Trong nước

Ông Phan Đình Trạc: 'Những người tham nhũng vừa rồi là những người giàu'

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng cần hình thành cơ chế, chính sách pháp luật chặt chẽ để "không thể" tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi để "không dám" tham nhũng, tiêu cực.

Ông Phan Đình Trạc - Ảnh: NAM TRẦN

Sáng 5-12, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã truyền đạt nghị quyết "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt nghị quyết hội nghị trung ương 6 khóa XIII.

Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực

Ông Trạc cho hay trung ương khẳng định đề án được chuẩn bị nghiêm túc, bài bản, bám sát thực tiễn, thực hiện đúng cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ theo chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp 2013, văn kiện Đại hội XIII và tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...

Từ đó có chọn lọc đúng trọng tâm, đề ra các nhiệm vụ giải pháp phù hợp với thực tiễn, có đổi mới, định hướng trong thời gian dài nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Một vấn đề được ông Trạc nhấn mạnh tại nghị quyết là yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Đây là lần đầu tiên trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước", ông Trạc nói.

Ông chỉ rõ một số điểm đáng lưu ý, trong đó quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm.

Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý.

"Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Cho nên chúng ta kiểm soát tốt quyền lực chính là ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực", ông Trạc nêu.

Cạnh đó xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Đảm bảo sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan, giữa các cơ quan nhà nước, giữa trung ương - địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan cùng cấp chính quyền địa phương.

Một điểm khác là quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp và của cơ quan tư pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, lập pháp.

Thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình công khai minh bạch trong từng cơ quan nhà nước...

"Công khai, minh bạch là nhiệm vụ rất quan trọng để kiểm soát quyền lực. Thêm đó thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Tất cả những điều này nhằm mục đích kiểm soát quyền lực", ông Trạc nêu.

Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo... của công dân.

Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, nhà nước, nhân dân. Trong đó Đảng là cơ quan kiểm tra, nhà nước là thanh tra, kiểm toán và các cơ chế kiểm soát khác của các cơ quan tố tụng cũng như nhân dân.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: NAM TRẦN


Nghiên cứu thiết chế mới kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo ông Trạc, nghị quyết yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông cho rằng nghị quyết đặt ra vấn đề nghiên cứu thành lập các thiết chế mới nhưng việc nghiên cứu đòi hỏi rất công phu, rất khó và phải phù hợp với thể chế chính trị, thực tiễn của nước ta.

Một nhiệm vụ khác, ông Trạc nói cần ban hành các quy định kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý sử dụng tài chính, tài sản công.

Đồng thời thực hiện "4 không" trong phòng, chống tham nhũng.

Thứ nhất, "không thể" tức là hình thành cơ chế, chính sách pháp luật chặt chẽ để không thể tham nhũng.

Thứ hai, phát hiện xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để "không dám" tham nhũng, tiêu cực.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức để "không cần" tham nhũng, tiêu cực.

"Đương nhiên việc này góp phần quan trọng thôi chứ không chấm dứt được bởi những người tham nhũng vừa rồi là những người giàu. Người giàu mà họ tham nhũng lớn", ông Trạc nêu.

Thứ tư, cần xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để "không muốn" tham nhũng.

Tác giả: THÀNH CHUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP