Trả lời về việc khi mình đang là Phó giám đốc sở nhưng không chịu dời nhà, giao mặt bằng làm đường, không sợ tai tiếng, ông Tư, nói: “Chao ôi anh sợ chi chuyện nớ em. Chừ có cắt chức anh thì chả có vấn đề gì cả. Nhưng mất của anh 200 triệu đồng thì cuộc đời làm phó giám đốc của anh có bòn được 2 chục triệu đâu…
Ông Tư dứt khoát đòi bồi thường theo giá hiện tại mới cho đập nhà. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Ông Tư nói: “Làm lãnh đạo là không có quyền khiếu nại à? Trước khi làm lãnh đạo thì tôi phải làm công dân đã, tôi khiếu nại với tư cách công dân chứ không phải làm lãnh đạo là cúi đầu chịu thiệt, bởi pháp luật là công bằng, ai cũng được hưởng”.
Ông Tư khẳng định thêm: “Tôi là lãnh đạo thì tôi phải càng khiếu nại hơn nữa, bởi vì mình đã từng đi giải quyết việc người ta mà tại sao việc mình không giải quyết được”.
Một người dân buôn bán trên kiệt 211 cho biết, tuyến đường này làm gần 7 năm rồi mà vẫn chưa hoàn thành, ở đây ai cũng di dời hết rồi chỉ còn mỗi nhà ông Tư. Vì vướng nên thi công ì ạch bụi bẩn, nước đọng quanh năm.
“Tiệm của tôi buôn bán đồ hàng bẩn suốt. Nếu anh em chòm xóm thì mình góp ý cho nhau nhỏ nhẹ được đằng này ông ấy là quan nên mình khó mà nói, mà cũng không dám nói. Không biết ở trên họ giải quyết thế nào mà nhà ông vẫn nằm y đó”, người dân này cho biết.
Trả lời về những dư luận đang xì xào, ông Hồ Viết Tư nói: “Chính dân họ nói cũng đúng, tại thấy cái nhà nó án ngữ giữa đường vậy. Nhưng mà may nhà tôi còn án ngữ nên cấp thẩm quyền họ mới xem xét đấy, chứ những người họ đã dỡ nhà đi thì chả ai nói cho họ một câu đâu”.
Không sợ cách chức
Ông Tư nói thẳng là không sợ cách chức nhưng kiên quyết đòi bằng được số tiền đáng được hưởng của mình. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Phó giám đốc sở Tư pháp Thừa Thiên-Huế nói thẳng rằng: “Tinh thần tôi đã chuẩn bị toàn bộ, đã báo cáo với cấp thẩm quyền khi nào giải quyết cho tôi thì tôi dỡ nhà đi ngay tức khắc. Mà chính họ không cho tôi làm người lương thiện”.
Trả lời về việc khi mình đang là Phó giám đốc sở tại sao lại không sợ tai tiếng, ông Tư, nói: “Chao ôi anh sợ chi chuyện nớ em. Chừ có cắt chức anh thì chả có vấn đề gì cả. Nhưng mất của anh 200 triệu đồng thì cuộc đời làm phó giám đốc của anh có bòn được 2 chục triệu đâu. Anh có hối lộ tham nhũng chi đâu mà được, đâu vì anh tham nhũng hối lộ quá nhiều rồi nên coi thường mấy trăm triệu đó đâu”.
Phóng viên: Nhiều người có ý rằng tại sao ông là một quan chức nhưng sao không gương mẫu trong việc hỗ trợ chính quyền giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng?
Ông Hồ Viết Tư: “Vì anh gương mẫu nên mới thiệt thòi như vậy, chứ anh ù lì thì giờ đã có đất, được hết. Nhờ cái gương mẫu nên anh mới cực như ri đây”.
Phóng viên: Nhưng có ý kiến vì một câu chuyện nhỏ đó thì làm gì phải làm căng trong lúc mình là đảng viên mà không đi đầu, chịu thiệt hơn?
Ông Hồ Viết Tư: “Tại sao đảng viên phải chịu thiệt. Mà thiệt của anh không ít mô, xin lỗi em làm gì kiếm được vài trăm triệu, ai ăn cướp của em vài đồng em chịu được không? Đây là tài sản của anh, được nhà nước bảo hộ như pháp luật nói nên không có quyền lực nhà nước nào đem đi cướp tài sản của anh hết”.
Phóng viên: Nếu lệnh trên áp xuống thì sao?
Ông Hồ Viết Tư: “Anh không chịu. Chính con người biết pháp luật như anh không thể khuất phục sai trái được. Anh khuất phục nữa thì răng, anh còn làm gương cho thiên hạ nữa chứ. Nếu thành phố chỉ giải quyết cho anh một phần, nếu không giải quyết hết thì anh lên tỉnh, tỉnh không giải quyết thì anh đi trung ương. Không ai cấm phó giám đốc đi kiện ở trung ương cả. Bởi vì khi đi làm việc thì anh là phó giám đốc, còn khi đi kiện thì anh là công dân”.
Trong khi đó, ông Trần Phùng (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết: “Hiện tại tôi đang gấp rút cải tạo lại ngôi nhà cho đúng quy hoạch. Mình làm cán bộ nên nhiều khi phải chịu thiệt một tí. Còn nếu được giải quyết thỏa đáng thì tốt quá”.
Ông Trần Phùng (bìa phải): “mình là cán bộ nên nhiều khi phải chịu thiệt một tí”. Ảnh: L.Đ.Dũng. |