Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lắng nghe câu hỏi của phóng viên New York Times Mark Landler tại buổi họp báo chung tổ chức ở Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh vào tháng 11/2014. Ảnh: New York Times. |
Hồi tuần trước, kết thúc chuyến công du tới Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có buổi họp báo chung với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh vào ngày 9/11. Khi hai lãnh đạo rời khỏi phòng họp mà không trả lời câu hỏi của các phóng viên, một bầu không khí tiếc nuối bao trùm cả Đại lễ đường Nhân dân rộng lớn, theo New York Times.
Mark Landler, phóng viên báo New York Times, kể lần gần đây nhất Chủ tịch Trung Quốc đồng ý trả lời câu hỏi của báo chí phương Tây là tại cuộc họp báo chung với cựu tổng thống Barack Obama vào tháng 11/2014. Lần đó, ông Tập Cận Bình đã trả lời một câu hỏi của phóng viên trong nước và một câu hỏi của phóng viên Mỹ. Và chính nhà báo Landler là người giành được cơ hội hiếm hoi đó.
Mục đích đầu tiên của ông Obama trong chuyến thăm Bắc Kinh cách đây ba năm là tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Sau đó, cựu tổng thống Mỹ thăm chính thức Trung Quốc và tiến hành các cuộc thảo luận quan trọng với các nhà lãnh đạo nước này.
Để chuẩn bị cho buổi họp báo chung, các trợ lý của ông Obama đã kiên trì thuyết phục phía Trung Quốc trong nhiều tuần liền về việc Chủ tịch Tập sẽ trả lời câu hỏi của phóng viên. Trước đó vào năm 2009, ông Obama hứng chịu chỉ trích dữ dội của dư luận trong nước vì trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu, ông đã không thể làm gì khi chủ tịch lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào không cho phép phóng viên đặt câu hỏi. Công chúng Mỹ so sánh ông Obama với hai người tiền nhiệm Bill Clinton và George W. Bush vì cho rằng lãnh đạo Trung Quốc luôn đồng ý trả lời báo chí khi tổ chức họp báo chung với hai cựu tống thống trên.
Phóng viên Mark Landler nhớ lại vào ngày 12/11/2014, khi anh sắp lên xe bus chạy từ khách sạn tới Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa, phó thư ký báo chí của tổng thống lúc bấy giờ là Eric H. Schultz đã kéo Landler sang một bên và nói nhỏ rằng hãy chuẩn bị tinh thần được gọi để đặt câu hỏi trong buổi họp báo.
Nhà Trắng đã quyết định dành cơ hội này cho phóng viên của New York Times trong bối cảnh lúc đó Bắc Kinh từ chối gia hạn thị thực cho một loạt các phóng viên của tờ báo này sau chuỗi bài phanh phui quan hệ làm ăn của gia đình một số lãnh đạo Trung Quốc.
"Trong bất cứ trường hợp nào, đặt câu hỏi với lãnh đạo của một quốc gia cũng khiến người ta cảm thấy run. Nhưng khi nghe thư ký báo chí Josh Earnest gọi tên mình, trong Đại lễ đường Nhân dân, cảm giác như thể bước vào vị trí trung tâm của sân vận động Yankee có sức chứa hàng chục nghìn người", Landler viết.
"Tôi đứng dậy, trong ánh sáng đèn flash chớp liên tục, đặt hai câu hỏi cho ông Tập: Ông có nhìn nhận chính sách xoay trục về châu Á của ông Obama là một mối đe dọa với Trung Quốc? Và liệu Trung Quốc có nới lỏng việc cấp thị thực cho các phóng viên (nước ngoài) thường trú nhất là sau thỏa thuận visa mới giữa hai nước vừa được ký kết?", phóng viên New York Times nhớ lại.
Landler cũng hỏi ông Obama về thái độ chống Mỹ ngày càng tăng ở Trung Quốc. Và cựu tổng thống Mỹ đã né tránh trả lời câu hỏi bằng cách khéo léo bông đùa: "Thôi nào, Mark. Anh vừa hỏi gì thế nhỉ, tôi quên mất rồi?"
Về phần ông Tập Cận Bình, thoạt tiên, có vẻ như Chủ tịch Trung Quốc muốn phớt lờ tay phóng viên phương Tây "thô lỗ", Landler kể lại. Ông Tập yêu cầu người dẫn chương trình tiếp tục và nghe câu hỏi của một phóng viên báo giấy Trung Quốc. Trong khi ông Tập trả lời báo trong nước, cựu tổng thống Obama "đã liếc nhìn tôi và nhún vai ngụ ý 'Làm tốt lắm, anh bạn'".
Sau khi trả lời phóng viên Trung Quốc xong, ông Tập quay trở lại câu hỏi của Landler và phát biểu ngắn gọn với đại ý rằng chính sách xoay trục của Mỹ không mang tính ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc và vấn đề thị thực là do tự phóng viên New York Times gây ra.
"Ông Tập nói Trung Quốc bảo vệ quyền tự do ngôn luận nhưng 'các hãng truyền thông cần tuân theo luật và quy định của Trung Quốc'", Landler thuật lại ông Tập đã so sánh rằng "Khi một chiếc xe ôtô hỏng giữa đường, có lẽ chúng ta nên xuống xe để xem vấn đề nằm ở đâu. Khi có một vấn đề cụ thể nổi lên, hẳn là phải có lý do của nó".
"Người Trung Quốc chúng tôi có câu 'Bên gây ra vấn đề nên là bên giúp giải quyết vấn đề'", ông Tập kết luận.
Trong chuyến công du tuần trước của Tổng thống Donald Trump, một tình huống tương tự đã không xảy ra. Thư ký báo chí của ông Trump, Sarah Huckabee Sanders, khẳng định: "Phía Trung Quốc nhất định muốn phóng viên không đặt bất cứ câu hỏi nào".
Các trợ lý của cựu tổng thống Obama và Bush cho rằng Nhà Trắng đã không cố gắng hết sức.
"Họ luôn khăng khăng như vậy, cô Sarah ạ", Susan E. Rice, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Obama viết trên mạng xã hội Twitter. "Mẹo ở đây là dùng biện pháp ngoại giao để có được sự nhượng bộ như là một nguyên tắc, bất chấp sự kháng cự của họ".
Tác giả: An Hồng
Nguồn tin: Báo VnExpress