Chiều 13/3/2012, UBND TX Hồng Lĩnh tổ chức buổi họp gồm thành phần cán bộ cốt cán, các ban ngành đoàn thể phường Bắc Hồng và khối xóm nơi ông Đoàn Ngọc Anh cư trú (khối 4, tổ 5) với mục đích trao đổi về quá trình và phương hướng giải quyết tranh chấp đất giữa ông Phan Như Quý và ông Đoàn Ngọc Anh. Một số cơ quan báo chí trong đó có Tamnhin.net cùng tham dự.Ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh phát biểu, khẳng định như đinh đóng cột quá trình cấp đất cho ông Phan Như Quý là “đúng, minh bạch, công khai và đầy đủ”, ông Đoàn Ngọc Anh đã lấn chiếm đất ông Phan Như Quý. Lý giải về việc quyết định của UBND tỉnh cho phép cấp đất cho cán bộ công nhân xí nghiệp Công nghệ phẩm nhưng UBND TX Hồng Lĩnh lại cấp cho ông Mai Văn Danh (Trưởng Phòng Quản lý đất đai TX), ông Hổ cho rằng việc làm tờ trình xin tỉnh chỉ là “lý sự để nói, còn về đây cấp cho ai (là) quyền của đây”?!
Ông Nguyễn Văn Hổ (ngồi giữa), Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh trong buổi làm việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Anh và ông Quý. Sau khi UBND TX Hồng Lĩnh có tờ trình về việc xin thu hồi đất để giao cho cán bộ công nhân viên xí nghiệp công nghệ phẩm làm nhà ở, ngày 22/9/1992, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1040 – QĐ/UB nêu rõ: “Nay cho phép UBND thị xã Hồng Lĩnh ra quyết định giao đất cho 14 hộ gia đình cán bộ công nhân viên xí nghiệp công nghệ phẩm Hồng Lĩnh” (Điều 1).Như vậy, ông Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh đồng tình với hành vi “lừa trên dối dưới” của chính quyền trước đây, và coi Quyết định của UBND tỉnh không có hiệu lực? Một nhà báo cao tuổi nêu thông tin việc họp xét cấp đất của xí nghiệp công nghệ phẩm đã tiến hành vào ngày 16/8/1992 trước khi có quyết định thu hồi đất và cho phép giao đất của UBNB tỉnh (ngày 22/9/1992) hơn 1 tháng. Theo quy định, chỉ sau khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành xét họp xét giao đất cho từng đối tượng, vậy đây có phải là quy trình “ngược”? Phương án thu tiền đền bù và tiền lệ phí cũng được lập vào ngày 14/9/1992, trước khi có Quyết định cho phép giao đất của UBND tỉnh. Như vậy phải chăng có hiện tượng “họp chia chác trước, báo Nhà nước sau”? Mặt khác, trong phương án thu tiền ghi rõ dãy 1 gồm 4 hộ được miễn giảm một suất “con liệt sỹ” phải nộp số tiền 2,25 triệu đồng, và phiếu thu của ông Quý lại ghi nộp 2,25 triệu đồng, người nhận không ghi họ tên, vậy phải chăng ông Quý mạo nhận mình là đối tượng “con liệt sỹ”? Ông Nguyễn Văn Hổ cắt ngang, không cho nhà báo nói tiếp và quy kết “Anh bây giờ không được bắt những cái như thế…”Và ông Chủ tịch UBND TX thẳng thừng: “Như vậy, anh hỏi cái hóa đơn ấy có hợp pháp không, tiền có vào Nhà nước không? Xin lỗi anh, tôi không làm những cái đó nữa!” (?!). Tại Báo cáo số 06/UBND ngày 16/01/2012 của UBND TX Hồng Lĩnh do ông Nguyễn Văn Hổ kí gửi UBND tỉnh và nhiều cơ quan ban ngành đã khẳng định: “Căn cứ vào các giấy tờ có liên quan đến đất đai của hai gia đình; Căn cứ điều 136 Luật Đất đai năm 2003, việc tranh chấp đất đai giữa ông Đoàn Ngọc Anh và ông Phan Như Quý do Tòa án nhân dân giải quyết. Hiện nay UBND thị xã Hồng Lĩnh giao Thanh tra thị xã hướng dẫn ông Phan Như Quý làm đơn khởi kiện dân sự theo quy định của Pháp luật”. Thế nhưng cho đến ngày 13/3/2012, ông Nguyễn Văn Hổ lại tổ chức tiếp một cuộc họp để một mực khẳng định ông Quý đúng, ông Anh sai và tìm cách để ông Anh dời dọn, lấy lại đất cho ông Quý. Theo ông Hổ, nếu ông Anh không nghe theo phương án của chính quyền, thì ông sẽ chuyển vụ việc sang Tòa án và lúc đó ông Anh sẽ trắng tay? Không hiểu vì sao ông Nguyễn Văn Hổ phải “hao hơi tốn sức” để cố giải quyết sự việc, khi mà đã khẳng định thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án? Mới đây, ông Đoàn Ngọc Anh đã tìm lại được “Đơn xin chuyển đất ở” của ông viết ngày 15/12/1992 gửi chính quyền có xác nhận của Giám đốc khu điều dưỡng thương binh 4 với nội dung xin trả lại miếng đất dãy 3 được UBND huyện Đức Thọ cấp để được ở lại miếng đất cạnh đường 8 mà ông đã làm nhà hiện đang ở để làm ăn sinh sống. Điều đó cho thấy ông Anh không có nguyện vọng xin mảnh đất dãy 3 đã được UBND huyện Đức Thọ cấp vì không thể làm ăn buôn bán nuôi con.Trong nhiều văn bản, UBND TX Hồng Lĩnh “kết tội” ông Anh lấn chiếm đất của ông Quý đã được cấp thẩm quyền cấp đất trong thời gian từ tháng 10 năm 1992 đến tháng 2 năm 1993. Điều khó hiểu là ở chỗ, mặc dù đã cư trú tại mảnh đất đang tranh chấp từ tháng 7 năm 1989, nhưng ông Đoàn Ngọc Anh lại “chờ” đến đúng thời điểm ông Quý được chính quyền giao đất thì ông mới lấn chiếm? Trong thời gian gần 40 tháng, gia đình có 5 nhân khẩu chen chúc, nhưng ông Anh vẫn “kiên nhẫn” đợi đến đúng khi có Quyết định cấp đất cho ông Quý rồi mới lấn chiếm, làm nhà?Trong khi đó, có nhiều ý kiến khẳng định việc ông Anh đã lấn chiếm đất làm nhà trước khi có quyết định cấp cho ông Quý. Ông Phan Nam Cát, nguyên bảo vệ xí nghiệp công nghệ phẩm trong thời gian từ 1989 – 1990 viết giấy xác nhận việc cuối năm 1989, ông Anh đã lấn chiếm đất mở rộng nhà, ông Hiển của hàng trưởng nhắc nhở nhưng thương tình nên bỏ qua. Đến năm 1990, ông Anh tiếp tục lấn đất mở rộng nhà ra đến sát bờ ao.Ông Anh do bức bách về chỗ ở đã lấn chiếm đất cơ quan nhà nước để làm nơi cứ trú, sau đó, mảnh đất trên mới được cấp cho ông Quý. Thế nhưng UBND TX Hồng Lĩnh một mực khẳng định “ông Anh lấn chiếm đất ông Quý”. UBND TX Hồng Lĩnh đã “kết tội” ông Anh để khẳng định việc cấp đất cho ông Quý là đúng pháp luật và phủ nhận việc UBND TX Hồng Lĩnh đã không thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trước khi giao đất theo quy định của pháp luật. Đến năm 1998, chính quyền mới nhận được lá đơn đầu tiên của ông Phan Như Quý, nhưng không xử lý. Và từ năm 1989 đến năm 2011, trong 22 năm, chính quyền không hề có văn bản nào nhắc nhở hay xử lý cũng như có buổi làm việc nào với ông Anh về việc ông lấn chiếm đất (ở trên đất không có giấy tờ). Vì vậy, sự việc đã chuyển biến theo chiều hướng khác, cho thấy ông Anh đã chiếm hữu ngay tình mảnh đất đang cư trú hiện nay. Đây là tình tiết đặc biệt đáng lưu ý nhưng UBND TX Hồng Lĩnh đã bỏ qua trong các báo cáo.
“Đơn xin chuyển đất ở” của ông Anh viết ngày 15/12/1992 có xác nhận của Giám đốc khu điều dưỡng thương binh 4 với nội dung xin trả lại miếng đất dãy 3 được UBND huyện Đức Thọ cấp. (mặt sau).
“Đơn xin chuyển đất ở” của ông Anh viết ngày 15/12/1992 có xác nhận của Giám đốc khu điều dưỡng thương binh 4 với nội dung xin trả lại miếng đất dãy 3 được UBND huyện Đức Thọ cấp. (mặt trước).
Trong quá trình xử lý vụ việc, không khó để nhận ra UBND TX Hồng Lĩnh đã thiên vị rõ rệt ông Phan Như Quý, “xử ép” thái quá đối với ông Đoàn Ngọc Anh. Bắt đầu từ việc xử phạt ông Anh 10 triệu đồng, buộc ông phải tháo dỡ nhà, rồi tổ chức các cuộc họp với sự “định hướng” rất “quyết liệt” ông Anh sai, ông Quý đúng, tỏ thái độ phản ứng gay gắt với những thông tin trái chiều, trong các báo cáo bỏ qua những tình tiết bất lợi cho ông Phan Như Quý, lại cố lấy đất cho ông Quý sau khi đã xác định thẩm quyền thuộc Tòa án…Tất cả những cách ứng xử đó đã khiến dư luận đặt dấu hỏi về thái độ công tâm, khách quan của người đứng đầu cơ quan hành pháp UBND TX Hồng Lĩnh. Thực tế cho thấy, các sự việc tranh chấp đất đai thường rắc rối, phức tạp, và nếu như chính quyền xử lý không khách quan và thiếu trung thực sẽ làm sự việc thêm bế tắc và dẫn đến những oan sai, bức xúc trong nhân dân, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng. (Còn nữa)
Quang Đại – Hà Vy
Tầm Nhìn