Giáo dục

Phụ huynh một trường học tại Hà Nội bức xúc với khoản thu xã hội hóa trái quy định

Phản ánh tới báo Người Đưa Tin, nhiều phụ huynh có con học tại trường tiểu học Võng Xuyên A (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bức xúc khi nhà trường có những khoản thu trái quy định.

Ngày 4/1, trường tiểu học Võng Xuyên A tổ chức họp phụ huynh các khối lớp học. Cuộc họp này nhà trường đã thông báo tới các phụ huynh về việc huy động xã hội hoá làm đường điện 3 pha, quét vôi ve các phòng học, mua thêm bàn, ghế… Trong đó, trước mắt, nhà trường thu 200 nghìn đồng/học sinh để kéo đường điện 3 pha và làm một số hoạt động xã hội hoá.

Tại đây, nhiều phụ huynh đã phản ứng và không chấp thuận việc thu xã hội hoá trái quy định. Điển hình như nhiều phụ huynh học sinh lớp 4A3 không đồng tình việc nhà trường tổ chức xã hội hoá, thu 200 nghìn đồng/học sinh bởi mức thu như vậy là quá cao. Mặc dù vậy, việc thu tiền 200 nghìn/học sinh vẫn được thực hiện.

Biên bản cuộc họp thể hiện chủ trương xã hội hóa "cào bằng" 200.000/ học sinh. Ảnh CL.

Ông Kiều Trọng Sỹ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ trả lời phóng viên báo Người Đưa Tin rằng, ngay từ đầu năm học, Phòng đã quán triệt các trường chỉ được thu những khoản thu theo quy định của bộ GD&ĐT và phải được UBND huyện phê duyệt.

Tuy vậy, việc trường tiểu học Võng Xuyên A triển khai xã hội hoá, thu 200 nghìn đồng/học sinh để lắp đường dây điện mới… là trái với Thông tư số 55 ngày 22/11/2011 của bộ Giáo dục và Đào.

Thông tư này nghiêm cấm các trường lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha, mẹ học sinh để thu các khoản như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chửa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Không chỉ vậy, trong văn bản hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu, chi năm học 2019-2020 ngày 29/7/2019 của sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng nghiêm cấm các trường lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha, mẹ học sinh thu các khoản nói trên.

Làm việc với chúng tôi về khoản thu xã hội hóa này, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võng Xuyên A Bùi Thị Ngọc Tú cho biết, việc triển khai thu tiền xã hội hoá do phụ huynh chứ không phải nhà trường. Tuy nhiên, điều này trái lại với các biên bản cuộc họp phụ huynh do các giáo viên chủ nhiệm làm chủ toạ, ở đó có triển khai việc xã hội hoá, thu 200 nghìn/học sinh.

Trả lời về điều này, bà Tú thừa nhận trường có chủ trương nhưng chưa thu của phụ huynh. Tuy nhiên, khi chúng tôi dẫn chứng có lớp đã triển khai thu 100% số học sinh, có lớp thu được khoảng 15 em thì bà Tú cho rằng đó là do phụ huynh, nếu không triển khai thì trả lại.

Trường tiểu học Võng Xuyên A. Ảnh CL

Cũng theo Hiệu trưởng Bùi Thị Ngọc Tú, “đương nhiên là người ta (cơ quan quản lý Bộ, Sở, Phòng giáo dục và đào tạo - PV) không muốn các trường thu như vậy, nhưng nhà trường xuất phát nhu cầu thực tế nên có chủ trương thu”. “Nhà trường cũng nắm rõ các quy định, cái nào cho phép, cái nào cấm thực hiện. Nhưng chủ trương thu tiền của học sinh để sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất bởi vì sang năm nhà trường chuẩn bị cho việc đón nhận trường chuẩn quốc gia”, bà Tú phân trần.

Đáng chú ý, cùng với việc đưa ra khoản thu không đúng quy định, từ năm học 2019-2020, trường tiểu học Võng Xuyên A tổ chức liên kết trung tâm ngoại ngữ để đưa giáo viên người nước vào giảng dạy môn tiếng Anh. Việc học tiếng Anh liên kết với các trung tâm ngoại ngữ được nhà trường thông báo là để học sinh, phụ huynh tự nguyện đăng ký chứ không ép buộc.

Tuy nhiên, cách thức sắp xếp thời khoá biểu chẳng khác nào ép buộc học sinh theo học. Bởi thay vì sắp xếp học tiếng Anh liên kết cho học sinh tự chọn vào cuối buổi như nhiều trường học khác để học sinh không đăng ký theo học có thể được bố, mẹ đón về sớm thì Trường tiểu học Võng Xuyên A lại xếp xen kẽ vào giữa các môn học chính khoá. Như vậy, nếu các em học sinh không đăng ký “tự nguyện” học tiếng Anh liên kết sẽ phải ra khỏi lớp chờ đợi hết giờ học sau đó lại vào học tiếp các môn sau.

Điều đáng nói, quá trình dạy tiếng Anh, giáo viên người nước ngoài có nhiều hành vi thái quá như ôm, thơm má học sinh nữ khiến các em lo sợ, phụ huynh bức xúc. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Bùi Thị Ngọc Tú nhìn nhận: “Có thể thầy giáo người nước ngoài, gần gũi, tình cảm với các con thông qua các bài học như: vuốt má, ôm, bế cho nên nhiều khi phụ huynh học sinh nghĩ thế nọ, thế kia. Trong khi đó, các em học sinh nông thôn thấy người “tây” ôm, động vào người rất sợ nên nói với bố, mẹ theo một hướng khác khiến cho hiểu lầm”. Cũng theo bà Tú, nam giáo viên người nước ngoài bị học sinh, phụ huynh phản ứng hiện nay không còn dạy ở trường nữa.

Bộ cũng như sở GD&ĐT Hà Nội có hàng loạt các văn bản quy định rõ ràng các khoản thu, các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Tuy nhiên, việc đưa ra những khoản thu trái quy định cùng với việc liên kết dạy tiếng Anh gây nhiều bức xúc, có dấu hiệu vi phạm chuẩn mực đạo đức trong dạy học ở Trường tiểu học Võng Xuyên A cần sớm được chấn chỉnh, xử lý nghiêm túc. Sở GD & ĐT Hà Nội cũng như Phòng GD & ĐT huyện Phúc Thọ cần kiểm tra, xử lý nghiêm túc, tránh tịnh trạng lạm thu, làm trái quy định gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội.

Tác giả: Công Luân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP