Nông thôn mới

Nông thôn mới ở Hà Tĩnh: Tháo “nút thắt” quy hoạch, nhìn từ Đức Thọ

Trong lộ trình thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã từng bước xây dựng quy hoạch tổng thể và chi tiết, theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế xã hội gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Từ việc chọn khâu đột phá, đi tiên phong, tạo tiền đề cho đầu tư xây dựng theo từng phân khu, từng vùng, tạo sự đổi thay tích cực, toàn diện cho vùng nông thôn.

Ngay từ những ngày đầu triển khai, BCĐ xây dựng NTM huyện Đức Thọ đã phân công chỉ đạo và nhất quán, căn cứ vào các quy định của tiêu chí quy hoạch, gồm các nội dung: Quy hoạch định hướng phát triển không gian; Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Dịch vụ – thương mại; Quy hoạch phát triển hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường theo tiêu chuẩn; Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, BCĐ của huyện đã bám sát các địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị tư vấn thực hiện nội dung quy hoạch theo yêu cầu đề ra và thông qua thể hiện của đơn vị tư vấn, lồng ghép gắn với tuyên truyền, trưng cầu đồ án quy hoạch để mọi công dân trên địa bàn biết mục đích, nội dung của công tác quy hoạch và tham gia đóng góp ý kiến.

Ông Võ Công Hàm, Trưởng ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: “Để có mô hình NTM mang tính kế thừa và bổ sung, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề quy hoạch được đặt lên hàng đầu, trở thành tiêu chí đầu tiên. Nếu quy hoạch không đi trước một bước và không có chất lượng thì xây dựng nông thôn mới sẽ gặp khó khăn và không đi đến đích, vấn đề quy hoạch nông thôn mới là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong vấn đề xây dựng NTM trên địa bàn”.

Ông Hàm cũng khẳng định, công tác quy hoạch phải khắc phục được tình trạng vừa làm, vừa lập kế hoạch, thiếu tính tổ chức, tổng thể và liên kết giữa các xã, thị trấn. Địa phương phối hợp chặt chẽ với các công ty tư vấn, xây dựng khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, trình độ phát triển để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của từng xã cũng như tổng thể chung của toàn huyện; khắc phục tình trạng quy hoạch chỉ nghiêng về phát triển hạ tầng kinh tế; thiếu tính toàn diện, tổng thể, trọng tâm, trọng điểm, thiếu tính kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Thời gian qua, trên cơ sở quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt, UBND huyện đã có chính sách hỗ trợ 100 tấn xi măng/1km giao thông nội đồng, 50 tấn xi măng/1km giao thông nông thôn, 20 tấn xi măng/1km kênh mương nội đồng. Cho đến nay các xã đã làm được 112km đường giao thông, 25km kênh mương cứng nội đồng. Đồng thời, chỉ đạo các xã đồng loạt ra quân chôn cắm mốc theo quy hoạch, đến nay đã có gần 30.000 cột mốc được cắm cho 20 tuyến đường huyện, 275 tuyến đường trục thôn, 365 tuyến giao thông nội đồng và 2.326 tuyến đường ngõ xóm.

Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh, địa phương đầu tiên về đích xây dựng NTM của tỉnh, cho biết: Để thực hiện tiêu chí quy hoạch, xã dự kiến định hướng phát triển kinh tế, xã hội, cùng đơn vị tư vấn khảo sát thực tế địa bàn, sau đó dự thảo quy hoạch đưa nhân dân thảo luận, bàn bạc góp ý, tổng hợp hoàn thiện trình cấp trên phê duyệt. Có quy hoạch tổng thể, xã mới đầu tư, xây dựng các tiêu chí khác như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, chợ, khu dân cư…

“Quan trọng nhất trong thực hiện quy hoạch chính là ý tưởng mang tính khoa học, có căn cứ, tầm nhìn trong tổng thể, nhưng phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, đặc điểm văn hóa, lịch sử của địa phương đồng thời phù hợp với lòng dân”, ông Dũng khẳng định.

Hạnh Nguyên – Xuân Lý

Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP