Trong nước

Sau 8 ngày, cơn bão Đồng Tâm cũng đã trôi qua

Sau 3 giờ đối thoại, thảo luận, kèm theo cam kết của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung rằng: “Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”, người dân đã thả 19 cán bộ, chiến sỹ ra về.

Các cán bộ, cảnh sát cơ động rời khỏi nhà văn hóa thôn Hoành. Ảnh: Như Ý.

“Không ai đánh người chạy lại”

Việc Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung quyết định về đối thoại với người dân Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức trong sáng 22/4 đã khiến cho không khí ở nơi đây hạ nhiệt. Đài phát thanh của xã cũng liên tiếp phát đi các thông tin mời 50 người dân đến tham gia đối thoại.

10h30 phút sáng, đoàn xe của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung và đoàn công tác có mặt ở hội trường UBND xã Đồng Tâm. Ngay sau khi xuống xe, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã bắt tay, hỏi thăm một số người cao niên trong làng trước khi di chuyển vào hội trường.

Tham gia cùng đoàn công tác còn có ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an; Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội; đại diện Thanh tra Chính phủ…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp gỡ người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Mở đầu cuộc gặp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã xin lỗi bà con nhân dân vì đến muộn so với giấy mời của người dân. Ngay sau đó, bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm đã thay mặt người dân địa phương đọc các nguyện vọng của người dân.

Người dân cũng phát biểu, nêu ý kiến của bản thân và những người có hoàn cảnh tương tự. Nhiều người nói khá to tiếng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung  phải đề nghị người dân chấp hành nội dung trong hội nghị. “Tôi đã về đây thì bà con không nên căng thẳng quá, nói bình tĩnh để chúng tôi ghi chép”, ông Chung nói.

Sau khi lắng nghe và ghi chép đầy đủ các ý kiến của người dân, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã thay mặt lãnh đạo thành phố xin được chia sẻ bày tỏ với nỗi bức xúc băn khoăn của bà con. Những phát biểu của bà con tôi đã ghi chép đầy đủ, với 8 người phát biểu, 21 vấn đề. “Tôi xin thay mặt đoàn công tác nêu từng vấn đề”, ông Chung nói và cho biết, đơn kiến nghị mà bà Lan (Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm- PV) chuyển tới có 7 câu hỏi.

“Tôi về đây với bà con với tư cách chủ tịch thành phố, tôi ghi nhận ý kiến, bức xúc của bà con. Trong đơn đã nói rõ, việc bắt giữ người thi hành công vụ là sai. Tôi từng làm điều tra viên, giám đốc công an thành phố, tôi ghi nhận có sự bức xúc trong việc giải quyết đất đai vừa qua, bức xúc trong việc bắt giữ không công bố lệnh, không mặc quân phục dẫn đến việc bà con bắt giữ người. Bà con nói, từ hai bức xúc đó dẫn đến việc làm này. Đánh người chạy đi không đánh người chạy lại, người dân đã nhận thức được hậu quả, lại nhận thức được vấn đề rồi”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi đối thoại.

Làm nghiêm túc, không có vùng cấm

Ông Chung cũng ghi nhận bà con đã có sự hợp tác với bản thân ông, dù trước đó đã có những cuộc khiếu kiện kéo dài. Đồng thời, đến nay bà con đã nhận thức rõ được cái sai, khắc phục. “Tôi tin sau cuộc làm việc hôm nay bà con sẽ thả nốt người đang giữ. Bà con nói không đánh đập, lại chăm sóc và mua cả quần áo cho anh em, tôi ghi nhận. Thậm chí, nấu ăn cho cán bộ, chiến sĩ còn ngon hơn bữa cơm nhà mình”, ông Chung nói thêm.

Với trách nhiệm của mình, ông Chung cho biết, sẽ báo cáo lại đầy đủ, xem xét tất cả tình tiết này cho bà con. Công an huyện và  thành phố không tiến hành trấn áp. “Tôi cam kết không có ai về trấn áp, không được phép làm vậy, bà con cứ yên tâm”, ông Chung khẳng định.

Về kiến nghị của người dân rằng, Tập đoàn Viettel không được xây dựng khu đất này, ông Chung cho biết, thành phố đã quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng, xử lý khu đất. Thời gian thanh tra là 45 ngày và các cấp sẽ về địa phương để công bố công khai kết luận thanh tra để bà con biết. “Tôi ghi nhận, không có chuyện bà con tưới xăng vào các cán bộ chiến sĩ, thực tế là bà con đối xử rất chu đáo cho những người bị giữ”, ông Chung nói.

Về sức khỏe của cụ Lê Đình Kình, ông Chung cho biết đã gặp Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đề nghị chăm sóc cụ ở mức tốt nhất. Vì thế đến nay sức khỏe cụ Kình rất tốt, đã nói chuyện với những thành viên trong gia đình. “Chúng tôi ý thức đời thường như con cháu cụ, tôi thường xuyên vào thăm hỏi cụ và mong cụ phục hồi nhanh nhất, về với bà con”.

Đối với việc bắt giữ cụ Kình, ông Chung cho biết, lãnh đạo thành phố đã trao đổi với Bộ Công an, thống nhất sẽ thanh tra toàn bộ quá trình thực thi luật pháp của Công an thành phố Hà Nội, đúng sai phải làm rõ, đến mức truy cứu cũng phải truy cứu trách nhiệm hình sự. “Các cụ cứ yên tâm việc này sẽ được làm nghiêm túc, luật pháp không có vùng cấm, tôi dám khẳng định như vậy”, ông Chung nói.

Người đứng đầu UBND thành phố cũng cho người dân biết là đã trao đổi với Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an và khẳng định sẽ đảm bảo giữ bình yên nhất cho bà con. “Chúng tôi cũng đề nghị phối hợp chặt chẽ với huyện, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân. Chính vì các cụ tin vào Đảng, tin vào lãnh đạo thành phố nên các cụ mới mong muốn lãnh đạo thành phố về đây đối thoại. Tôi cho đây là thời điểm chín muồi nhất để chúng ta gặp gỡ tại đây. Cá nhân tôi rất tin tưởng vào các cụ”, ông Chung nói.

“Được giao nhiệm vụ đối thoại với bà con, tôi cám ơn các cụ đã hợp tác với tôi trong 7 ngày qua. Tôi tin sau cuộc hôm nay mọi thứ sẽ được giải tỏa. Tôi sẽ là người chỉ đạo, thực hiện, giải quyết vụ việc công tâm công bằng nhất. Chúng ta thống nhất, sau buổi làm việc này sẽ thả toàn bộ người đang bị giữ, bà con trở lại cuộc sống bình thường”, ông Chung chốt lại cuộc đối thoại.

Người dân Đông Tâm đón Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về làng. 

Không truy trách nhiệm hình sự nhân dân
Sau cuộc đối thoại ở trụ sở UBND xã Đồng Tâm, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đoàn công tác đã tới nhà văn hoá thôn (nơi các cán bộ, chiến sỹ đang bị giữ). Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), ĐBQH Dương Trung Quốc, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng là những người đầu tiên được người dân cho vào bên trong để hỏi thăm những người bị giữ và trao đổi với những người dân trông coi.

Sau hơn một giờ đồng hồ thảo luận, các bên đã thống nhất bản cam kết với ông Nguyễn Đức Chung đã viết bản cam kết cùng sự chứng kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương… Bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm đã trực tiếp đọc toàn bộ bản cam kết cho người dân.
Theo đó, ông Chung cam kết trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật khu vực đất Đồng Sênh là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp, không mập mờ, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật.
Ông Chung cũng cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm. Đồng thời cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bản cam kết này của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã nhận được những tràng vỗ tay không ngớt của người dân xã Đồng Tâm. “Thế là đêm nay chúng tôi được ngủ ngon rồi, chứ như những ngày trước ăn không ngon, ngủ không yên”, một người dân thở phào nhẹ nhõm nói với phóng viên.

Ngay sau đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và đại diện các cơ quan đã đi đến bắt tay, hỏi thăm 19 cán bộ chiến sĩ. Như vậy sau 8 ngày, cơn bão Đồng Tâm cũng đã trôi qua để lại nhiều điều đáng suy nghĩ.

“Bản cam kết và lời hứa của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã giúp chúng tôi nhẹ hết người. Đêm nay chúng tôi đã có thể ngon giấc, không còn phải nghe những tiếng kẻng báo động, những tiếng loa phát thanh kêu gọi nữa. Ngày mai chúng tôi cũng có thể an tâm đi làm, chứ không còn phải túc trực canh gác nữa. Nhưng giá như sự việc này giải quyết sớm hơn thì tốt biết bao”, một người dân chia sẻ.

Nhóm phóng viên / Theo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP