Một không khí đầy phấn chấn đã xuất hiện trên thị trường chứng khoán trong phiên sáng nay - phiên mở đầu tháng 11, khi VN-Index bứt tốc mạnh mẽ, tăng tới 11,26 điểm tương ứng 1,13% lên 1010,08 điểm.
Diễn biến này đã được giới đầu tư chờ đợi từ lâu, khi mà chỉ số chính đã phải chờ một thời gian dài dò dẫm, luẩn quẩn quanh mốc 1.000 điểm.
Thanh khoản sàn HSX cũng lên cao với khối lượng giao dịch đạt trên 110 triệu cổ phiếu tương ứng 2.424,62 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu của các công ty họ "Vin" tăng mạnh đã kéo VN-Index bứt tốc ấn tượng phiên sáng nay 1/11 |
Trong khi đó, diễn biến tại sàn Hà Nội lại trầm lắng hơn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình với hơn 12 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch đạt 143,57 tỷ đồng. Chỉ số HNX-Index nhích nhẹ 0,1 điểm tương ứng 0,1% lên 105,29 điểm.
Trên UPCoM, chỉ số thậm chí giảm 0,11 điểm, tương ứng 0,2% còn 56,11 điểm, thanh khoản thấp với 4,53 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 55,48 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy vẫn có tới 951 mã cổ phiếu không hề diễn ra giao dịch trong sáng nay. Số lượng mã giảm giá áp đảo số lượng mã tăng bất chấp chỉ số chính tăng mạnh. Có 305 mã giảm, 43 mã giảm sàn so với 228 mã tăng và 37 mã tăng trần.
Rõ ràng, VN-Index đang được nhóm cổ phiếu họ Vingroup “kéo” mạnh. Chỉ riêng VHM đã đóng góp tới 5,9 điểm cho VN-Index, trong khi VIC đóng góp 1,97 điểm và VRE đóng góp 1,03 điểm. VNM, VCB, HVN, MSN, BVH, HPG, BID cũng đang ủng hộ thị trường với diễn biến tăng giá.
Sáng nay, VHM tăng 6.000 đồng, áp sát mức trần, lên 95.000 đồng/cổ phiếu; VIC tăng 1.900 đồng lên 120.900 đồng/cổ phiếu và VRE cũng tăng 1.500 đồng lên 34.700 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang có phản ứng tích cực với thông tin mua lại cổ phiếu quỹ của Vinhomes và Vincom Retail.
Cụ thể, thông tin công bố của Vinhomes cho thấy, Hội đồng quản trị doanh nghiệp này vừa thông qua kế hoạch mua lại tối đa 60 triệu cổ phiếu quỹ tương đương 1,79% vốn cổ phần. Đồng thời, Hội đồng quản trị Vincom Retail cũng dự định mua tối đa 56,5 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 2,426% vốn cổ phần.
Mục đích giao dịch được cho biết nhằm “bảo vệ quyền lợi của công ty và cổ đông do nhận định thị giá đang ở mức thấp hơn giá trị thực”.
Thời gian thực hiện được cho biết là sau khi Ủy ban Chứng khoán chấp thuận hồ sơ đăng ký mua lại cổ phiếu quỹ và không quá 30 ngày từ khi bắt đầu giao dịch, phương thức thực hiện khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Trở lại với thị trường chứng khoán, ở chiều ngược lại, HDB, VPB, ROS, NVL giảm giá và có ảnh hưởng tiêu cực, song tác động từ những mã này không đáng kể.
FLC diễn biến xấu và đi ngược lại hoàn toàn với không khí chung trên thị trường. Mã này tiếp tục giảm sàn xuống 4.420 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý là khối lượng khớp lệnh giảm xuống đáng kể so với các phiên trước, đạt hơn 5 triệu đơn vị. Tại thời điểm tạm dừng phiên sáng, mã này còn dư bán sàn tới 15,12 triệu đơn vị, không hề có dư mua.
Đưa ra nhận định về thị trường chứng khoán, Công ty chứng khoán VCBS cho rằng, vùng 1.000 điểm tiếp tục là ngưỡng cản tương đối khó vượt qua với chỉ số, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng chỉ số có thể bứt phá vượt ngưỡng này sau một số phiên điều chỉnh mang tính kỹ thuật.
Mặc dù vậy, trong một vài phiên sắp tới, VCBS cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng quan sát và chưa nên vội vàng giao dịch hay bắt đáy mà nên chờ đợi xu hướng thị trường trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là những tín hiệu mới của dòng tiền trên thị trường.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí