Tuy nhiên, sau khi BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 18, 19 (năm 2017) thì những hoài nghi về tinh thần “tiên phong” của địa phương này được dập tắt hoàn toàn.
Giảm 21 đầu mối
Năm 2011, HĐND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 26 phê duyệt Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức hội. Sở NN-PTNT là đơn vị được chọn thực hiện thí điểm đề án này.
Lĩnh vực lâm nghiệp sau khi sáp nhập đã đáp ứng được kỳ vọng là vừa giảm đầu mối, tiết kiệm ngân sách vừa tăng hiệu lực, hiệu quả công việc |
Sau khi quán triệt tinh thần Nghị quyết đến cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, năm 2012 Sở NN-PTNT tiến hành tinh giản 16 đầu mối trực thuộc; 76 biên chế, 168 hợp đồng lao động, 55 người thôi kiêm nhiệm tại các BQL dự án, giải quyết nghỉ theo chế độ dôi dư cho 35 người; ngoài ra sắp xếp, hợp nhất 7 doanh nghiệp thủy nông thành 2 doanh nghiệp; giảm 19 cụm, trạm và 10 lao động dôi dư.
Cách làm của Hà Tĩnh là chuyển Phòng Trồng trọt về Chi cục BVTV; Phòng Chăn nuôi về Chi cục Thú y. Chuyển giao Trạm BVTV, Trạm Thú y, Trạm Truyền giống chăn nuôi về UBND cấp huyện quản lý và sáp nhập thành Trung tâm (TT) Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Sáp nhập BQL rừng phòng hộ Thạch Hà và Cẩm Xuyên vào BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Hợp nhất 9 Cty TNHH MTV Thủy lợi thành 2 Cty TNHH MTV Thủy lợi: Bắc Hà Tĩnh, Nam Hà Tĩnh…
“Thừa thắng xông lên”, năm 2015 – 2016 đơn vị này tiếp tục tinh giản 3 Chi cục và 1 phòng phòng trực thuộc Sở. Trong đó, thành lập mới 1 Chi cục trên cơ sở tổ chức lại Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; giảm 7 phòng của các Chi cục thuộc Sở; giảm 9 biên chế công chức, viên chức và 38 người thực hiện theo Nghị định số 108 năm 2014 của Chính phủ.
Tháng 12/2015, hai Chi cục Kiểm lâm và Lâm nghiệp hợp nhất lấy tên là Chi cục Kiểm lâm. Sau gần 3 năm vận hành theo cơ chế mới, mục tiêu “co” đầu mối, giảm biên chế lãnh đạo trong lĩnh vực Lâm nghiệp đã đạt được như kỳ vọng.
Ảnh: T.Nga |
Theo ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm, hiện đầu mối lĩnh vực này đã giảm từ 2 Chi cục xuống còn 1; 7 phòng ban giảm còn 5; giảm 1 cấp trưởng Chi cục; 2 Trưởng phòng, 4 phó phòng; đang thực hiện lộ trình đến năm 2021 giảm từ 4 Phó Chi cục xuống còn 2 người. Đáng mừng là giảm đầu mối, giảm biên chế lãnh đạo nhưng hiệu lực, hiệu quả công việc vẫn đảm bảo, thậm chí nhiều nội dung được nâng lên rõ rệt.
Cần bổ sung biên chế chuyên ngành
Xét về tổng thể, đề án sáp nhập bộ máy ngành NN-PTNT Hà Tĩnh cơ bản đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, một số lĩnh vực nặng về quản lý nhà nước và có tính đặc thù như trồng trọt – BVTV hay chăn nuôi - thú y đang cần một đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể về mặt chuyên môn để có những điều chỉnh phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18, 19 của BCH Trung ương Đảng là giảm đầu mối nhưng tăng hiệu quả công việc.
Theo tìm hiểu của PV, sau 7 năm phân cấp trạm BVTV và Trạm thú y về cấp huyện quản lý, tổng biên chế tại các TT Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi hầu hết không thay đổi nhưng số biên chế chuyên môn giảm báo động.
Trong vòng 7 năm Hà Tĩnh đã tinh giản được 21 đầu mối thuộc ngành NN-PTNT |
Tổng hợp từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho thấy, đến thời điểm này tổng biên chế chuyên ngành chăn nuôi, thú y tại tại các TT chỉ còn hơn 40/67 người. Trong đó, có những đơn vị như huyện Kỳ Anh chỉ còn 1 người; Vũ Quang 2 người; thị xã Kỳ Anh 2 người; Hương Khê 2 người…
“Trước khi phân cấp, bình quân mỗi Trạm thú y có 4 – 5 cán bộ chuyên môn nhưng bây giờ ở các TT chỉ còn 1 – 2 người thì không thể “bao” được hết mấy chục xã trên địa bàn quản lý. Đó là chưa kể cơ chế hội họp thường xuyên như hiện nay, chỉ một con người làm báo cáo còn không kịp thì thời gian đâu để làm chuyên môn nữa”, một lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân tích.
Đồng thời có ý kiến cho rằng, hiện nay việc phân định chức năng quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ của các bộ phận trong TT cũng chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
“TT vừa kinh doanh vật tư nông nghiệp vừa thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực này thì tính răn đe trong quản lý nhà nước gần như không có”, vị lãnh đạo nói thêm.
Năm 2013, TT Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên thành lập với 18 biên chế; trong đó, lĩnh vực Chăn nuôi – Thú y 6 người; Trồng trọt - BVTV 5 người; khuyến nông 5 người và hành chính 2 người. Hiện tại, biên chế chuyên môn Chăn nuôi – Thú y “co” lại còn 3 người; Trồng trọt – BVTV giảm còn 2 người. Ông Lê Văn Danh, Giám đốc TT thừa nhận: “Biên chế chuyên môn giảm thì hiệu quả công việc cũng yếu đi rất nhiều”.
“Trước đây doanh nghiệp muốn thực hiện dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp phải làm 2 bộ hồ sơ, xin ý kiến 2 đơn vị nhưng bây giờ họ chỉ cần làm 1 bộ, xin ý kiến 1 đầu mối. Vừa gọn nhẹ vừa tăng hiệu lực xử lý công việc”, ông Huấn lấy ví dụ.
Cũng theo vị Chi cục trưởng Kiểm lâm, cái được lớn hơn khi thực hiện NQ26 chính là tiết kiệm hàng chục tỷ đồng ngân sách/năm dành cho hoạt động chi thường xuyên như: điện, nước, xăng xe, mua sắm thiết bị; phụ cấp chức vụ…
Chị Trần Thị Trang (ảnh), cán bộ BVTV Trung tâm ứng dụng huyện Cẩm Xuyên cho hay, bình quân mỗi năm huyện Cẩm Xuyên sản xuất hơn 18.000ha lúa/2 vụ, nếu tiếp tục duy trì con số 2 cán bộ chuyên môn Trồng trọt – BVTV như hiện nay bản thân chị rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chị Trần Thị Trang cho rằng, sau sáp nhập, biên chế chuyên môn tại các TT như hiện nay là quá ít |
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đạo ôn cổ bông những năm gần đây xuất hiện nhiều chủng, nòi mới thì nhiệm vụ dự tính, dự báo, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh lại càng nặng nề hơn.
“Bây giờ thực hiện nhiệm vụ không thể “cưỡi ngựa xem hoa” như trước. Vì vậy, chúng tôi mong tỉnh, huyện sớm tổ chức thi tuyển, bổ sung biên chế chuyên môn cho các TT để gia tăng hiệu quả công tác dự tính, dự báo, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi”, ông Lê Văn Danh đề xuất.
Tác giả: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam