Chuyện xảy ra ở TP. Hà Tĩnh.
Sáng 26/11, toàn bộ các hộ kinh doanh trong đình 2 tầng của chợ đồng loạt đóng quầy nhằm “phản đối việc Ban Quản lý chợ TP. Hà Tĩnh chuẩn bị chấm dứt hợp đồng với tiểu thương để thực hiện xã hội hóa xây dựng chợ”.Các hộ kinh doanh cho rằng, cách đây 15 năm, sau khi cháy chợ, tiểu thương được UBND TP. Hà Tĩnh và Ban Quản ký chợ thời kỳ đó bán quầy hàng cho họ. Thời hạn trả tiền xây dựng trong vòng 15 năm; quyền sở hữu quầy hàng của các hộ kinh doanh là lâu dài. Vì vậy, sau khi hết thời gian trả tiền xây dựng (tháng 11/2016), các quầy hàng, tiểu thương tiếp tục đóng phí, thuế, lệ phí để kinh doanh lâu dài.
Do yêu cầu phải thực hiện xã hội hóa xây dựng chợ, Sở Công Thương đã hướng dẫn Ban Quản lý chợ gia hạn hợp đồng tạm thời với các hộ tiểu thương đã hết hạn đến 31/3/2017. Thế nhưng khi Ban Quản lý chợ phổ biến việc ký gia hạn hợp đồng, tiểu thương đã không nhất trí rồi đóng cửa bãi thương…
Trước tình hình đó, sáng 29/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã đến tận chợ để đối thoại với hơn 1.500 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ TP. Hà Tĩnh.
Bà con tiểu thương muốn ông Chủ tịch giải thích rõ: Có phải tỉnh và TP. Hà Tĩnh đã bán chợ cho tư nhân không? Có phá đình chợ hai tầng không? Những quầy kinh doanh cố định từ trước có được giữ nguyên vị trí lúc đầu không? Những hợp đồng đang còn thời hạn có giá trị nữa không? Sau khi chuyển đổi hợp đồng mới thì được ký trong thời gian bao lâu?
Bà con cũng đề nghị, lộ trình chuyển đổi chợ phải lấy ý kiến của nhân dân; kiểm tra, thanh tra việc cho thuê ốt kinh doanh vượt thiết kế quy hoạch ban đầu…
Ông Đặng Quốc Khánh đã giải thích thấu đáo những kiến nghị, đề xuất và cả băn khoăn, lo lắng của bà con tiểu thương chợ Hà Tĩnh, đồng thời khẳng định: Tỉnh không có chủ trương bán chợ, không phá đình chợ 2 tầng…
Ông Khánh nói: “Ai đó nghe thông tin tỉnh bán chợ đề nghị cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý. Khi công trình đang bảo đảm an toàn thì phá để làm gì? Chúng ta bỏ tiền ra đầu tư được tài sản như thế, được quy hoạch và đang sử dụng tốt thì không có lý do gì phải phá dỡ để làm lại. Bà con cứ yên tâm kinh doanh”; “Chính quyền luôn đảm bảo để các hộ kinh doanh lâu dài; sau khi hết hạn hợp đồng cũ 15 năm, việc tiếp tục ký hợp đồng mới là bắt buộc để tài sản của bà con kinh doanh trong chợ được bảo vệ an toàn”…
Lời khẳng định chắc nịch ấy cùng với thái độ lắng nghe chân thành của ông Đặng Quốc Khánh đã làm cho các tiểu thương chợ Hà Tĩnh tỏ rõ sự hài lòng sau 2 giờ đối thoại.
Khi nỗi lo và những bức xúc được giải tỏa, bà con đã dành cho ông Chủ tịch tỉnh nụ cười và cái ôm thật chặt!
Ngay đầu giờ chiều 29/11, bà con trở lại làm ăn, buôn bán bình thường.
Thế mới thấy người lãnh đạo lo lắng với nỗi lo của nhân dân, quan tâm đến những điều nhỏ nhặt trong đời sống của nhân dân… thì những nụ cười như vậy ngày càng lan tỏa trong đời sống.
Thanh Phương