tư thuộc Ban quản lý đầu tư - xây dựng thủy lợi 4 thuộc Bộ NN&PTNT, công trình cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng. Hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư cũng đã hoàn thành đúng với lộ trình đề ra.

Riêng hợp phần kênh dẫn, đây là hợp phần sau cùng để khẳng định hiệu quả của việc cung cấp nguồn nước đúng theo yêu cầu của dự án đề ra. Hợp phần này thuộc Ban QLDA Ngàn Trươi -Cẩm Trang làm chủ đầu tư, do ông Nguyễn Bá Đức làm trưởng ban (Nay là Ban quản lý DA đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp&PTNT Hà Tĩnh).

Ông Đào Văn Tinh - Nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch HKH-KT thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: Do địa hình địa chất, thủy văn thời tiết khắc nghiệt, phức tạp, ngành thủy lợi Hà Tĩnh kết hợp với các chuyên gia đầu ngành Bộ NN-PTNT đưa ra 3 phương án để chọn 1 phương án khả thi nhất, hội tụ đủ các yếu tố về ý tưởng, tầm nhìn, xã hội-môi trường, kinh tế-kỹ thuật…Đặc biệt là việc cần thiết quan tâm đến việc biến đổi khí hậu cực đoan hiện nay và giải pháp ứng phó. Ngoài ra còn phải đề cao tính nhân văn, của một dự án nhằm khai thác sử dụng, mối tương quan đến lợi ích trước mắt và lâu dài.

Theo Hội HK&KT thủy lợi Hà Tĩnh, nếu dự án chọn phương án 3 sẽ tiết kiệm kinh phí đầu tư xuống cả ngàn tỷ đồng, không gây ảnh hưởng việc di dời dân.

Cũng theo ông Tinh, phương án mà Hội HK&KT thủy lợi Hà Tĩnh tâm đắc nhất đó vẫn là phương án 3, phương án này sẽ tiết kiệm kinh phí đầu tư xuống mức thấp nhất, không gây ảnh hưởng việc di dời dân, hạn chế tối thiểu lấy đất SX nông nghiệp của nông dân, bởi kênh dẫn chủ yếu bằng hầm Tuynel xuyên dưới các đồi núi thay cho việc thu hồi đất nông nghiệp để đào đắp như hiện nay. Đặc biệt không phải bỏ một khoản tài chính khổng lồ để phá vỡ hiện trạng kênh dẫn thủy lợi Linh Cảm mà chỉ tôn cao mặt kênh lên mức độ, bảo đảm nguồn nước dẫn, vừa tiết kiệm ngân sách đáng kể”. Thế nhưng phương án mà chúng tôi đề xuất lại không được thực thi, họ lại chọn phương án 1 bằng xây dựng tuyến kênh dài gần 20 km chẳng khác gì con đê chắn sóng biển.

Theo Hội HK&KT thủy lợi Hà Tĩnh, nếu dự án chọn phương án 3 sẽ tiết kiệm kinh phí đầu tư xuống cả ngàn tỷ đồng, không gây ảnh hưởng việc di dời dân.

Khi chủ đầu tư đã quyết!

Nói về ý tưởng, tầm nhìn của một công trình thủy lợi lớn, phải an toàn để cung cấp đủ nguồn nước đúng nhiệm vụ của dự án đề ra, biện pháp đầu tiên đặt ra là phải thoát lũ nhanh nhất, tránh ứ đọng dòng chảy khi các đợt mưa lũ dồn về. Đặc biệt đảm bảo yếu tố xã hội-môi trường, không làm đảo lộn đến cuộc sống dân cư, an toàn đối với cuộc sống xung quanh, kể cả nhà ở khu dân cư khi thi công.

Nguy cơ tắc dòng chảy tại đoạn kênh này.

