Được “khai sinh” từ vùng đất Phúc Trạch, giờ đây, giống bưởi quý này đã được phát triển ra nhiều địa phương lân cận; trong đó, các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên… được xem là vùng “rốn bưởi”.
Sự bồi đắp của dòng Ngàn Sâu màu mỡ và chất đất phù sa cổ, gốc phốt phát đặc trưng cùng đặc điểm riêng của vùng tiểu khí hậu với sự chênh lệch biên độ nhiệt ngày đêm rõ nét… tất cả cộng hưởng, hòa quyện, tạo nên hương vị riêng cho bưởi Phúc Trạch.
Phải chăng, ông trời đã “thiên vị” ban tặng cho Hương Khê thứ “tài sản” riêng? Bởi điều lạ là loại quả ngon nức tiếng này dù đã được nhân giống nhiều nơi với sự dày công chăm sóc, song, chất lượng không thể ngon như trên vùng “đất tổ”. Bởi thế, người dân nơi đây luôn tự hào về nó. Với họ, bưởi là sản vật, nhưng sâu xa hơn còn là kết tinh nét đẹp văn hóa của đất và người miền Trung, đằm thắm, dịu ngọt…
Vườn bưởi của gia đình ông Lê Hồng Mai. |
Bưởi Phúc Trạch có hành trình thương hiệu nổi tiếng, để rồi bất cứ ai khi nghĩ về nó cũng khát khao thưởng thức và cảm nhận. Thời Pháp thuộc, bưởi Phúc Trạch được thưởng Mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương. Năm 2002, bưởi Phúc Trạch lọt vào danh sách 7 loại quả quý hiếm quốc gia, cấm xuất khẩu giống; được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa năm 2004. Năm 2010, bưởi Phúc Trạch được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lí “Phúc Trạch”…
Ông Lê Hồng Mai (xóm 8) – người gắn bó lâu đời nơi miền “đất tổ”, vừa nâng niu quả bưởi trên tay, vừa “bật mí” về đặc trưng của dòng bưởi Phúc Trạch chính hiệu: “Quả có hình khối cầu dẹt, bề ngang và chiều cao gần như bằng nhau. Da bưởi không trơn cũng không ráp, khi chín ngả màu vàng hương. Cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm. Tép bưởi không dính vào mu, có màu trắng trong hoặc hồng nhạt, khô nhưng lại mọng nước”.
Loài quả này có “sức mạnh” lôi cuốn, “mê hoặc” nhiều người cũng bởi hương vị đặc trưng riêng. Kinh nghiệm cho thấy, cây bưởi càng già, sẽ cho quả càng ngon và ngọt đậm. Bưởi Phúc Trạch ăn giòn, có vị ngọt, thanh chua, mà lại rất đậm đà. Khi ăn, sẽ cho cảm giác ngọt hậu tới cổ, phảng phất mùi thơm nhẹ tự nhiên, khiến bao người mê mẩn. Hương vị ấy, ai đã từng thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi…
Mùa này, hộ ông Nguyễn Văn Cường thu gần 6.000 quả bưởi |
Xuôi về Lộc Yên, chúng tôi tìm tới nhà bác Nguyễn Văn Cường – một “đại gia” trồng bưởi. Đứng dưới cây bưởi “tổ” đã 26 năm tuổi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sức sinh sản mãnh liệt của nó. Cành lá sum suê ôm trọn những chùm bưởi chín mọng. “Tính riêng gốc này đã 240 quả. Nhà tôi trồng gần 400 gốc, nhưng chỉ mới hơn 100 gốc cho thu hoạch. Mùa này, chúng tôi thu gần 6.000 quả với khoảng 4.000 quả đẹp. Tất cả đã được thương lái đặt mua tại vườn” – bác Cường vui mừng chia sẻ.
Hương Trạch có diện tích trồng bưởi lớn nhất Hương Khê, với hơn 200 ha. “Đối với Hương Trạch, đây là cây xóa đói giảm nghèo, góp phần “thay da đổi thịt” đời sống người dân. Năm nay, người trồng bưởi Hương Khê nói chung, Hương Trạch nói riêng đón nhận niềm vui “kép” khi bưởi vừa được mùa lại được giá. Giá bán lẻ dao động từ 70-100 ngàn đồng/quả, thương lái mua tại vườn khoảng 50 ngàn đồng/quả. Thu nhập từ bưởi, hộ ít thì dăm bảy chục, nhiều thì hàng trăm triệu đồng, ông Cao Quốc Hội – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
Được mùa bưởi |
Bưởi Phúc Trạch đã “bén duyên” và “níu chân” bao du khách xa gần. “Dù đã thưởng thức nhiều loại bưởi, nhưng đối với tôi, bưởi Phúc Trạch luôn có sức hấp dẫn riêng. Bởi thế, cứ dịp này hàng năm, tôi lại tìm về với vùng đất bưởi, tự tay chọn hái những quả ưng ý nhất, để cả gia đình thưởng thức và làm quà” – chị Trần Thị Hồng Cẩm (TP Vinh – Nghệ An) chia sẻ.
Mùa bưởi chín, du khách đến với Hương Khê và người Hương Khê đi đến vùng khác, ít ai quên mang theo phần bưởi làm quà. Đặc biệt, những gia đình có con đi xa, cũng không quên hái một ít bưởi cất dành. Người đất bưởi không chỉ tạo nên loại quả quý, mà còn sáng tạo cách để dành bưởi riêng, sao cho thật ngon, thật ngọt.
Thời điểm sau rằm Trung thu, khi bưởi vào độ chín, chọn lúc nắng đẹp nhất, bà con ra vườn hái những quả ngon và đẹp nhất. Lúc này, bưởi được cắt tận cuống và điều quan trọng là phải cẩn thận, nhẹ nhàng giữ quả sao cho vỏ không bị xây xước. Sau đó, dùng vôi bôi đầy cuống, rồi bảo quản nơi thoáng mát hoặc trải một lớp cát dưới nền nhà và nhè nhẹ sắp bưởi lên. Theo thời gian, vỏ bưởi sẽ khô lại, ruột bưởi mềm, đậm đà, ăn vào khoan khoái vô cùng. Với cách bảo quản truyền thống này, có thể giữ bưởi tới tết, thậm chí là tháng 3 năm sau. “Bí quyết” này của những người trồng bưởi vừa không độc hại lại giữ nguyên hương vị thơm ngon, tinh khiết…
Ông Nguyễn Xuân Ninh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Hương Khê hiện có hơn 1.200 ha bưởi Phúc Trạch, trong đó 1.050 ha đã cho thu hoạch. Sản lượng năm nay ước đạt hơn 5.000 tấn, doanh thu trên 100 tỉ đồng. Là loại cây kinh tế chủ lực, huyện đã có chính sách hỗ trợ nông dân nhằm nhân rộng, phát triển. Chúng tôi đang phối hợp với Sở KH&CN, ban hành quy chế quản lí và sử dụng chỉ dẫn địa lí “Phúc Trạch”; quy định về kiểm soát chất lượng sản phẩm; sử dụng hệ thống tem nhãn… tạo thương hiệu lâu bền cho loại đặc sản này…”.
THU PHƯƠNG