>>Mường Thanh hay “tập đoàn… ông trời”?
Đây sẽ là một hồi chuông cảnh báo đối với những DN làm ăn, kinh doanh “bát nháo”, cố tình phạm pháp!
Dự án Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội)
Có thể nói, sai phạm nghiêm trọng tại Dự án Đại Thanh như một “khối u” trên thị trường BĐS. Bởi, khi vỡ ra nó đã bộc lộ rõ hàng loạt tiêu cực và sự bát nháo trong công tác quản lý, giám sát… của nhiều sở, ngành và chính quyền cấp cơ sở trực thuộc TP. Hà Nội. Sai phạm đã rõ mười mươi, diễn ra trong suốt nhiều năm qua, nhưng cũng ngần ấy thời gian, các sở, ngành liên quan đã “mặc kệ” người dân sống trong khổ sở và “bó qua” sự nghiêm minh của pháp luật?
Sự buông lỏng quản lý trong thời gian dài, đã dẫn tới việc chủ đầu tư dự án “nhắm mắt làm liều”, chạy theo lợi nhuận, đẩy hàng nghìn công dân vào thảm cảnh khốn khó. Trong số đó, có hàng nghìn người lao động nghèo khổ phải chắt chiu cả đời mới có căn hộ “cắm dùi”, nay bỗng dưng lâm cảnh “khóc dở mếu dở” vì chót mua phải “vịt trời cao cấp”, sống trong tình trạng vô pháp…
Luật pháp nghiêm minh và hàng loạt người dân Thủ đô cùng dư luận cả nước… đã không phải “thắt lòng” chứng kiến sự “vô vương, vô pháp” nhởn nhơ, ngạo nghễ ngoài vòng lao lý khi Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển cơ quan công an điều tra đối với sai phạm của dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển cơ quan công an điều tra đối với sai phạm của dự án Đại Thanh
Cụ thể, nội dung kiến nghị xử lý hình sự, được Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội; đối với các bên tham gia dự án, đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước (Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và kinh doanh bất động sản); trong quá trình thực hiện dự án, đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, có dấu hiệu thất thoát tiền ngân sách nhà nước. Từ những vi phạm này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để điều tra.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, UBND TP. Hà Nội đã để xảy ra những vi phạm trong xây dựng, quản lý đất đai dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng đất của nhà nước từ lâu, nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất. Tính đến cuối năm 2014, số tiền chưa nộp là hơn 7.166 tỷ đồng.
Với sai phạm nghiêm trọng tại dự án này, khi cơ quan công an vào cuộc điều tra, chắc chắn rằng, các doanh nghiệp liên quan đến dự án (Mường Thanh và Hải Phát – PV), sở, ngành liên quan sẽ phải đối diện trước búa rìu của pháp luật. Cùng với đó là hàng loạt nhà thầu, tổ chức và cá nhân liên quan cũng sẽ được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ trách nhiệm…
Sai phạm… chồng sai phạm
Trước đó, sau thời gian dài thanh tra, ngày 29/6/2015 Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố Kết luận thanh tra về các dự án của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (nay là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên) trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo đó, Kết luận thanh tra đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm của DN này như: Tòa nhà VP6 phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) được phê duyệt cao 25 tầng +2 tầng kỹ thuật + 3 tầng hầm. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã tiến hành xây dựng lên tới 35 tầng +1 tầng mái + 1 tầng hầm (xây dựng vượt 10 tầng so với quy hoạch được phê duyệt).
Tại KĐT Đại Thanh, 6 khối chung cư được phê duyệt xây dựng 29 tầng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây lên đến 32 tầng (vượt phép 3 tầng). Trong đó tầng 32 là tầng Penthouse, hiện tại hàng chục căn hộ tại tầng này đã được chủ đầu tư bán cho các hộ dân về ở.
Bên cạnh đó, DN này còn tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ dịch vụ thương mại, công cộng thành căn hộ để bán, hô “biến” đất trồng cây xanh thành trụ sở làm việc…
Tại KĐT Kim Văn – Kim Lũ phường Đại Kim (Hoàng Mai), chủ đầu tư đã “biến” tầng 2 các tòa nhà CT11, CT12 từ mục đích sử dụng dịch vụ thương mại, công cộng thành căn hộ để bán; thi công thiếu cửa chống cháy, không có hệ thống thông gió tầng hầm, hút khói hành lang tại Tòa nhà CT11, thu phí dịch vụ sai quy định…
Cụ thể, về PCCC Dự án nhà CT11 chủ đầu tư đã thi công thiếu khoảng 40/120 cửa chống cháy tại vị trí phòng đệm cầu thang bộ các tầng; chưa thi công hệ thống thông gió tầng hầm, hệ thống hút khói hành lang và hệ thống tăng áp cầu thang bộ. Đây là việc làm vô trách nhiệm trong công tác PCCC, coi thường tính mạng của hàng nghìn người dân đang sinh sống tại đây?
Bởi, một nguyên tắc đơn giản đó là sống trong một tòa chung cư cao tầng, nếu xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn, thang máy bị hỏng… thì đường thoát hiểm duy nhất của cư dân là cầu thang bộ.
Trong đó, cửa chống cháy có tác dụng ngăn chặn việc cháy lan trong tòa nhà; hệ thống tăng áp cầu thang và hút khói hành lang giữ cho khói và khí độc cách xa lối thoát hiểm để cho người trong vùng cháy đó có thể thoát hiểm hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn; hệ thống thông gió tầng hầm đóng vai trò đưa nguồn không khí mới vào bên trong không gian, giúp loại bỏ nhanh chóng các chất độc hại có trong không khí, chống ngạt…
Tuy nhiên, tại Dự án Nhà CT11, thuộc KĐT Kim Văn – Kim Lũ, chủ đầu tư đã cố tình thi công thiếu cửa chống cháy, thông gió tầng hầm, hút khói hành lang và hệ thống tăng áp cầu thang bộ. Nếu chẳng may xảy ra cháy nổ thì tính mạng của những người dân sống tại các tòa nhà này có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào?
Đặc biệt, tại Dự án Tổ hợp chung cư và dịch vụ thương mại tại ô HH3 thuộc lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và Nhà ở hồ Linh Đàm (Hoàng Mai), dù được phê duyệt xây dựng 40 tầng + 3 tầng hầm. Tuy nhiên, chủ đầu tư ngang nhiên chỉ xây dựng 1 tầng hầm, khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc vì có nhà ở, nhưng không có chỗ gửi xe.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ hàng loạt sai phạm tại Dự án KĐT Xa La (Hà Đông); Dự án Công trình hỗn hợp nhà ở và Trung tâm thương mại CT5 xã Tân Triều (Thanh Trì)…
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: Thương hiệu & Công luận