Cụm CN-TTCN Nam Hồng Lĩnh có diện tích 40,5 ha, trong đó, diện tích đã đền bù, san lấp mặt bằng là 16,7 ha. Đến nay đã có 6 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 4 dự án đã đi vào sản xuất, 1 dự án đang xây dựng. Các dự án trong cụm hiện đang hoạt động trên các lĩnh vực: Sản xuất giấy vệ sinh cao cấp, chế biến nhựa phế phẩm, sản xuất lưới thép gai, ván ép và dệt may (sợi vải). Hệ số lấp đầy mặt bằng (phần đã san lấp mặt bằng) là 100%.
Dự án Nhà máy sản xuất giấy vệ sinh cao cấp của Công ty TNHH Châu Sơn có vốn đầu tư 3,8 tỷ đồng, năm 2012 giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng, nộp ngân sách 146 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 13 lao động; Nhà máy sản xuất ván ép của công ty tư nhân Hồng Lam có vốn đầu tư 3,3 tỷ đồng, năm 2012 giá trị sản xuất đạt 6 tỷ, nộp ngân sách 74 triệu, giải quyết công ăn việc làm cho 30 lao động; Nhà máy sản xuất hạt nhựa của công ty CP Hồng Phúc có vốn đầu tư 3 tỷ đồng, năm 2012 giá trị sản xuất đạt 2,9 tỷ, nộp ngân sách 65 triệu, giải quyết việc làm cho 50 lao động; Nhà máy lưới thép gai Hưng Thịnh có vốn đầu tư 10 tỷ đồng, năm 2012 giá trị sản xuất đạt 30 tỷ, nộp ngân sách 420 triệu, giải quyết việc làm cho 50 lao động; Nhà máy sản xuất sợi vải của Công ty CP VINATEX có tổng vốn đầu tư 140 tỷ, đến nay đã đầu tư 80 tỷ, dự kiến quý II/2013 đi vào hoạt động. Hiện tại Nhà máy đã tiếp nhận 100 lao động vào làm việc và gửi đi đào tạo để chuẩn bị về làm việc….
Kiểm tra dây chuyền sản xuất sợi vải của VINATEX
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Minh Kỳ đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả của các nhà máy này đạt được trong thời gian qua. Tuy quy mô đầu tư các nhà máy chưa lớn, nhưng các nhà máy đã hoạt động hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm cho khá nhiều lao động; nộp đầy đủ các nghĩa vụ cho Nhà nước. Riêng đối với nhà máy sản xuất sợi vải, tuy thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng chủ đầu tư vẫn tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy. Đến nay, Nhà máy đã chạy thử và sẽ đưa vào hoạt động trong quý 2 tới. Nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giải quyết được một lượng khá lớn công ăn việc làm, tạo sức hút cho cả cụm CN…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Trước mắt, giao các sở, ngành liên quan và thị xã Hồng Lĩnh nghiên cứu mở rộng quy hoạch (tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí quy hoạch và đầu tư) để hoàn thành các hạng mục trong Cụm; hỗ trợ đào tạo nghề cho Nhà máy sợi vải; giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ cho người tàn tật và doanh nghiệp sử dụng lao động là người tàn tật đối với công ty Hồng Phúc; tạo điều kiện cho công ty Hồng Phúc vay vốn có ưu đãi để nâng cấp dây chuyền công nghệ, đa dạng háo sản phẩm; nghiên cứu, xem xét thành lập bộ máy quản lý Cụm CN –TTC Nam Hồng Lĩnh; nghiên cứu, xem xét về việc điều chỉnh giá thuê đất cho các doanh nghiệp… để tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ…
Chính Thu
Báo Hà Tĩnh