13cm hay hai gang tay?
Như Pháp Luật Việt Nam đã phản ánh, năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch diện tích đất trồng cao su năm 2009 cho Cty cao su Hà Tĩnh tại tiểu khu 133, thuộc các khoảnh 8, 9, 6, 4 (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộcvới tổng diện tích quy hoạch cho việc chuyển đổi lên đến 118,5ha.
Một bảng biểu tổng hợp diện tích xây dựng dự án trồng cao su năm 2009 – 2010 được lập, thể hiện tại các khoảnh 8,9,6,4 của tiểu khu 133 thì hiện trạng là rừng trồng 327 và rừng trồng 661. Loài cây gồm thông, keo, dó. Bảng biểu này khẳng định, thời điểm trồng các loài cây này là từ năm 1995 đến 2003.
Tổi đời của loại gỗ khai thác của doanh nghiệp, trên thực tế có sự “cong vênh” so với hiện trường cũng như phản ánh của người dân. Ông Phan Lục nói rằng, có khoảng 80ha rừng thông tại tiểu khu 133 mà Cty Cao su Hà Tĩnh được phép chuyển đổi có tuổi đời trồng sớm nhất là năm 1882 và muộn nhất là năm 1965.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTN) Hà Tĩnh, tại các khoảnh 8,6,4 (tiểu khu 133), diện tích khai thác của Cty Cao su Hà Tĩnh là 35,9ha. Tổng số cây bị chặt là 21555, trong đó, số cây có đường kính khai thác lớn nhất là từ 10 – 13cm là 9292, số cây có dường kính nhỏ hơn 19cm là 12259. Loại gỗ nhỏ chiếm 360 cây. Tổng sản lượng gỗ khai thác của diện tích nói trên đạt 455,8m3.
Dẫn phóng viên ra lô 17, 18a, 19 của tiểu khu 133, người dân khẳng định thông tại các khoảnh 8,6,4 lớn hơn rất nhiều lần so với báo cáo của Sở NN&PTNT. Trên thực tế, có những thân cây bị cưa gục có đường kính 50cm, khác xa với con số được thể hiện trên danh mục mà sở này lập ra.
Còng tay, dí roi điện, đánh dân sưng húp mặt
Số báo trước, chúng tôi đã đề cập đến việc ông Phan Kiệm (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), năm 1995 đại diện cho 9 hộ dân ký hợp đồng kinh tế với Lâm trường Truông Bát (nay là Cty Cao Su Hà Tĩnh) nhận khoán hơn 90 ha rừng tại tiểu khu 133.
Sau khi chặt phá rừng, Cty Cao su Hà Tĩnh đã cho người hành hung người dân bản địa.Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi 274 ha tại huyện Can Lộc (do Cty Cao su Hà Tĩnh quản lý) giao cho các xã để thực hiện việc giao đất, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân ở địa phương.
Chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh buộc Cty Cao su Hà Tĩnh và Sở NN&PTNT tiến hành thanh lý hợp đồng đã ký với người dân, xác định giá trị tài sản trên đất thu hồi để bàn giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, cả phía Cty và lãnh đạo sở này đều phớt lờ ý kiến, không chịu triển khai.
Trong một động thái khác, Cty Cao su Hà Tĩnh đã cho người đến diện tích đất mà ông Phan Kiệm đại diện cho 9 hộ dân trước đó đã ký với lâm trường Truông Bát để khai thác gỗ. Đồng thời dựng rào chắn và “tuyên bố” là đất để doanh nghiệp trồng cây cao su.
Ngày 26/7/2010, Cty Cao su Hà Tĩnh ra thông báo, tuyên bố nếu “các hộ trồng keo, tràm trái phép trên vườn trồng năm 2009 (lô 17a, 18a, 19a) tiểu khu 133 phải tự nhổ toàn bộ”, doanh nghiệp này còn “dọa” sẽ “truy tố trước pháp luật” nếu người dân hư hỏng cây sao su. Và sự việc, không dừng lại ở đó…
Gửi đơn tố cáo đến Báo Pháp Luật Việt Nam, bà Võ Thị Lai (xóm Truông Giữa, xã Thượng Lộc) cho biết, ngày 13/8/2010, khi thấy Cty Cao su Hà Tĩnh đưa phương tiện, công nhân đến phá hoại tài sản, cây trồng của gia đình thì bà ra can ngăn và bị đấm đá thâm tím mặt.
“Ông Phan Huân đội trưởng đội 4 là người chỉ đạo đánh tôi. Tiếp đó, ông Dần (Giám đốc nông trường cao su) và Phó trưởng công an xã Thượng Lộc Nguyễn Viết Hưng còng tay rồi đưa tôi về trụ sở UBND xã”, bà Lai cho hay.
Cũng theo bà Lai, do không chịu mở còng tay theo như “đề nghị” của công an nên bà đã bị “dí roi điện” đến bất tỉnh, khi tỉnh dậy thì tay đã được mở còng.
Đơn tố cáo “cán bộ Cty Cao su Hà Tĩnh đánh người gây thương tích, bắt người trái pháp luật” của bà Lai đã được tới Thanh tra Công an Hà Tĩnh và cơ quan chức năng. Nhưng mọi việc, vẫn dừng chân tại chỗ…
Việt Hưng
PLVN