Bao quanh nhà thờ tổ nghiệp của Hoài Linh là con rạch cùng những bức tường cao 4 m. Công trình có hai nhà lớn và một căn nhỏ. Trong đó, căn áng ngữ mặt tiền đã gần hoàn thiện, còn nhà gỗ phía sau còn dở dang.
Cổng chính nhà thờ tổ nghiệp của Hoài Linh với cặp rồng áng ngữ lối ra vào. Ảnh:Duy Trần |
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh – Phó chủ tịch UBND quận 9 – cho biết, phần đất Hoài Linh sử dụng làm nơi xây đền thờ tổ là đất nông nghiệp kết hợp với nhà ở kinh tế vườn. Muốn xây dựng phải xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định. Với loại đất này, nếu được đồng ý, Hoài Linh chỉ được cho phép chuyển đổi 10% diện tích sang đất nhà ở. Theo đó, danh hài mua 7.000 m2 để xây nhà thờ tổ nên chỉ được chuyển 700 m2.
Theo ông Anh, Nghị định 121 quy định, công trình trái phép sau khi được xem xét đủ điều kiện tồn tại, cơ quan chức năng sẽ tính giá trị xây dựng, xây lắp của công trình. Sau đó, chủ đầu tư sẽ phải nộp phạt 40% giá trị toàn bộ công trình.
“Nếu công trình đủ điều kiện tồn tại thì mới tính đến chuyện nộp phạt 40%, chứ không phải nộp phạt để công trình được tồn tại. Tôi khẳng định hai việc này khác nhau hoàn toàn”, ông Anh nói và cho biết các hạng mục nằm ngoài phần cho phép xây dựng của đất ở sẽ bị xử lý theo quy định.
“Quận đang hướng dẫn để anh Linh chuyển mục đích sử dụng nên chưa bàn chuyện dỡ bỏ công trình”, Phó chủ tịch UBND quận 9 nói thêm.
Khi chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, Hoài Linh phải đóng thuế cho những diện tích đất được chuyển đổi theo giá của Nhà nước quy định ở khu vực đó. Cơ quan chức năng đang đo đạc nên chưa tính toán được số tiền cụ thể Hoài Linh phải đóng là bao nhiêu.
Căn nhà gỗ lớn còn thi công dang dở. Ảnh: Duy Trần |
Phó chủ tịch UBND quận 9 cũng cho hay, trước đó, khi phát hiện công trình xây không phép cơ quan chức năng đã 2 lần đình chỉ thi công. Theo quy định, chủ công trình có 60 ngày để hoàn chỉnh thủ tục cấp phép xây dựng. Trong thời gian này họ cho đóng cửa, bên trong thợ vẫn tiếp tục làm. Trước Tết, phường Long Phước mới báo cáo lên và UBND quận 9 ra quyết định xử phạt.
“Do công trình mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, cộng với việc Hoài Linh là nghệ sĩ lớn, được nhiều người yêu mến nên trong việc xử lý có sự vị nể. Các đơn vị họ làm đúng quy trình hết nhưng còn vướng cái tình trong đó”, một cán bộ UBND quận 9 chia sẻ.
Trong đơn cứu xét gửi UBND quận 9 sau khi công trình bị đình chỉ, Hoài Linh cho biết số tiền xây dựng nhà thờ tổ nghiệp được tích cóp qua nhiều năm đi diễn. Ông phải hy sinh gia đình, con cái để mang tiếng cười đến xã hội. Danh hài mới nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cho biết làm nghề gần 20 năm, lúc nào ông cũng hướng về tổ nghiệp và muốn có chỗ thờ cúng để trả hết cái ơn mà nghề mang lại.
“Tôi đang thực hiện ước mơ xây dựng nhà tổ sân khấu tại phường Long Phước với mục đích có chỗ ổn định thờ cúng ông tổ. Công trình này là nhà gỗ, không xây đúc kiên cố và cũng phù hợp với điều kiện sinh thái ở địa phương. Tôi mong muốn UBND quận 9 xem xét cho được tồn tại công trình này để phục vụ cho nghệ sĩ”, Hoài Linh viết.
Căn nhà gỗ chính diện mặt tiền gần hoàn thiện. Ảnh: Duy Trần |
Danh hài hải ngoại cho biết thêm, hiện công trình đã hoàn thành gần xong. Anh cũng cam kết xin chuyển mục đích sử dụng đất trong khuôn viên đúng quy định và cho là nhà thờ tổ sẽ góp phần phát triển địa phương.
Trước đó, công trình nhà thờ tổ nghiệp của nghệ sĩ Hoài Linh, được cho có giá trăm tỷ, bị UBND quận 9 xử phạt 6,25 triệu đồng và đình chỉ thi công. Đại diện của danh hài đã nộp phạt và cho biết đang gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục được xây dựng.
Hoài Linh từng chia sẻ công trình nhà thờ tổ nghiệp là tâm huyết cả cuộc đời nên ông làm việc không biết mệt mỏi để có kinh phí xây dựng.
Duy Trần