Nửa đầu năm 2017, Nguyễn Thảo Nguyên, cựu học sinh trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) liên tục nhận thư báo trúng tuyển từ 8 đại học của Mỹ, trong đó có 7 trường cấp học bổng từ 14.000 đến 35.000 USD/năm, như Đại học Northeastern, Massachusetts Amherst hay Beloit; và trường top 2 của Canada - Đại học British Columbia.
Nuôi ý định du học từ năm lớp 9, Thảo Nguyên xây dựng chiến lược học tập cùng lịch trình tham gia hoạt động ngoại khóa dày đặc. Em sớm đạt 8.5 IELTS với điểm tuyệt đối phần Nghe, Đọc; hoàn thành bài thi SAT với số điểm 1410/1600 và hàng loạt thành tích ngoại khóa, trong đó có giải nhì cuộc thi về ý tưởng Startup toàn cầu tổ chức tại Đức năm 2016.
Nguyễn Thảo Nguyên trúng tuyển 9 đại học quốc tế. Ảnh: NVCC |
Xuất phát điểm là học sinh không quá nổi trội, không có bất kỳ môn học thế mạnh nào, Thảo Nguyên đặt mục tiêu nâng dần điểm số theo từng học kỳ. "Sẽ không có gì đặc biệt nếu học sinh chỉ dừng lại ở việc duy trì một mức điểm cao nhất định. Bảng điểm tăng dần là cách em thể hiện sự cố gắng", Nguyên nói và nhận định điều này đã giúp em gây ấn tượng với các đại học quốc tế.
Trong hoạt động ngoại khóa, cô gái sinh năm 1999 cũng không chấp nhận việc mãi mãi là thành viên trong câu lạc bộ nào đó mà muốn ở vị trí cao hơn, có nhiều hoạt động, dự án cá nhân hơn. Chiến thuật này đem lại cho Nguyên nhiều thành tích và vốn sống, nhưng ngược lại cũng là khó khăn trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển đại học của em.
Đọc phần giới thiệu bản thân dài dằng dặc thành tích, hoạt động từng tham gia, Nguyên tự cảm thấy không có gì nổi bật để được lựa chọn. "Một cô giáo từng nói rằng em làm tốt mọi thứ nhưng không xuất sắc ở bất kỳ lĩnh vực nào. Câu nói thực sự đúng và là bài học quý giá mà em không bao giờ quên", Nguyên kể.
Với Thảo Nguyên, gia đình là điểm tựa vững chắc giúp em hoàn thành tốt việc học tập. Ảnh: NVCC |
Xác định được điểm yếu đó, Thảo Nguyên rất cân nhắc khi chọn trường. "Việc chọn một số trường trong khoảng 3.000 đại học Mỹ khiến em khủng hoảng. Mặc dù không đặt nặng vấn đề phải vào trường danh giá nhưng em cần nghiên cứu sâu để tìm trường phù hợp với năng lực, nhu cầu học tập của bản thân", Nguyên nói.
Nữ sinh Hà Nội may mắn khi luôn nhận được sự ủng hộ từ gia đình. "Bố mẹ không bao giờ tạo áp lực cho em, không thúc ép phải chọn một đại học danh giá hay bỏ sở thích cá nhân để vùi đầu vào học", Nguyên chia sẻ.
Chị Lại Thị Phúc, chuyên viên trường phổ thông liên cấp Olympia, cho biết Nguyên rất hòa đồng, luôn hăng hái trong mọi hoạt động và là học sinh đứng trong top xuất sắc của trường. Nguyên trúng tuyển và giành nhiều học bổng quốc tế nhất của trường trong năm học này.
Giành học bổng 7 trường của Mỹ nhưng Thảo Nguyên quyết định lựa chọn theo học ngành Kinh doanh (Business) của Đại học British Columbia. Mặc dù không nhận được hỗ trợ tài chính từ đại học này nhưng Nguyên cho rằng em có nhiều cơ hội để thực hiện ước mơ của mình tại đây.
"British Columbia có chương trình cho sinh viên từ một kỳ đến một năm đi làm để tốt nghiệp với sẵn một năm kinh nghiệm; có mạng lưới nhà tuyển dụng tiềm năng trên toàn thế giới và rất nhiều cơ hội đi học trao đổi", Nguyên nói.
Ngoài ngành học trúng tuyển, Nguyên dự định học thêm ngành Giáo dục (Education) để được làm trong lĩnh vực quản lý giáo dục.
Tác giả: Dương Tâm
Nguồn tin: Báo VnExpress