Để có tiền mưu sinh, mua thuốc cho vợ, ông Thi phải làm công việc cực nhọc
dù tuổi đã rất cao (ảnh: Facebook) |
Chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Thi (SN 1937, ở khu Tân Lập 4, phường Cẩm Thủy, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) vào một ngày đầu tháng 10. Hoàn cảnh của ông khá đặc biệt nên chỉ cần đến đầu khu phố hỏi thăm ông là mọi người ai cũng biết, chỉ đường đến ngay.
Trong căn nhà khôn có vật dụng gì đáng giá. |
Đi sâu vào một con ngõ nhỏ chúng tôi đến nhà của ông Thi, ngôi nhà cấp 4 khá trống trải, đồ đạc chẳng có gì đáng giá. Nền nhà ẩm mốc, ngoài sân la liệt cơm phơi khô đã mốc xanh, mốc đỏ.
Thấy chúng tôi, ông Thi, dù lưng đã còng nhưng tỏ ra khá nhanh nhẹn, khỏe mạnh niềm nở mời vào nhà và cất giọng gọi vợ là bà Đinh Thị Ứng (SN 1938) đang lúi húi dọn dẹp phía sau nhà.
Trái ngược với vẻ khỏe mạnh của chồng, bà Ứng nhìn gầy gò, ốm yếu và tai đã nghễnh ngãng. Ông Thi bảo, bà bị tiểu đường đã 15 năm nay, túi mật cũng đã bị cắt và gan đang có vấn đề.
Dường như đọc được sự ngạc nhiên của chúng tôi khi thấy sát cạnh đó là khu bếp nhưng nồi cơm điện, rổ rau cùng lỉnh kỉnh đồ dùng phục vụ cho việc nấu ăn lại bày la liệt ngay cửa ra vào, ông Thi giải thích do bà Ứng bệnh nặng không thể đứng nấu ăn được nên mang cả lên nhà trên để nấu cho tiện.
Trong ngôi nhà nền gạch khá sạch sẽ nhưng trống huơ trống hoác, hai ông bà già ngày ngày nương tựa vào nhau. |
Rồi bằng cái giọng chậm rãi, buồn buồn ông Thi giãi bày về cuộc sống bần hàn của mình. Ông bảo cả hai ông bà vốn làm ngư nghiệp, suốt cả tuổi trẻ lênh đênh sông nước. Mãi đến khi sức yếu ông bà mới tìm cách lên bờ.
Vợ chồng ông sinh tới 7 người con (3 trai và 4 gái). Năm 1999, 2 cô con gái của ông bị lừa bán sang Trung Quốc, 2 người con gái còn lại hiện đã có gia đình riêng và ở cùng TP Cẩm Phả. Riêng 3 người con trai thì một người cũng đã có gia đình đang sống cùng ngõ với vợ chồng ông. 2 người con trai còn lại vẫn theo nghiệp sông nước.
Chúng tôi hỏi sao con cái đông mà ông bà lại sống riêng và phải đi làm việc cực nhọc như vậy, ông Thi chia sẻ, tiếng là đông con nhưng các con cũng khó khăn, mỗi tháng các con chỉ biếu ông bà được tổng cộng 400 ngàn đồng, cộng thêm với tiền người cao tuổi được 700 ngàn, thì tiền thuốc cho bà Ứng còn chả đủ, nói gì đến tiền ăn.
Vì vậy từ lâu ông Thi đã xin với các chủ công trình xây dựng cho ông làm công việc nhổ đinh ở những tấm gỗ cốp pha. “Mỗi ngày nếu cật lực tôi nhổ được khoảng 4kg đinh, mỗi kg đinh được trả 8 ngàn đồng thì cũng đã được 32 ngàn đồng. Cộng thêm với tiền công khoảng hơn 100 ngàn cũng đỡ đần được nhiều thứ”, ông Thi nói.
Tuy nhiên cũng theo ông Thi, công việc không phải lúc nào cũng có, những công trình xa ông không đi được và chưa kể những lúc ông bị ốm đau.
Bà Ứng rơm rớm nước mặt kể, tiền thuốc men của bà đổ hết lên vai ông Thi. Nhiều hôm nhìn ông Thi mồ hôi đầm đìa, mặt đỏ gay gắt, mệt mỏi trở về nhà sau khi phải nhổ đinh giữa nắng nóng bà cũng thương ông lắm nhưng không biết làm sao.
Bà Ứng bệnh tật đã 15 năm nay nên phụ thuộc vào ông Thi |
Chia sẻ với chúng tôi bác Phạm Đức Toàn, Tổ trưởng dân phố khu Tân Lập 4 cho biết, hoàn cảnh 2 ông bà Thi thuộc diện quá khó khăn tại khu phố. Chính quyền địa phương cũng đã rất quan tâm nên đưa ông bà vào diện hộ nghèo để được hưởng trợ cấp hàng tháng.
“Ngày lễ, ngày tết chúng tôi cũng thăm hỏi, gửi quà động viên hai ông bà. Đồng thời hàng xóm cũng luôn qua lại giúp đỡ. Tuy nhiên chúng tôi cũng chỉ hỗ trợ được phần nào chứ quan trọng là phải ở con cái của ông bà”, ông Toàn nói.
Trao đổi với PV Dân trí tối 5/10, ông Nguyễn Thái Bình - Chủ tịch phường Cẩm Thủy - cho biết, hoàn cảnh của ông Thi và bà Ứng đúng là rất khó khăn, là hộ nghèo của phường. Nhà ông bà tuy rất đông con, có tới 7 người, nhưng không thành đạt, đa số khó khăn về kinh tế nên không quan tâm được tới bố mẹ. Chính vì vậy từ nhiều năm nay chính quyền phường đã quan tâm và đưa ông bà vào diện hộ nghèo. Ngay cả ngôi nhà 2 ông bà đang ở hiện tại, chính quyền phường cũng đã nhiều lần phải tổ chức sửa chữa, gần đây nhất là thay toàn bộ mái tôn nên không còn bị dột mỗi khi trời mưa.
Cũng theo ông Bình, hiện 2 ông bà đang hưởng chế độ của người cao tuổi với mức 350 ngàn đồng/người/tháng. Ngoài ra được hưởng các chính sách của hộ nghèo như: bảm hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện hàng tháng… Ngày lễ, tết đều hỗ trợ quà, tiền, đồng thời khi ốm đau phường cũng tổ chức thăm hỏi.
Tác giả: An Nhiên
Nguồn tin: Báo Dân trí