Phóng sự - Ký sự

Sống dở chết dở tại mỏ sắt lớn nhất ĐNA – Bài 4: Cái chết tức tưởi của hai cháu nhỏ

Những cơ cực của người dân xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) dù sao cũng còn chịu đựng được. Nhưng với người dân xóm 1, xã Thạch Đỉnh thì có lẽ đã đến lúc "sức cùng, lực kiệt". Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á đã khiến nhiều người dân phải chịu cảnh cơ cực.


Bài 1: “Có nơi nào khổ như chúng tôi không?”Bài 2: Những cuộc di chuyển mộ không… hài cốt Bài 3: ‘Sống dở chết dở’ tại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Gánh nặng quá sức


Khi mà khu tái định cư chưa được xây dựng, chưa thực hiện xong công tác đền bù thì Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) đã đi vào khai thác khiến người dân phải chịu cảnh sống “dở chết dở”. Mùa hè thì bão cát tấn công, mùa mưa thì lũ bùn càn quét.


Đặc biệt là những hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội, chính trị của xã khiến cho công tác quản lý, điều hành trở thành 1 gánh nặng quá sức đối với cấp uỷ, chính quyền cấp cơ sở.


Ông Nguyễn Văn Phùng – Bí thư xã Thạch Đỉnh cho biết: Triển khai thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, mấy năm qua địa phương không được đầu tư xây dựng cơ bản. Vì thế, đến nay hệ thống điện, đường, trường, trạm đều xuống cấp cả rồi.


‘Đấy, các anh xem nhiều tuyến giao thông của xã hư hỏng hết. Mọi hoạt động giao thương, dân sinh đều bị ngưng trệ nhưng xã đành bó tay vì không có ngân sách để sữa chữa, dù chỉ là “vá dặm”. Đây là các tuyến đường được sử dụng làm đường công vụ phục vụ dự án, nhưng các nhà thầu không thực hiện hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình” – ông Phùng nói.


Ông Phùng giãi bày về những khó khăn trong quản lý, điều hành của xã. Từ việc không thể tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, không thể thực hiện tốt các chế độ, chính sách, động viên thăm hỏi đến giao lưu học tập.


Tất cả chỉ vì ngân sách địa phương quá khó khăn, mọi nguồn thu đều bế tắc.

Hình ảnh cháu bé chưa đầy 4 tuổi theo chân bố mẹ đi làm thuê, xúc cát “trộm” để kiếm sống ở xóm 1 Thạch Đỉnh. Họ chẳng dám động đến số tiền đền bù, vì sợ chẳng đủ làm nhà. Rồi còn công việc nữa. Họ đang lo cho tương lai của nhiều thế hệ cư dân vùng mỏ. Ảnh: Duy Tuấn

Vừa rồi, UBND tỉnh có quyết định hỗ trợ cho xã 150 triệu đồng nhưng chừng ấy chẳng thấm tháp gì, chỉ là đủ để chi tiêu nhỏ giọt theo kiểu “cầm hơi”. Mà hoạt động của bộ máy chính quyền các xã vùng dự án thì “thiên hình vạn trạng”, nặng nề nhất là việc giữ gìn an ninh trật tự, ổn định xã hội.


Thạch Đỉnh là điểm “đóng chân” của bộ máy khai thác mỏ sắt nên số lượng cán bộ, công nhân lưu trú trên địa bàn nhiều. Kéo theo đó là những hệ thống các dịch vụ, chính thức có, tự phát có nên công tác quản lý là rất khó khăn.

Chị Lan trước bàn thờ đứa con ngoan, học giỏi đã vĩnh viễn nằm lại ở moong mỏ. Ảnh: Duy Tuấn


“Mà ở cái vùng quê nghèo này, người dân bao đời chất phác, chưa quen với lối sống, chưa tự trang bị đầy đủ những kiến thức về tệ nạn xã hội nên dễ bị tiêm nhiễm lắm. Đó là chưa nói đến 1 bộ phận thanh thiếu niên gia đình được nhận tiền đền bù, không có công ăn việc làm nên tụ tập, đua đòi, chơi bời. Mặc dù chưa có sự việc nổi cộm nào xảy ra nhưng nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự luôn tiềm ẩn” – ông Phùng nói với vẻ mặt đầy lo lắng.


