Kinh tế

Phí đường tránh TP Hà Tĩnh tăng vọt, dân “cắn răng” nạp tiền dù không sử dụng

Từ 0h ngày hôm nay 19/2/2016, phí qua Trạm thu phí Cầu Rác (Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã tăng gần gấp đôi so với trước. Nhưng điều khiến người dân bức xúc là, giá qua Trạm thu phí này tăng “vùn vụt”, trong khi một lưu lượng lớn xe không đi qua tuyến đường tránh vẫn phải nộp tiền.

  hatinh (2)

 Trạm thu phí Cầu Rác

Mức phí qua Trạm thu phí Cầu Rác ngày một tăng cao. Năm 2013, Bộ Tài Chính đã ban hành thông tư 53/2013/TT-BTC quy định mức thu phí sử dụng đường bộ mới trạm thu phí Cầu Rác, có hiệu lực từ ngày 20/6/2013. Đến năm 2015, Bộ Tài chính lại vừa ban hành Thông tư số 154/2015/TT-BTC quy định mức thu phí sử dụng đường bộ mới qua trạm Cầu Rác, thông tư mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Tuy nhiên thông tư này đến ngày hôm nay, 19/2/2016 mới được Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (đơn vị quản lý thu phí cầu Rác) thực hiện.

Theo đó, năm 2013 đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, mức phí theo lượt tăng từ 12.000 lên 20.000đồng/vé/lượt, đến năm 2016 tăng lên 35.000/lượt; mức phí theo tháng tăng từ 360.000 đồng lên 600.000 đồng/vé/tháng, đến 2016 tăng lên 1050.000/vé/tháng và mức phí theo quý tăng từ 950.000 lên 1.600.000 đồng/vé/quý đến 2016 là 2.830.000/vé/quý.

Đối với xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn, mức phí trước đó là 20.000 đồng/vé/lượt; 600.000 đồng/vé/tháng và 1.600.000 đồng/vé/quý thì đến 2013  được điều chỉnh tăng lên gấp 1,5 lần, cụ thể là 30.000 đồng/vé/lượt; 900.000 đồng/vé/tháng và 2.400.000 đồng/vé/quý, và đến 2016 sẽ tăng lên 50.000/lượt, 1.500.000 đồng/vé/tháng và 4.050.000 đồng/vé/quý.

Thông tư này ghi rõ: “Phí sử dụng đường bộ trạm thu phí Cầu Rác, quốc lộ 1, tỉnh Hà Tĩnh được thu, nộp, quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Tổng số tiền thu phí hàng năm sau khi trừ các khoản thuế theo quy định được xác định là khoản tiền hoàn vốn theo phương án tài chính của Hợp đồng BOT Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1, đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh và các Phụ lục Hợp đồng BOT.”.

Như vậy, trạm thu phí Cầu Rác dùng để thu cho đoạn đường tránh TP Hà Tĩnh theo Hợp đồng BOT và phụ lục hợp đồng này. Nhưng điều trớ trêu là vị trí đặt Trạm thu phí lại cách tuyền đường này mấy chục km, khiến một lượng lớn phương tiện không lưu thông qua đường tránh TP Hà Tĩnh vẫn phải nộp tiền. Đặc biệt, từ ngày hôm nay, phí lại tăng với mức cao khiến người dân, nhất là những người sinh sống ở hai bên trạm thu phí này chỉ biết “kêu trời” và “cắn răng” nộp phí.

Trao đổi về vấn đề này, ông Thái Sơn – Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (đơn vị được Tập đoàn Sông Đà giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh) cho biết: việc đặt trạm thu phí ở vị trí như thế nào là theo quy hoạch tổng thể của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các bên liên quan. Cụ thể, theo quy định các trạm thu phí phải đặt cách nhau ít nhất 70 km.

Hơn nữa, theo ông Sơn, Trạm thu phí Cầu Rác được xây dựng từ lâu, trước đây dùng để thu phí trên tuyến đường Quốc lộ1A, sau này dùng để thu phí cho đoạn đường tránh TP Hà Tĩnh. Hệ thống đường tránh cũng là đoạn đường thuộc tuyến giao thông quốc lộ 1A, nếu như không sử dụng Trạm thu phí Cầu Rác để thu cho đoạn đường này thì trạm này cũng sẽ sử dụng thu phí cho mục đích nâng cấp, sửa chữa cho tuyến đường đường Quốc lộ trong quá trình sử dụng.

Ông cũng cho biết, ông khá hiểu cho những bức xúc của người dân.

Đây không chỉ là tình trạng bất cập trong thu phí đường tránh TP Hà Tĩnh mà còn là bất cập của rất nhiều trạm thu phí khác trên cả nước.

Mai Nguyễn – Hà Vy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP