Sau khi Pháp Luật TP.HCM đưa tin về vụ “Dùng nhớt thải tưới rau muống”“Dùng hóa chất ngâm xanh rau” ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi (TP.HCM), nhiều bạn đọc bày tỏ lo ngại, không biết những chất này thẩm thấu vào rau ra sao và gây hại gì cho người sử dụng.

Hóa chất lạ “dò” chưa ra

Trinh sát của PC49 đang khai thác thông tin từ người phụ nữ dùng nhớt tưới rau muống.

Sáng 11-1, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về hướng xử lý vụ “Dùng hóa chất ngâm xanh rau muống”, ông Dương Đức Trọng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho hay: “Hiện chúng tôi chưa xác định đây là hóa chất gì nên chưa thể cung cấp thông tin cụ thể về mức độ xử lý”.

Theo ông Trọng, do hóa chất dùng để ngâm rau muống không rõ nguồn gốc xuất xứ nên việc phân tích mẫu, xác định đây là chất gì đang gặp nhiều khó khăn: “Có nhiều chất do không rõ thuộc nhóm chất gì nên nếu đưa đi phân tích thì cũng rất khó xác định được. Thường thì mình phải biết đó là nhóm chất gì thì mới có thể đặt hàng cho các đơn vị phân tích theo các chỉ tiêu liên quan. Ví vụ như muốn biết mẫu rau muống có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay không thì mình yêu cầu họ phân tích theo danh mục các chất đó” – ông Trọng chia sẻ.

Số hóa chất còn sót lại tại hiện trường và chiếc thùng dùng để pha hóa chất ngâm xanh rau muống.

Ông Trọng cho biết trên thực tế việc xác định các hóa chất dùng để ngâm cho xanh rau, hay hóa chất bảo quản, làm nhanh chín hoa quả… cũng rất khó khăn. “Năng lực của phòng thí nghiệm của chúng tôi có hạn nên có nhiều chất “dò” không ra. Ngay cả các đơn vị chuyên phân tích mẫu cũng khó xác định được các hóa chất lạ đó là chất gì, mức độ nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng ra sao. Chúng tôi thường chỉ xử lý dựa vào danh mục các chất không có trong danh mục cho phép hay chất cấm, còn các hóa chất lạ thì rất khó…” – ông Trọng bộc bạch thêm.

Tưới nhớt, mức độ gây hại chưa rõ

Về vụ người dân dùng nhớt thải để tưới rau muống, một trạm trưởng trạm bảo vệ thực vật (thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM) giải thích: “Mục đích của việc tưới nhớt nhằm diệt rầy nâu bám gốc và được sử dụng cho các ruộng rau muống đã thu hoạch xong, chỉ còn gốc rau. Họ cho nước vào ngập gốc rau muống sau đó tưới nhớt và dùng lưới hay tấm bạt kéo ngang qua cho con rầy rớt khỏi gốc rau. Khi thấy rầy rớt ra nhiều họ xả nước ra khỏi ruộng để cuốn rầy đi”.

Số hóa chất còn sót lại tại hiện trường và chiếc thùng dùng để pha hóa chất ngâm xanh rau muống.

Về việc xử phạt, ông Trọng cho biết theo quy định, hành vi tưới nhớt thải hay các chất nằm ngoài danh mục cho phép, mức xử phạt rất thấp, chỉ khoảng 200.000-500.000 đồng.

Theo ông Trọng, trong thời gian gần đây, Chi cục đã lấy 20 mẫu rau muống đang thu hoạch và sau thu hoạch tại địa bàn xã Bình Mỹ (Củ Chi) và Thạnh Xuân (quận 12) đưa đi phân tích nhưng không phát hiện có kim loại nặng.

Khi chúng tôi hỏi: “Nhớt thải có thẩm thấu vào rau và gây hại gì cho người sử dụng? “

Vị trạm trưởng nói: “Chuyện này thì nói thật tôi không thể trả lời được vì chưa có nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này. Tôi chỉ biết trong nhớt thải có nhiều kim loại nặng, có chất độc hại như chì… nên không được phép sử dụng”.

Cũng câu hỏi trên, ông Dương Đức Trọng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho rằng việc tưới nhớt thải diệt rầy có tác hại đối với nguồn nước, đất và rau trồng nhưng mức độ ảnh hưởng ra sao thì chưa rõ. “Cái này phải có những nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu mới biết được. Chúng tôi chỉ làm công tác quản lý nên chỉ có thể nhận định chung như thế” – ông Trọng bày tỏ.

TRUNG THANH/ PLO