Cái chết tức tưởi của hai cháu bé


Quan ngại về nguy cơ của vị lãnh đạo xã đầy tâm huyết là “ở thì tương lai gần”, nhưng có 1 điều đáng lo ngay trước mắt của người dân Thạch Đỉnh đó là những tai nạn đối với con, em mình ngay trong khai trường khi chẳng may vô tình lạc bước.


Và, sự việc hai đứa trẻ chết đuối thương tâm ngay trong công trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê mãi mãi là nỗi đau không thể nguôi ngoai của gia đình và cả xóm, làng.


Đến bao giờ chị Nguyễn Thị Lan có thể nguôi ngoai được nỗi đau khi trong buổi chiều định mệnh, đứa con trai 9 tuổi, một học sinh giỏi của ngôi trường cấp 1 Thạch Đỉnh đã mãi mãi nằm xuống dòng nước lạnh lẽo trong moong mỏ.

Khu tái định cư dự án mỏ sắt Thạch Khê phơi nắng phơi sương, chưa thể hoàn thiện để người dân có thể đến sinh sống. Riêng đối với người dân xóm 1 Thạch Đỉnh, sống trong lòng mỏ thì gần như đã sức cùng lực kiệt. Ảnh: Duy Tuấn.


Chị Lan vẫn nhớ như in, chiều ngày 6/7/2009, khi chị đang chuẩn bị bữa cơm, trong đó có được mớ cá “cải thiện” mà cậu con trai ưa thích đang đi chăn bò giúp mẹ về để ăn cơm. Bất chợt, lòng chị bỗng nóng ran, cùng lúc là tiếng gọi thất thanh từ những người hàng xóm khiến chị ngã quỵ: Thằng Nam và một đứa con nhà hàng xóm rơi xuống hố sâu trong moong mỏ rồi.


Trời đất như sụp đổ. Chị quáng quàng chạy vào khu vực mong mỏ đang khai thác. Hình ảnh những người thanh niên trong xóm đang cố lặn xuống hố nước sâu để tìm thi thể hai cháu bé khiến chị chết đứng.


Hố nước quá sâu nên những thanh niên lực lưỡng, có kinh nghiệm sông nước nhất lặn mãi vẫn chưa tìm được. Mỗi lần họ lặn xuống, chị lại hy vọng để rồi khi nhìn thấy những cái lắc đầu, lòng người mẹ trẻ lại nhói đau.


Hi vọng cứu được các em tắt dần sau hàng giờ lặn tìm. “Không cứu được người cũng phải vớt được xác, nằm dưới nước sâu các con lạnh lắm” – Tiếng khóc xé lòng của những người mẹ trẻ khiến ai có mặt hôm đó cũng không cầm được nước mắt.


Một quyết định táo bạo, mọi người cởi áo, buộc lại thành dây rồi thắt vào bụng một thanh niên khoẻ mạnh nhất, mạo hiểm lặn xuống tầng nước sâu nhất. Trời thương, sau vài lần lặn thì tìm thấy thi thể hai cháu.

Những vỉa sắt trong moong mỏ được đưa lên, bao đời nay người dân nơi đây vẫn ước mong được một ngày đổi đời nhờ. Nhưng cái mà họ nhận được thời gian qua là sự mất mát, khổ cực. Ảnh: Duy Tuấn

Lúc này trời cũng đã tối sầm. Dù biết là vô vọng nhưng việc sơ cứu vẫn được thực hiện gấp gáp. Bóng 2 người mẹ trẻ oằn bên xác con thơ như những đấu hỏi ai oán. Vì sao? Vì chúng còn quá bé, chưa hiểu hết những nguy hiểm đang rình rập. Vì công trường khai thác không có hàng rào ngăn cách, không biển báo nguy hiểm hay vì số phận?


Không ai trả lời được.


Sau cái chết của hai cháu bé, chẳng người dân nào trong xóm 1 dám bén mảng đến sát mong mỏ nữa. Những hố nước sâu hoắm, những triền cát rộng lớn có thể sụt lún bất cứ lúc nào.


Và hôm nay đây, công trường khai thác đã ngừng hoạt động nhưng đứng chênh vênh trên bờ, nhìn vào lòng moong sâu mấy chục mét, chúng tôi không khỏi rùng mình.


Cuộc sống bất trắc là vậy, nhưng những hộ dân nằm trong vùng moong mỏ đang lâm vào cảnh muốn đi cũng không biết đi đâu, vì đến bây giờ, tất cả các khu tái định cư của dự án vẫn chưa hoàn thành.


Thăng Long – Duy Tuấn


(còn nữa)

VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP