Bạn cần biết

Phẫu thuật kết hợp xương khung chậu phức tạp cùng các chuyên gia tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An

Ngày 12/2/2023, BVCTCHNA hân hạnh đón PGS.TS.Lê Nghi Thành Nhân – PGĐ. Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế, Trưởng bộ môn ngoại trường Đại học Y Huế trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật kết hợp xương chậu bằng nẹp vít cho trường hợp bệnh nhân bị vỡ ổ cối phức tạp kèm các chấn thương khác.

Trước đó, bệnh nhân V.T.V., 44 tuổi, ở Quỳ Hợp – Nghệ An bị ngã cao từ độ cao 2m. Bệnh nhân được chuyển vào BVCTCHNA với chẩn đoán đa chấn thương: Vỡ ổ cối trái, gãy ngành ngồi mu trái, gãy xương cánh chậu trái, gãy kín đầu dưới xương quay tay trái.

Nhận thấy ca bệnh phức tạp, đội ngũ bác sĩ BVCTCHNA đã hội chẩn và quyết định mời chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Chấn thương Chỉnh hình phối hợp thực hiện phẫu thuật. Phẫu thuật điều trị gãy xương vùng khung chậu hiện là một trong những phẫu thuật phức tạp nhất của chuyên ngành chấn thương chỉnh hình.

PGS.TS.Lê Nghi Thành Nhân cùng các bác sỹ tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân

Là bệnh viện chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình tuyến tỉnh, BVCTCHNA liên tục cập nhật những kỹ thuật tiên tiến nhất. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng thường hội chẩn trực tuyến và mời các giáo sư hàng đầu trong và ngoài nước trực tiếp hỗ trợ về chuyên môn trong những ca bệnh phức tạp. Nhờ đó, bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm điều trị tại tuyến tỉnh mà vẫn được thực hiện các phương pháp phẫu thuật tiên tiến nhất.

Gãy xương chậu chiếm tỷ lệ 1-2% trong tổng số gãy xương, là xương xốp nên khi gãy gây chảy máu nhiều. Gãy xương chậu chia ra 3 loại: Gãy thành xương cánh chậu: di lệch ít, điều trị dễ; Gãy ổ cối: điều trị khó, dễ biến chứng, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của khớp hông sau này; Gãy khung chậu: chảy nhiều máu, dễ sốc, hay kèm tổn thương cơ quan nội tạng trong khung chậu gây nguy hiểm đến tính mạng.

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng gãy xương chậu:

- Do ngã: Ngã ngồi gây gãy ụ ngồi, gãy ngành cánh chậu (gãy kiểu Duverney

- Do chấn thương: xương chậu bị ép lại trong trường hợp xe đè qua hay bị vật nặng đè ép, rơi từ độ cao lớn, do sập hầm, vùi lấp, tai nạn giao thông

- Do vận cơ quá mức: thường gặp ở người chơi thể thao, luyện tập võ thuật, động tác đột ngột trong lao động: gãy gai chậu trước trên do cơ căng cân đùi và cơ may kéo mạnh, gãy gai chậu trước dưới do cơ thẳng trước kéo, gãy cánh chậu do cơ mông nhỡ kéo.

Gãy xương chậu là vấn đề phức tạp, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Quá trình điều trị cũng rất khó khăn và người bệnh sẽ cần rất nhiều thời gian để hồi phục trở lại. Do đó khi phát hiện xương chậu bị gãy, nên nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng.

Tác giả: Đậu Huyền

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP