Sau 1 đến 2 năm các hộ nuôi có thể lãi gấp 2 đến 3 lần chi phí đầu tư.
Vùng nuôi ngày càng mở rộng
Theo Th.S Hoàng Văn Duật, Giám đốc Trung tâm Tư vấn – Sản xuất và dịch vụ KH-CN Thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, nước ta đã có trên 30 tỉnh thành nuôi cá chình thương phẩm. Hàng năm, cả nước xuất ra thị trường khoảng 3.000 tấn cá và trong tương lai sẽ có thể đạt đến 10.000 tấn/năm. Đây là con số khá cao khi sản lượng cá chình thương phẩm trên toàn thế giới chỉ đạt khoảng 300.000 tấn/năm.
Sau 1 đến 2 năm nuôi cá chình sẽ thu lãi gấp 2 – 3 lần chi phí |
Việt Nam là một trong những nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá chình. Thực tế đã khẳng định khi hiện nay, nhiều địa phương đã bắt đầu phát triển mạnh nghề này. Qua thống kê của Cty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) - DN sản xuất cá chình giống lớn nhất cả nước thì nghề nuôi cá chình đã có mặt ở các tỉnh thành từ Bắc tới Nam và đang tiếp tục mở rộng. Sở dĩ có được sự phát triển như vậy là do các mô hình nuôi đang mang lại hiệu quả cao nên các tỉnh tiếp tục mở rộng...
“Cá chình là loại thủy sản có giá trị thương phẩm tương đối cao, giá bán thường dao động từ 400.000 – 500.000/kg. Ngoài ra, cá chình được xếp vào nhóm thủy sản hoang dã, cá giống chủ yếu bắt ở ngoài tự nhiên về ươm nuôi, chưa có nước nào sản xuất đưa ra thương mại nên giá trị thương phẩm luôn ổn định. Những năm đầu Cty Vạn Xuân xuất ra thị trường khoảng 20 vạn con giống, đến nay mỗi năm trung bình xuất được khoảng 1 triệu con. Điều đó cho thấy nghề nuôi cá chình đang ngày càng phát triển”, ông Duật cho biết.
Lợi nhận cao, rủi ro thấp
Hiện Cty Vạn Xuân ngoài cung cấp cá chình giống ra thị trường, Cty còn có đội ngũ nhân viên thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho những hộ nuôi cá chình. Nếu có vướng mắc trong quá trình nuôi đều được đội ngũ nhân viên trực tiếp hướng dẫn từ phương pháp nuôi, thức ăn cho đến thuốc trị bệnh.
Nghề nuôi cá chình đang phổ biến ở nhiều tỉnh thành |
Anh Trần Mạnh Thịnh, phụ trách phát triển thị trường Cty Vạn Xuân cho biết: “Để đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao, các hộ nuôi thường chọn mua giống cá chình cấp 3 (loại 10 con/kg). Đây là cá giống có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, phía Cty cũng đặc biệt chú ý đến quá trình sinh trưởng và các loại bệnh thường gặp trên cá. Những loại bệnh phổ biến đều được cán bộ kỹ thuật khống chế và hướng dẫn bà con điều trị dứt điểm”.
Theo bài toán kinh tế mà Cty Vạn Xuân tính được trên cá chình thì sau một năm, tính tất cả chi phí từ giống, thức ăn, điện nước, thuốc men... hết khoảng 220.000 đồng/kg. Với giá bán thương phẩm hiện nay ở mức trung bình khoảng 450.000 đồng/kg, người nuôi sẽ thu lãi gấp đôi. Tuy nhiên thông thường, người nuôi sẽ nuôi thêm 1 năm nữa. Trong năm tiếp theo, mỗi kg cá thương phẩm tiêu tốn thêm 100.000 đồng chi phí để đạt trong lượng 2kg. Lúc này, các hộ nuôi sau khi xuất bán sẽ đạt lợi nhuận gấp 3 lần chi phí.
“Muốn có hiệu quả kinh tế cao thì nên nuôi riêng cá chình vào 1 ao nuôi chứ không nuôi ghép với các loại cá khác. Điều kiện môi trường nước, ao nuôi cá chình cơ bản như các loại cá nước ngọt khác. Ngoài ra, cá chình đòi hỏi yếu tố dinh dưỡng là đạm cao (trên 45% độ đạm trong thức ăn), do đó chúng ta nên sử dụng thức ăn thiên về đạm như ếch, nhái hay các loại cá nhỏ khác. Đặc biệt, cần nuôi ở những ao, bể đảm bảo không có hang hóc, bị rò rỉ nước ra ngoài để chống sự thất thoát của cá, vì cá chình rất khỏe dễ thoát ra. Các hình thức phổ biến nuôi ở các hộ gia đình hiện nay là nuôi ở ao đất (nhiều nhất ở Cà Mau), độ mặn giới hạn là dưới 5/1.000. Các tỉnh miền Trung nuôi chủ yếu trong bể xi măng trên cát có mái che lấy nguồn nước là nước ngầm”, ông Duật chia sẻ. |
Tác giả: LÊ KHÁNH
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam