Tại buổi giao ban, CBQL và GV của 4 trường Tiểu học (Cẩm Quang, Cẩm Bình, TT Cẩm Xuyên và Cẩm Nam) đã dự 3 tiết dạy của các cô giáo trường Tiểu học Cẩm Quang. Sau khi dự giờ, CBQL và GV đã thảo luận các vấn đề hoạt động dạy của giáo viên, học sinh và các logo trong tài liệu.
Tại cuộc giao ban, Cô Nguyễn Thị Thủy Nguyệt – Chuyên viên Phòng GD&ĐT Cẩm Xuyên đã giải đáp thắc mắc 18 ý kiến xoay quanh các vướng mắc, khó khăn chưa thống nhất trong quá trình thực hiện một cách đầy đủ, cụ thể, đồng thời đánh giá những kết quả bước đầu đã đạt được khi thực hiện dạy học theo mô hình trường học mới VNEN: Các trường đã làm tốt công tác tham mưu với chính quyền, Ban cha mẹ học sinh đầu tư ,xây dựng trong lớp học như xây dựng các góc cộng động, góc học tập, góc thư viện, đường em đến trường, hộp thư vui, điều em muốn nói, …
Các trường đã quan tâm bố trí đội ngũ giáo viên đứng lớp khá hợp lý, đến nay cơ bản giáo viên đã tổ chức cho học sinh học tập theo đúng 10 bước, xây dựng nề nếp lớp học khá hiệu quả. Hoạt đồng của Hội đồng tự quản học sinh đã đi vào nề nếp, học sinh cơ bản hứng thú với chương trình học tập theo Mô hình VNEN…
Tại cuộc giao ban cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện: Vì mới thực hiện chương trình theo Mô hình VNEN nên chưa hiểu rõ ý nghĩa, tác dụng của việc xây dựng các góc cộng động, góc học tập, góc thư viện, đường em đến trường, hộp thư vui, điều em muốn nói, …nên việc phối hợp với cha mẹ học sinh và chính học sinh chưa rõ nét (Nhà trường còn hiểu theo nghĩa dùng để trang trí, chưa thấy được dụng ý của các góc phục vụ cho học tập).
Giáo viên chưa thực sự tự tin, còn lúng túng trong phương pháp hướng dẫn, tổ chức cho học sinh tự học, còn lẫn lộn với các phương pháp dạy chương trình hiện hành, phương pháp dạy truyền thống.
Một số giáo viên nhiều tuổi tiếp cận chương trình quá chậm, hướng dẫn cho học sinh thực hiện các thao thác học tập, hoạt động của Hội đồng tự quản còn áp đặt. Một số giáo viên chưa có sáng tạo trong việc tư vấn cho HS khi học sinh gặp khó khăn, bài dạy chưa sâu sắc. HS chưa hiểu hết bản chất của bài học, GV đang còn tập trung nhiều vào việc tổ chức lớp học, chưa quan tâm được nhiều đến mục tiêu của bài học. Việc bao quát lớp của giáo viên chưa toàn diện, chỉ mới phát huy được số học sinh khá, giỏi.
Đối với học sinh thì kỹ năng tự học, kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng giao tiếp còn hạn chế (đặc biệt học sinh khối 2), việc điều hành nhóm chưa nhuần nhuyễn. Một số trường cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp nghiêm trọng, phòng học không đảm bảo diện tích nên các phòng học không đủ rộng để trưng bày sản phẩm, hoạt động của học sinh không thuận tiện.
Phụ huynh đi làm xa nên chưa quan tâm nhiều đến con em, nhiều phụ huynh vẫn chưa thay đổi được tư tưởng đó là việc học tập ở trường của con em là do nhà trường, do cô giáo nên việc phối hớp với nhà trường còn hạn chế.
Những giải pháp để dạy tốt chương trình VNEN được đưa ra tại cuộc giao ban như: Tiếp tục chỉ đạo các trường thực hiện theo kế hoạch đề ra, tổ chức các chuyên đề, giao ban hàng tháng để rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy. Tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để chuẩn bị mọi điều kiện cơ bản nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các lớp VNEN. Tổ chức các chuyên đề chuyên sâu, theo trường, cụm trường các lớp lớp VNEN để rút kinh nghiệm.
Tìm hiểu rõ ý nghĩa các điều kiện phục vụ dạy học như góc Cộng đồng, góc học tập, hộp thư vui, hộp thư điều em muốn nói,… để chỉ đạo giáo viên thực hiện đúng ý nghĩa, phát huy được năng lực học sinh, hiệu quả của phụ huynh.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền với Phụ huynh, chính quyền địa phương các ban ngành đoàn thể để mọi người, tổ chức hiểu sâu hơn về chương trình trường học mới.
Đặc biệt, trong lần giao ban này, các CBQL và giáo viên nghe cô giáo Nguyễn Thị Xuân Hoàng – Phó trưởng phòng GD&ĐT định hướng việc tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, trang trí lớp học để triển khai dạy học theo Mô hình mới có hiệu quả và sự chia sẻ những bí quyết trong quản lí, chỉ đạo của thầy giáo Trần Hoàng Lan – Hiệu trưởng trường Tiểu học Cẩm Quang, ngôi trường thực hiện mô hình VNEN đầu tiên trong toàn tỉnh Hà Tĩnh.
Song Hoành – Minh Thư