Lãnh đạo UBND xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) vừa cho biết, trong quá trình tìm lại cung đường qua Đèo Ngang xưa, các lực lượng đã phát lộ nhiều bậc đá cổ ở Hoành Sơn Quan.
Theo đó, qua phát dây leo bụi rậm, các lực lượng phát hiện có 1km đường đá cổ, loại đá bản địa Đèo Ngang được tiền nhân sắp xếp từng bậc cấp để vượt núi ra Hà Tĩnh.
Con đường đá cổ vượt Đèo Ngang mới được phát hiện. Ảnh: SGGP |
Đây là con đường đi qua bia Hạ Mã trước cổng đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, men theo triền núi, đi cheo leo lên giữa rừng.
Dọc đoạn đường thiên lý này có một số ngôi mộ cổ được lấy đá làm nấm mộ. Nhiều người dân trong vùng kể lại, tại khu vực Hoành Sơn Quan xưa có nhà ở cho lính canh cổng, nay chỉ còn nền đá do đã đổ sập.
Do đó, có thể mộ đá trên là mộ của binh lính canh cổng Hoành Sơn ngày xưa nằm lại, được người dân chôn cất khi qua đời.
Được biết, tỉnh Quảng Bình đang tôn tạo tuyến đường thiên lý từ đền Thánh Mẫu lên núi, nhằm tạo không gian văn hóa xưa cho người dân và du khách biết cha ông ta vượt Đèo Ngang như thế nào.
Sau đó, sẽ đề nghị công nhận đoạn đường thiên lý này là di tích lịch sử, phục dựng lại nhà canh Hoành Sơn Quan của binh lính xưa.
Theo ông Mai Xuân Thành - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Quảng Bình, việc phát lộ các bậc đá cổ góp phần quan trọng cho các nhà khoa học khảo cổ trong việc xác định lối đi của con đường thiên lý Bắc - Nam đoạn qua dãy núi Hoành Sơn.
Hiện Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Quảng Bình đang đôn đốc huyện Quảng Trạch lập hồ sơ nghiên cứu chuyên sâu để công nhận các bậc đá này là di tích lịch sử.
Tác giả: Khánh Ngọc
Nguồn tin: Báo Công Luận