Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: “Quên” cấp thẻ BHYT cho dân – Phó Giám đốc BHXH thừa nhận chậm

Cầm chiếc thẻ bảo hiểm Y tế được nhà nước cấp trên tay, người dân nghèo khu vực 135 chưa được trọn vẹn niềm vui thì thời hạn ghi trên thẻ đã gần hết. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

    >> Hà Tĩnh: Thuê ô tô chở cả làng đi khám bệnh… ‘chạy’ bảo hiểm

Tấm “bùa hộ mệnh” đến chậm

Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ tháng 01/2015, trong đó quy định người dân sinh sống tại các xã thuộc diện 135, xã bãi ngang ven biển là đối tượng được nhà nước cấp thẻ BHYT, nhưng tháng 9/2015, BHXH tỉnh Hà Tĩnh triển khai cấp thẻ BHYT cho đối tượng này. Vì sao lại có sự chậm trễ như vậy? Trách nhiệm thuộc về ai?

Nơi sớm thì cuối tháng 10/2015, chỗ muộn thì đầu tháng 11/2015, người dân sinh sống tại các xã 135 và các xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh “bất ngờ” khi được cấp thể BHYT. Cầm chiếc thẻ trên tay, niềm vui chưa được trọn vẹn thì thời hạn ghi trên thẻ đã gần hết (thời hạn thẻ BHYT được cấp từ 01/9 – 31/12/2015 – PV).

Để tranh thủ tấm “bùa hộ mệnh” này, nhiều nơi người dân đã kéo cả làng, cả họ đi khám bệnh để được hưởng phần còn lại mà nhà nước ưu đãi cho mình.

hatinh24h

Những tấm “bùa hộ mệnh” đến chậm.

“Chúng tôi không biết đầu đuôi thế nào, nhưng còn ít ngày nữa là thẻ hết hạn. Chú thông cảm tôi phải đi khám cái đã, có chi hỏi bữa khác chú quay lại sau”, một người dân tại xã Phúc Trạch (Hương Khê) trao đổi vội trước khi lên đường đi bệnh viện khám bệnh.

Theo đó, tại Khoản 1, Điều 4, Luật Bảo hiếm Y tế 2008 quy định: “Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng và một số nhóm đối tượng xã hội”.

Thông tư số 41/2014/TTLT – BHYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên bộ Y tế – Bộ Tài chính quy định về nhóm đối tượng được nhà nước đóng tiền BHYT (cấp thẻ BHYT miễn phí – PV) thì người dân sinh sống tại các xã 135 và các xã bãi ngang ven biển là đối tượng được nhà nước đóng tiền BHYT, nói cách khác là họ được nhà nước cấp thể BHYT miễn phí.

Cũng theo quy định trên thì thời điểm cấp là từ đầu năm 2015.

Sự chậm trễ này đồng nghĩa với việc hàng nghìn người dân sẽ bị mất quyền lợi trong quá trình khám, chữa bệnh do không được cấp BHYT như quy định của luật.

“Thiệt thòi thì có thiệt thòi thật”

Để rộng đường dư luận, PV Báo Người đưa tin đã liên hệ làm việc với các cơ quan liên quan đến việc cấp thẻ BHYT của tỉnh Hà Tĩnh trong đợt này.Với lý do lãnh đạo cuối năm bận không thu xếp làm việc được, ông Đinh Viết Quyền, Chánh Văn phòng Sở LĐ – TB &XH tỉnh Hà Tĩnh đưa chúng tôi gặp bà Lê Thị Thúy Nhàn, Phó phòng Bảo trợ xã hội.

“Liên quan đến việc thực hiện hướng dẫn liên ngành 115/HDLN do BHXH tỉnh chủ trì, chúng tôi chỉ có trách nhiệm phối hợp. Sở LĐ – TB&XH chỉ tham gia rà soát các đối tượng bảo trợ xã hội như: Người có công, hộ nghèo, cận nghèo … để tránh việc cấp trùng. Thiệt thòi thì có thiệt thòi thật, cấp thời gian bao nhiêu do BHXH với Y tế phối hợp với nhau thôi”, bà Nhàn phân trần.

Ông Nguyễn Tuấn Bình, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh xác nhận: “Đến tháng 9/2015, đơn vị mới cấp thẻ cho các đối tượng trên là chậm rồi, tất nhiên là nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Như vậy, chậm là từ tháng 9 rồi”.

Hướng dẫn liên nghành số 115/HDLN về việc hướng dẫn triển khai chính sách BHYT cho người đang sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Nguyên nhân của việc “chậm” trên được ông Bình lý giải là do sự phối hợp của các ngành chưa thống nhất (?!).

Được biết, BHXH tỉnh Hà Tĩnh là cơ quan quản lý chuyên môn, tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc quản lý nhà nước về bảo hiểm trên địa bàn. Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đúng ra BHXH tỉnh cần nghiên cứu các quy định của Luật Bảo hiểm, tham vấn các quy định pháp luật khác liên quan để chủ động tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tỉnh sớm chỉ đạo việc cấp thẻ BHYT cho người dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau năm 2015 chưa ai dám khẳng định các đối tượng trên sẽ được nhà nước tiếp tục cấp miễn phí BHYT, vì các quyết định của Thủ tưởng Chính phủ về duyệt các xã này năm trong diện 135 cũng hết hiệu lực. Điều này, đồng nghĩa là một chủ trương lớn của nhà nước đã được cụ thể hóa trong Luật BHYT không được thực hiện kịp thời.

Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của người dân.

Mời độc giả đón đọc kỳ 3: Chuyện bi hài, người dân nghèo có 2 thẻ bảo hiểm y tế.

Theo Người đưa tin

 [youtube id=”eJ5Xps65Xig”]

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP