Kinh tế

Nuôi cá bơn, cá mú công nghệ cao: Hướng làm giàu trên vùng đất cát ven biển Hà Tĩnh

Dồn sức kịp tiến độ

Cuối tháng 2, những mẻ cá mú giống sẽ được thả xuống ao, dự án nuôi cá mú, cá bơn sẽ đạt kỷ lục về tiến độ thực hiện với thời gian 5 tháng. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra hiệu quả kinh tế cao trên những vùng đất cát nghèo ven biển Hà Tĩnh…

Dự án nuôi cá mú, cá bơn chính thức được khởi động sau khi UBND tỉnh ra Thông báo số 384, ngày 29/9/2014 về “Chiến lược phát triển mô hình nuôi cá trên cát có giá trị kinh tế cao”. Kể từ đó, Sở NN&PTNT, với vai trò chủ công, đã phối hợp với đối tác là Công ty Fineton (Hồng Kông) khảo sát thiết kế dự án và cùng chính quyền các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.

Mở hướng làm giàu trên vùng đất cát ven biển Hà Tĩnh

HTX Nuôi trồng thủy sản và kinh doanh thương mại Việt Hải tranh thủ làm ngày làm đêm để hoàn thành ao nuôi cá mú kịp ngày thả giống cuối tháng 2 năm 2015.

3 vùng đất cát ven biển: Xuân Liên (Nghi Xuân); Thạch Trị, Thạch Lạc (Thạch Hà); Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) với diện tích gần 20 ha được chọn làm các mô hình thí điểm. Đồng thời, các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản cũng như nguồn lực kinh tế dồi dào được “chọn mặt gửi vàng”, giao trách nhiệm thực hiện dự án, gồm: Công ty Hoàng Dương, Công ty TNHH Như Nam, HTX Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải.

Mục tiêu ấn định cho ngày thả giống cá mú chậm nhất là cuối tháng 2/2015. Bởi vậy, “sức ép” tiến độ có tác động lớn đến các ngành chức năng, chính quyền địa phương và cả nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh: Nếu cuối tháng 2 không thả giống sẽ mất cơ hội và dự án sẽ bị chậm lại đến năm 2016. Do vậy, quá trình từ thiết kế, thẩm định đến xem xét lựa chọn vùng đất và nhà đầu tư đều được các ngành linh hoạt lồng ghép nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Bắt tay vào cuộc “chạy đua”, các huyện, xã cũng gặp không ít khó khăn bởi công tác GPMB liên quan đến hàng chục hộ dân. Đặc biệt là tại Xuân Liên phải lập lại dự án đầu tư vì diện tích nuôi cá bơn, cá mú chồng chéo với phần diện tích đã được UBND tỉnh phê duyệt nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc đang “thuận buồm xuôi gió”. Công tác GPMB cơ bản hoàn tất, cả 3 nhà đầu tư đang tích cực tiến hành san lấp và xây dựng các trại. Hiện tại, các nhà đầu tư đã chuyển hơn 137.000 USD để mua giống và trong những ngày tới sẽ chuyển đủ 90% tiền giống, tương đương hơn 273.000 USD.

Hứa hẹn hiệu quả cao

Dự án nuôi cá mú, cá bơn trên cát công nghệ cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác những vùng cát trắng; đồng thời, ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa. Bởi vậy, quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư sẽ nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ những cơ chế, chính sách của tỉnh. Hiện tại, 3 nhà đầu tư đều bỏ ra nguồn vốn 5-6 tỷ đồng/mô hình.

Mở hướng làm giàu trên vùng đất cát ven biển Hà Tĩnh

Công ty Hoàng Dương đẩy nhanh tiến độ thi công ao nuôi tại Xuân Liên (Nghi Xuân) để nuôi cá mú.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải – Tôn Đức Việt, đơn vị từng nuôi cá mú hơn 15 năm, tự tin: “Dự án sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Theo tính toán, kinh phí trọn gói cho mô hình nuôi cá mú hơn 3 tỷ đồng; sau khoảng 3 năm sẽ hoàn vốn. Trong khi đó, chi phí cho mỗi ha nuôi cá bơn hơn 10 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn 6 năm. Đặc biệt, đây là những mô hình nuôi hợp tác nên ngoài hỗ trợ của tỉnh, các nhà đầu tư còn được cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm (lợi nhuận được chia theo tỷ lệ: nhà đầu tư 70%, công ty Fineton 30%). Ông Nguyễn Công Hoàng cho biết: “Nếu so với nuôi tôm, lợi nhuận của 2 loại cá không bằng, tuy nhiên, lợi thế của nuôi cá là ít xảy ra dịch bệnh và rủi ro không lớn”.

Dự án nuôi cá bơn, cá mú công nghệ cao sẽ mở ra hướng làm giàu đối với các địa phương ven biển. Khi các mô hình đi vào hoạt động, sẽ tạo hàng trăm việc làm cho lao động địa phương.

Hoài Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP