Dòng Sự kiện

Nữ sinh trung cấp làm người đàn ông đớ người ra

Câu chuyện “nhặt được của rơi trả người đánh mất” của nữ sinh Đinh Thị Thu Thảo đã khiến người đàn ông đứng tuổi cảm động đến tê người.

Quán cà phê 166 ở làng đại học Thủ Đức (TP.HCM) chiều nay vắng hoe. Một vài người khách quen thuộc của quán đang trầm tư trước ly cà phê uống dở. Yên lặng. Tiếng nhạc hòa tấu nhẹ nhẹ tỉ tê…

Ở một góc quán, người đàn ông đứng tuổi với mái tóc hoa râm và đôi kính lão trễ xuống đang loay hoay tìm kiếm. Ông cho tay vào phía sau thành ghế sô pha sờ soạng. Ông ngồi bệt xuống đất cố nhìn bên dưới ghế.

Động tác được lặp lại nhiều lần. Dường như cái mà ông muốn tìm rất quan trọng…

trả điện thoại, đói cho sạch, Iphone5
Thảo trao trả cho ông Hòa chiếc iPhone 5 nhặt được.

Cô bé chạy bàn tiến sát bên ông. Ông chẳng lưu tâm….Trong phút giây ông chán nản nhất, bé rút từ trong túi quần ra chiếc điện thoại đưa trước mặt ông: “Bác tìm cái này phải không?”.

Đôi mắt ông sáng lên. Gương mặt ông giãn ra. Nụ cười trên môi ông hé nở: “Đúng rồi cháu. Bác tìm 2 ngày nay ở những nơi bác đã đến nhưng không tìm được. Cám ơn cháu nhiều nhé.”

Thì ra ông đã đánh rơi chiếc điện thoại của mình lúc nào không biết. Chiếc điện thoại gần như gắn liền với những kỷ niệm của một thời niên thiếu. Người bạn năm xưa của ông lâu lắm rồi chưa gặp lại đã tặng ông để đánh dấu ngày hội ngộ. Ông quí nó lắm luôn luôn đem theo bên mình và trong chiếc điện thoại đó là danh bạ của những người có liên quan đến cuộc mưu sinh hàng ngày của ông. Với ông, cô bé ấy là ân nhân…

Cô bé cho biết: Hai hôm trước ông vào đây cùng với bạn. Cuộc trò chuyện của ông sôi nổi quá và rồi vội đi nên chiếc điện thoại từ trong túi quần rơi ra trên ghế lúc nào không hay. Trong lúc dọn bàn cô bé nhặt và đem về quầy giao cho thủ quĩ để khi nào vị khách quay lại thì trả.

Cô bé là Đinh Thị Thu Thảo, năm nay tròn 21 tuổi. Thảo vừa tốt nghiệp Trung cấp Kế toán tài chính ngân hàng (Trường CĐ Công thương TP.HCM).

Gia đình Thảo vốn là nông dân ở Phù Cát (Bình Định). Bố mẹ quanh năm quần quật với mấy sào ruộng kiếm đủ tiền nuôi Thảo và em trai ăn học. Năm nay, em Thảo thi tốt nghiệp phổ thông rồi cũng khăn gói vào Sài Gòn cùng chị. Gánh nặng đè trên vai Thảo.

Lo xa, Thảo xin vào quán 166 này làm chân chạy bàn. Mỗi ngày, Thảo làm việc từ 6g30 sáng đến 3 giờ chiều với lương tháng 1,8 triệu đồng. Thảo nói: “lương tuy ít nhưng được bao bữa ăn trưa nhờ vậy mới tằn tiện lo cho em ăn học sau này”.

Ước nguyện của Thảo mong muốn có một việc làm ổn định đúng với ngành nghề đã học. Thế nhưng giữa chốn phồn hoa này, với tuổi mới lớn kiếm được một việc làm đối với Thảo quả rất khó khăn.

Ông Hòa – người đàn ông đánh mất điện thoại cảm động, hành động của Thảo đã nói lên được bản chất thật thà nên rất phù hợp với người làm nghề kế toán.

Đợi lúc vắng người, ông Hòa lấy ra tờ giấy 200.000 đồng đút vào tay Thảo. Cô bé nhẹ nhàng trả lại và đáp: “Ba má cháu có dặn trong bất cứ trường hợp nào cũng luôn nhớ lấy câu “đói cho sạch, rách cho thơm”. Cháu không thể lấy tiền của bác và bác cũng đừng nghĩ rằng đây là một hành động cao cả gì. Chẳng qua, cháu làm đúng lời dạy của ba má cháu thôi.”

Ông Hòa như đớ người ra. Đôi mắt ông nhìn chăm chăm vào Thảo. Dường như đây là một trong rất ít trường hợp ông đã gặp trên đường đời…

Trần Chánh Nghĩa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP