Trong nước

Rất nhiều trường hợp bố là giám đốc sở, con làm trưởng phòng

Phó chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình cho rằng trong thực tế có rất nhiều trường hợp “Bố làm giám đốc sở, con làm trưởng phòng”.

Tại hội thảo tham vấn dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật PCTN năm 2018 hôm nay, Phó chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình Phạm Tiến Dũng bày tỏ băn khoăn về các tình huống xung đột lợi ích.

Ông cho rằng quy định như dự thảo nghị định thì không hiểu như thế nào.

Phó chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình Phạm Tiến Dũng

Cần nhận diện những tình huống về xung đột lợi ích

“Bố làm giám đốc sở, con làm trưởng phòng có xung đột không?”, ông Dũng hỏi và tự trả lời “như thế thì xung đột chứ”.

Theo Phó chánh thanh tra tỉnh Hòa Bình, thực tế có quá nhiều trường hợp như tình huống ông đặt ra.

Ông dẫn chứng có trường hợp “Bố là Giám đốc sở Tài chính, con làm Trưởng phòng Ngân sách” và khẳng định “đấy chính là xung đột lợi ích”.

Phó chánh thanh tra tỉnh Hòa Bình đề nghị cần quy định rõ và mở rộng thêm các tình huống như vậy vào trong dự thảo chứ nói chung chung thì không thể nhận diện rõ như thế nào là xung đột lợi ích để phòng ngừa tham nhũng.

“Đã phòng chống tham nhũng thì nên chăng quy định bố làm giám đốc sở thì con đi làm chỗ khác. Như vậy thì việc xung đột lợi ích mới hết được”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cũng băn khoăn khi quy định của dự thảo về xung đột lợi ích có 2 trang nhưng lại "hẫng hụt" trong quá trình thực hiện.

Theo ông Hùng phải quy định chi tiết vì xung đột lợi ích là khái niệm rất mới, luật quy định chung chung, mà nghị định cũng quy định chung chung nữa thì rất khó áp dụng.

"Trước hết, cần nói rõ xung đột lợi ích là gì vì đa số mọi người đều mơ hồ về vấn đề này. Thứ 2, để kiểm soát tốt xung đột lợi ích thì khâu đầu tiên là nhận diện ra những tình huống về xung đột lợi ích về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng nằm ở chỗ nào thì phải liệt kê ra và chỉ thực hiện thôi. Lúc đó những người thanh tra, kiểm tra mới biết thế nào là xung đột lợi ích để thực hiện", Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra phân tích.

Ngoài ra ông cũng nhấn mạnh, khi đưa ra tình huống đó phải có phương pháp nhận diện như thế nào. Nhận diện rồi kiểm soát và xử lý được và phải đưa ra trình tự thủ tục giải quyết xung đột. Còn quy định như dự thảo rất khó, "đưa tôi tôi cũng không làm được".

Có nên thanh tra định kỳ với DN để kiểm soát tham nhũng?

Đề cập đến quy định kiểm soát tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, ông Dũng cho rằng quy định như dự thảo khó khả thi.

Cụ thể là việc thực hiện thanh tra quy định tại điều 61: “Có dấu hiệu thực hiện không đúng quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng”.

Cụ thể là “không ban hành quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp theo quy định; có thực hiện nhưng không kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định”.

Theo ông Dũng, để xác định được những điều này thì không bao giờ làm được.

“Thực chất người ta có thể thực hiện biến tướng dưới nhiều hình thức. Đã đưa khu vực ngoài nhà nước là đối tượng điều chỉnh phòng chống tham nhũng thì công tác thanh tra phải theo chương trình, theo kế hoạch, theo chuyên đề hàng năm của TTCP hoặc Thanh tra các tỉnh để tổ chức thanh tra. Bởi làm sao cơ quan nhà nước biết được DN vi phạm để mà vào thanh tra.

Đồng tình, ông Vũ Minh Lượng, Chánh thanh tra tỉnh Nam Định cho rằng, khi coi đối tượng khu vực ngoài nhà nước là chủ thể phòng chống tham nhũng thì họ phải được thanh tra theo định kỳ.

Ông Vũ Minh Lượng, Chánh thanh tra tỉnh Nam Định

“Còn nếu đợi khi có dấu hiệu mới thanh tra thì đến lúc đó có thể chúng ta sẽ buông lỏng quản lý với khối này”, ông Lượng nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ khẳng định phải quy định như dự thảo để cho chặt chẽ, không thể nói thanh tra khu vực ngoài nhà nước là phải theo kế hoạch như các cơ quan nhà nước để vào thanh tra mà phải có dấu hiệu rõ ràng thì các cơ quan mới vào thanh tra được.

Điều 32 của dự thảo nghị định quy định về tình huống xung đột lợi ích:

1. Người có chức vụ, quyền hạn hoặc vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của người đó có cổ phần, góp vốn, tham gia hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực do người đó trực tiếp quản lý.

2. Người có chức vụ, quyền hạn có vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đó.

3. Người có chức vụ, quyền hạn có khả năng tác động không đúng đắn, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác minh, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP