Di tích - Thắng cảnh

Phường Trung Lương: Tổ chức Hội thảo khôi phục đền Cả

Ngày 19 tháng 7 năm 2014, tại phường Trung Lương đã tổ chức hội thảo khôi phục xây dựng đền Cả. Dự hội thảo có đại diện phòng Di sản, Sở VHTT&TT Tỉnh, Bảo tàng Hà Tĩnh, phòng VH&TT Thị xã, đại diện UBMTTQ Thị xã, cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phường, Ban CTMT TDP Hầu Đền, nơi có di tích Đền Cả và đông đảo các cụ cao tuổi hiểu biết về di tích đền Cả .

Phường Trung Lương: Tổ chức Hội thảo khôi phục đền Cả
        Đền Cả trước đây toạ lạc trên khu vực ngã ba sông, đoạn cuối của sông La trước khi đổ vào sông Lam có một nhánh rẽ vào sông Minh. Đền Cả là nơi thờ Thánh Hoàng Mười, một nhân vật được nhân dân hình tượng hoá, gắn với anh hùng Lý Nhật Quang (đời Lý), hoặc Lê Khôi (đời Lê sơ) nhằm tôn vinh ca ngợi về thành tích đánh giặc, giữ nước và giúp dân an cư lạc nghiệp. Cũng từ mô típ huyền thoại tổ tiên người Việt vốn là con Tiên, cháu Rồng nên cùng với việc thờ Thánh Hoàng Mười, đền còn có khu vực thờ Viêm Đế Thần Nông. Đền  được xây dựng từ đời Lý, sau nhiều lần trùng tu tôn tạo, đến đầu thế kỷ 20, đền đã có một quy mô hoành tráng, gồm hạ điện, trung điện, thượng điện. Công trình nhà đền làm bằng gỗ quý, chạm trổ long, ly, quy, phượng cực kỳ tinh xảo. Trước đền có cổng tam quan, hai bên lối vào có các cặp voi, ngựa, lính canh bằng đá xanh nguyên khối. Đền Cả được coi là đền thờ võ tướng, do đó nội thất của đền được trang bị các đồ tế khí như gươm giáo, trống trận cực lớn và cả voi chiến khổng lồ. Điều này đã trùng hợp với nhận định của ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc bảo tàng Tỉnh: vị Hoàng Mười được nhân dân tôn thờ nơi đây gắn với danh tướng Lý Nhật Quang là hoàng tử thứ mười của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn).
Cách đền Cả không xa là đền Thánh Văn để thờ các bậc văn thần, hợp thành một quần thể kiến trúc cân đối hài hoà. Tương truyền hàng năm vào dịp đầu năm mới nhân dân tổ chức tế Thánh và mở hội làng, tục đua thuyền truyền thống cũng xuất phát từ đây. Đền Cả được truyền tụng là nơi linh thiêng không chỉ lúc còn nguyên vẹn mà kể cả khi chỉ còn là phế tích. Giai đoạn năm 1953- 1954 với chủ trương “hợp tự” và phong trào “đả đảo thần quyền” đền dần đi vào phế tích. Năm 1997 cấp uỷ, chính quyền phường đã đưa một số hiện vật như hai voi đá, hai ngựa đá về đặt tại nhà bia ghi tên liệt sỹ của phường, đến năm 2012 theo nguyện vọng của nhân dân, các hiện vật trên tiếp tục được chuyển về đền Thánh thợ- khu DTLSVH Tiên Sơn. Mặc dù qua chiến tranh bị bom đạn Mỹ đánh phá và việc đào đắp đê La Giang làm công trình hư hại nhưng nhiều hạng mục công trình vẫn còn hiện hữu như nền, tường móng xây đá ong của cổng tam quan, tường móng hệ thống nhà hạ, trung và thượng điện.
Từ các dữ liệu trên, hội thảo đã thống nhất: việc tồn tại của đền Cả trước đây có ý nghĩa lịch sử văn hoá rất to lớn, nguyện vọng của đảng bộ và nhân dân khôi phục lại đền là chính đáng. Theo đó, cùng với việc tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành tích cực hoàn thành các hồ sơ tiến tới phê duyệt dự án, cấp uỷ, chính quyền phường cần phát huy dân chủ cơ sở, đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các nguồn lực để thi công, sớm khôi phục lại một công trình có ý nghĩa lịch sử văn hoá có giá trị nhiều mặt./.

Nguyễn Trường Thiện

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP