Mất sáu năm kể từ khi đại án Bầu Kiên – biến cố lớn nhất với Ngân hàng Á Châu (ACB) xảy ra, nhà băng này mới lấy lại được những gì đã mất. Theo báo cáo tài chính kiểm toán mới được công bố, 2018 là năm kinh doanh đầu tiên kể từ khủng hoảng, lợi nhuận của ACB vượt qua mức đỉnh năm 2011. Còn trên phần thuyết minh, khoản mục "Dư nợ Nhóm sáu công ty" - khoản nợ xấu có liên quan đến Bầu Kiên, đã không còn xuất hiện.
Tác động của Bầu Kiên với ACB đang dần bị thu hẹp, cả nghĩa tích cực và tiêu cực. |
Bầu Kiên và ACB - hai cái tên từng có mối quan hệ khăng khít cách đây một thập kỷ, một người được xem như "ông trùm" ngành ngân hàng, còn một bên là nhà băng tư nhân đứng đầu mảng bán lẻ. Tuy nhiên, biến cố cách đây 6 năm khiến mối quan hệ này rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.
Ngày 21/8/2012, Bầu Kiên - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB - bị bắt. 5,6 tỷ USD vốn hóa thị trường chứng khoán mất đi sau ba phiên giao dịch, hơn 100.000 tỷ đồng tổng tài sản của ACB bốc hơi sau chưa tới một năm là những con số thể hiện mức độ nghiêm trọng của sự việc, điều mà trước đó khó ai có thể nghĩ sẽ xảy đến với một ngân hàng có vị thế như ACB.
Không còn vai trò quản trị sau khi vướng vòng lao lý, ảnh hưởng của "ông trùm ngân hàng" một thời với ACB chỉ còn là những khoản nợ xấu nghìn tỷ đồng của những công ty liên quan. Cuối năm 2012, tổng dư nợ cho sáu công ty có liên quan đến Bầu Kiên được xác định hơn 9.400 tỷ đồng, với tài sản đảm bảo gồm số dư tiền gửi, cổ phiếu, bất động sản và vàng.
Ảnh hưởng từ khoản nợ xấu tiềm tàng đã "ăn mòn" hoạt động của nhà băng này trong nhiều năm liên tiếp sau đó. Hệ quả là lợi nhuận của ACB từ 2012 đến 2016 chỉ trồi sụt dưới 1.700 tỷ đồng, chưa tới một nửa so với trước khủng hoảng.
|
Tuy nhiên, sau nhiều năm liên tiếp trích lập dự phòng, những ảnh hưởng từ biến cố Bầu Kiên với ACB đã dần mờ nhạt.
Đến cuối năm 2017, dư nợ của nhóm sáu công ty giảm còn 616 tỷ đồng, chưa tới 10% so với trước đó sáu năm. Riêng trong tháng 12/2017, ACB đã sử dụng dự phòng để xử lý hơn 2.700 tỷ đồng dư nợ của nhóm công ty này.
"Sau nhiều năm xây dựng khoản đệm dự phòng cao và giải quyết nợ xấu bằng nguồn dự phòng tín dụng, ACB đã giải quyết tất cả tài sản có vấn đề từ giai đoạn khủng hoảng trong năm 2012, bao gồm 8.700 tỷ đồng của Nhóm 6 công ty và trái phiếu VAMC", báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VCSC đánh giá.
Trên báo cáo tài chính năm 2018, lần đầu tiên kể từ khi đề án tái cơ cấu được phê duyệt, ACB không còn thuyết minh về khoản mục "Dư nợ Nhóm sáu công ty" như những năm trước. Thay vào đó, số liệu này chỉ còn ghi nhận ở phần phải thu khác với giá trị 135 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của ACB cũng lần đầu vượt qua mức đỉnh năm 2011, với gần 6.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hơn gấp đôi năm 2017 và cao hơn 50% so với trước khủng hoảng.
Không còn ảnh hưởng về khía cạnh "tiêu cực", ngay cả vai trò quản trị của Bầu Kiên với ACB cũng không như trước. Dù sở hữu hơn 10% cổ phần - theo công bố tại phiên họp thường niên năm 2018, tác động của Bầu Kiên với ACB đang dần bị thu hẹp.
Theo đơn đề cử nhân sự tại phiên họp thường niên năm 2018, nhóm cổ đông có liên quan đến Bầu Kiên cho biết sở hữu 10,45% vốn của ngân hàng này, tương đương khoảng 117,6 triệu cổ phần. Dù vậy, ngoài vai trò là cổ đông lớn, nhóm cổ đông có liên quan tới Bầu Kiên không còn giữ vị trí nào trong Hội đồng quản trị, Ban điều hành hay Ban kiểm soát ngân hàng.
Ông Nguyễn Duy Hưng, đại diện cho nhóm cổ đông liên quan đến Bầu Kiên, đã không được phê duyệt vào danh sách bầu thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018 - 2023. Bà Đặng Ngọc Lan (vợ Bầu Kiên) hiện là người duy nhất hiện diện cho nhóm cổ đông này ở ACB với vị trí Phó ban kiểm tra kiểm soát nội bộ và Chủ tịch công đoàn.
Từ một ngân hàng gắn liền với danh tiếng của Bầu Kiên, ACB sau sáu năm đã "lột xác" trở thành một nhà băng với với vị thế của riêng cái tên ACB.
Tác giả: Minh Sơn
Nguồn tin: Báo VnExpress