Tin

Sau khi đoạt giải Olympic, nhân tài Việt được thưởng như thế nào?

“Chính sách sẵn sàng rồi, nếu các em chuẩn bị đầy đủ có thể lên đường ngay. Đấy mới chính là chiến lược dài hạn mà bộ GDĐT đang hướng đến”, Ông Mai Văn Trinh khẳng định.

Năm 2014, học sinh Việt Nam lại tiếp tục “bội thu” huy chương ở các kỳ thi Olympic châu Á và Olympic quốc tế.

Năm 2014, học sinh Việt Nam lại tiếp tục “bội thu” huy chương ở các kỳ thi Olympic châu Á và Olympic quốc tế. Vui mừng, phấn khởi là tâm trạng chung trước thành tích nước nhà đạt được. Song, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại khi những chính sách phát triển những tài năng này, sau đó quay về đóng góp cho đất nước vẫn chưa nhiều.

Trong khi thực tế đến nay cho thấy, nhiều nhân tài trở thành các nhà nghiên cứu, giảng viên uy tín, chuyên gia giỏi ở nước ngoài.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT)

Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) khẳng định, việc cử các em học sinh đi thi ở các sân chơi quốc tế và khu vực không phải là mục đích cuối cùng mà là để phát hiện nhân tài.

“Chúng ta vui mừng phấn khởi ở từng giai đoạn cụ thể các em đạt được thành tích cao. Mục đích lâu dài phải làm sao có những chính sách hỗ trợ để các em phát triển hơn trên cơ sở nền tảng kiến thức của mình. Nuôi dưỡng những đam mê và giúp các em có thể trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý góp phần xây dựng quê hương, đất nước, thậm chí cho sự phồn vinh của nhân loại”, ông Trinh nói.

Về phần thưởng mà các học sinh nhận được trước mắt, ông Trinh chia sẻ: “Đây là mức thưởng quốc tế, các em được hưởng theo cùng một chế độ chung. Với huy chương vàng Olympic quốc tế học sinh sẽ nhận được phần thưởng 15 triệu đồng, huy chương bạc là 10 triệu đồng,… Bản thân tôi nói riêng, Bộ GDĐT nói chung và đông đảo những người làm giáo dục rất mong muốn những “hạt giống” này có thể tiếp tục phát triển được, góp công xây dựng, quê hương, đât nước”.

Tuy nhiên, theo ông Trinh, những phần thưởng dành cho các em bằng vật chất và tinh thần đấy vẫn chưa phải là tất cả. Bộ GDĐT đã có những chính sách để tiếp tục bồi dưỡng những nhân tài này trong thời gian tới.

Cụ thể hiện nay, chúng ta đang có Đề án 599 để gửi các em đi học ĐH ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước. Đối tượng học bổng theo chương trình này là những em dự thi khu vực và quốc tế đạt từ huy chương đồng trở lên. Tuy nhiên, các em phải có sự chuẩn bị về ngoại ngữ và việc được đi học lúc nào phụ thuộc vào sự chuẩn bị ngoại ngữ của các em.

Ngoài ra, còn có chương trình học bổng song phương rồi học bổng theo hiệp định, các học sinh hoàn toàn có thể được tham gia.

“Chính sách sẵn sàng rồi, nếu các em chuẩn bị đầy đủ có thể lên đường ngay. Đấy mới chính là chiến lược dài hạn mà bộ GDĐT đang hướng đến để có thể tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các nhân tài tỏa sáng trong tương lai”, ông Trinh nhấn mạnh.

Theo đó, tùy thuộc vào ngành nghề đào tạo, vào nhu cầu của các em và tùy thuộc vào năng lực ngoại ngữ của các em để quyết định việc cung cấp học bổng trọn quá trình học tập ở quốc nào. Nhưng theo ông Trinh, Bộ GDĐT sẽ ưu tiên hướng đến những quốc gia có nền giáo dục tiến tiến. Về chi tiết, Bộ GDĐT giao choCục đào tạo nước ngoàiphụ trách việc này.

Thanh Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP