Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, sự cần cù của người dân nơi đây, những ruộng rau mơn mởn đã kịp phục vụ Tết. Các loại rau chủ yếu là rau cần, rau cúc, bắp cải, su hào, mùi tây và đậu leo… Ông Lưu Đình Khương, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 15ha trồng đậu leo, một số diện tích trồng cải, rau mùi tây và các loại rau khác. Đây là số diện tích mà hơn 3 tháng trước đã bị lũ bồi lấp, nếu để trồng lúa năng suất sẽ kém. Vì vậy, người dân đã cải tạo lại đất để trồng hoa màu. Muốn trồng được những khoảnh rau như hiện nay, bà con phải xúc lớp cát do lũ bồi đắp dày từ 20 đến 40cm đổ đi. Rất vất vả”.
Dọc theo quốc lộ 8A, qua huyện Đức Thọ vào đến các xã Sơn Bình, Sơn Tân, Sơn Mỹ… thuộc huyện Hương Sơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những cánh đồng rau bát ngát. Nhờ nằm ngoài đê, được phù sa của sông Ngàn Phố nên rau ở đây rất tốt, xanh và sạch. Những luống su hào, rau cải, rau cúc, bắp cải… tươi xanh mơn mởn để kịp phục vụ nhu cầu dịp Tết. Nhìn những hàng đậu leo dài tít tắp, nặng trĩu quả, chúng tôi không ngờ nơi đây từng bị những cơn lũ dữ chà đi, xát lại.
Ông Lê Sắc, một người dân trồng su hào ở xã Sơn Tân bộc bạch: “Đối với những vùng ven sông, mỗi đợt lũ cũng là dịp để đất thêm màu mỡ, trồng rau năng suất rất cao. Nhờ diện tích rau này, gia đình tôi cũng có thêm đồng ra đồng vào đón Tết. Rau ở đây là rau sạch, không phun hóa chất nên người dân chuộng lắm”.
Nhờ rau sạch, những người dân nơi đây sẽ có thêm thu nhập để đón một cái Tết cổ truyền tươm tất hơn sau những ngày tơi tả vì lũ lụt vừa qua.
Bài và ảnh: Nguyễn Chí Hòa
QDND