Bài giới thiệu "bác sĩ Khiêm" trên trang Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế - Ảnh chụp màn hình |
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 22-2, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết đã nắm được thông tin vụ việc một người giả danh là sinh viên Trường ĐH Y dược để có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ ở khu cách ly tập trung tại Q.12 mà báo Pháp Luật TP.HCM nêu.
Trước mắt, theo ông Thượng, đơn vị đã giao thanh tra sở phối hợp với Trường ĐH Y dược TP.HCM, khu cách ly tập trung và điều trị người bệnh COVID-19 ở Trường CĐ Điện lực TP.HCM (Q.12, TP.HCM) vào cuộc xác minh. "Quan điểm của Sở Y tế TP.HCM là cái gì sai phạm, giả dối, nếu cần phối hợp với công an phải xác minh xử lý nghiêm" - ông Thượng khẳng định.
Về trách nhiệm của Sở Y tế TP.HCM trong việc rà soát chuyển nhân sự chống dịch đến các cơ sở, ông Thượng cho rằng Trường ĐH Y dược TP.HCM có trách nhiệm rà soát lại. Trong bối cảnh dịch căng thẳng thời gian trước, Sở Y tế TP.HCM tin tưởng danh sách do các trường cung cấp.
"Quan trọng lúc này phải xác định rõ mục đích cuối cùng của người xưng bác sĩ này là gì? Hậu quả gây ra ra sao? Thời điểm dịch bệnh căng thẳng như thời chiến, việc tình nguyện viên xung phong chống dịch cứu người là việc rất tốt. Chỉ có điều nếu lạm dụng là bác sĩ để lấy tiền bạc thì phải xử lý", ông Thượng nói thêm.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay giấy khen cho "bác sĩ Nguyễn Quốc Khiêm" là làm giả |
Trước đó, trong bài viết: "Giả danh bác sĩ vào một khu cách ly điều trị cho F0", báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh về một trường hợp có tên Nguyễn Quốc Khiêm, xưng là bác sĩ nội trú Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Theo bài báo, từ tháng 7-2021, sau khi giả danh là sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM để có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ ở khu cách ly tập trung, Khiêm trở thành "thạc sĩ - bác sĩ điều trị", ra các y lệnh điều trị cho các bệnh nhân F0 tại khu cách ly tập trung và điều trị người bệnh COVID-19 ở Trường CĐ Điện lực TP.HCM (Q.12).
Trong quá trình công tác, vị "bác sĩ" này đã hỗ trợ cứu sống một ca trở nặng bằng cơ số thuốc có trong khu cách ly, trước khi bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng nay 22-2, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết sẽ có ngay văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM và các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ và tìm hướng xử lý vụ “bác sĩ Khiêm”.
Vụ việc hy hữu này được chuyên gia trong ngành cho rằng do thời điểm cần nhu cầu nhân lực quá lớn, số lượng bệnh nhân lớn, nhiều nhân lực đến làm việc theo lời kêu gọi tình nguyện. Việc kiểm tra các thủ tục về hồ sơ, chứng chỉ hành nghề có thể không đầy đủ.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng để người không có chứng chỉ hành nghề và không có chuyên môn vào điều trị cho bệnh nhân là sơ suất lớn cần làm rõ. Đáng chú ý, bài viết về “bác sĩ Khiêm” đã được đăng tải trên báo Sức Khỏe Đời Sống và website chính thức của Bộ Y tế đăng lại. Cả hai link bài hiện đã bị gỡ sáng 22-2.
Bệnh viện Chợ Rẫy nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - khẳng định giấy khen ghi do một phó giám đốc ký cho "thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quốc Khiêm, khoa tim mạch" của bệnh viện là hoàn toàn giả mạo.
"Người này chưa bao giờ thực tập tại bệnh viện, và bệnh viện cũng không có bác sĩ nào như vậy" - bác sĩ Thức khẳng định.
Liên quan đến người này, trước đó trên mạng lan truyền giấy khen cho "thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quốc Khiêm", khoa tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, vì "đã có thành tích đột xuất phát hiện, hỗ trợ cấp cứu và điều trị cứu sống người bệnh đang trong tình trạng tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy".
Tuy nhiên, phía trên giấy khen ghi Sở Y tế TP.HCM, nhưng người ký quyết định khen thưởng lại là một phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tác giả: HOÀNG LỘC - LAN ANH
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