Về kinh tế-kỹ thuật, thi công công trình phải đúng bản vẽ khảo sát, thiết kế, phải đề cao tính nhân văn phù hợp với quy luật tự nhiên vốn có, hạn chế tối thiểu không làm đảo lộn quy luật tự nhiên cũng như đảo lộn đời sống dân sinh trong vùng. Một dự án phải hội tụ đủ các yếu tố trên sẽ là một dự án thành công, bền vững nhất

Ngược lại công trình kênh dẫn Ngàn Trươi - Cẩm Trang trong quá trình xây dựng đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Trước hết phải nói rằng, cả một công trình quy mô lớn phải cần đến hàng triệu m3 đất đá, thế nhưng dự án này không quy hoạch cấp mỏ. Nghĩa là các chủ thầu gặp đâu đào đấy. Việc làm này không những gây mất an ninh trật tự trên địa bàn mà các núi đồi hai bên đường tỉnh lộ 5 lên Vũ Quang bị đào bới nham nhở, dân kêu trời bởi quá trình vận chuyển phá hủy nhiều đoạn đường huyết mạch này.

Theo thiết kế thì có những đoạn đào đắp, nhưng phía thi công vấp phải nhiều đoạn sình lầy, lún sụt dẫn đến chậm tiến độ hàng năm trời. Nghiêm trọng hơn là cả tuyến kênh dài hơn gần 20 km từ hồ Ngàn Trươi đến sông Ngàn Sâu cao độ từ +10m, +13m trở thành 1 con đê chắn ngang dòng chảy lũ của lưu vực sông Ngàn Sâu, gây ách tắc chậm lũ đối với 2 huyện Vũ Quang và Hương Khê. Đặc biệt nghiêm trọng hơn do khi khảo sát thiết kế kênh đi qua các vùng đầm lầy nên thi công phải làm máng bê tông treo. Theo quan sát của chúng tôi khi thi công có chỗ đáy kênh cách mặt đất trên dưới 1 mét, sau 5 năm đến nay độ hở có chổ chỉ còn 20-30cm.

Một số chuyên gia thủy lợi cho rằng, đây không phải do kênh bị lún mà do quá trình mưa lũ bồi lấp nguy cơ sẽ chặn dòng chảy. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm bởi mưa lũ kéo dài nhiều ngày, nước lũ bị chặn lại, dâng cao“Tức nước vỡ bờ”. Nếu kênh vỡ hệ lụy khôn lường sẽ xảy ra như một cơn đại hồng thủy khủng khiếp cuốn trôi tất cả ra biển đông.

Còn nói về quá trình thi công đã gây ảnh hưởng đến công trình nhà cửa do sạt lở núi, sạt lở đất đối với một số hộ dân cư sinh sống ven kênh. Nói đến nhân văn của một công trình thì cả tuyến kênh chủ yếu đi trên đất SX nông nghiệp thuộc diện tích hai lúa mất hàng trăm ha, cả tuyến kênh được đổ bê tông toàn phần kể từ trong lòng kênh ra ngoài trông như một khối bê tông khổng lồ. Một vị lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, với cách làm bất trắc này, cần phải đầu tư thêm một khoản kinh phí khá lớn nữa để tạo các đường gom dân sinh, phục vụ dân sinh qua lại sản xuất của người dân 2 bên tuyến kênh.

Còn nói về bảo đảm nguồn nước nước tưới, theo phương án 3 là sẽ tưới bảo đảm 32.000 ha nhưng với phương án hiện tại chỉ tưới cấp nước được 17.342 ha khu tưới Linh Cảm cũ, cấp 6m3/s cho mỏ sắt Thạch Khê và 4m3/s xả về hạ du. Vấn đề này không phù hợp với chiến lược nguồn nước và quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cả đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Đặc biệt, với dự báo biến đổi khí hậu toàn cầu, khi nước biển dâng, mặn xâm nhập sâu vào nội địa, cống Trung Lương và Đức Xá phải đóng lại thì nguồn nước nội đồng sẽ bị thiếu nghiêm trọng.

Với những tình tiết trên đối với một dự án đầu tư lên hàng ngàn tỷ đồng, tuy chưa vận hành, chưa đưa vào sử dụng nhưng đã có bao nhiêu sự cố xảy ra gây nhiều hệ lụy đối với xã hội, đối với an toàn cả một công trình dân sinh, cụ thể nhất là đoạn kênh bị sạt lở vừa qua. Nếu sự cố xảy ra ai sẽ phải chịu trách nhiệm vẫn đề này?!.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Nhà đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP