Xã hội

Nỗi ân hận và dày vò của người phụ nữ tống tiền nhân tình để đi nuôi tình trẻ

Chỉ vì tiền mà Nguyễn Thị Lành, SN 1973 ở Đông Hưng, Thái Bình chấp nhận cặp với người đàn ông đáng tuổi bố mình. Thế nhưng, như thế vẫn chưa đủ với Lành. Cô ta dựng lên màn kịch bị đánh ghen để đổ tội cho vợ của nhân tình đồng thời dễ bề xin xỏ. Lành không ngờ “mũi tên trúng hai đích” của chị ta lại “phản chủ” để rồi phải nhận lấy bản án 10 năm tù...

Tham thì thâm...

Nước da trắng và cách nói chuyện có duyên, Nguyễn Thị Lành, SN 1973 ở huyện Đông Hưng, Thái Bình cuốn hút người khác ngay từ buổi đầu gặp mặt. Với khả năng ấy, Lành thừa sức để tìm cho mình một mái ấm hạnh phúc, ấy thế mà chị ta lại không làm. Lành thích sống tầm gửi, muốn ăn chơi mà vẫn có tiền tiêu và trưng diện. Hệ quả của lối sống hưởng thụ ấy là Lành cặp kè với một người đàn ông có vợ, đáng tuổi cha mình. Tiền moi được từ người đàn ông này, Lành sử dụng vào việc ăn uống, trưng diện và nuôi nhân tình trẻ. Chính vì thế mà mang tiếng là kiếm được nhiều tiền từ nhân tình già nhưng khi bị bắt, Lành chẳng có tài sản gì ngoài số quần áo mua sắm được.

Theo hồ sơ vụ án, sau một thời gian sống cặp kè với người đàn ông có vợ, Lành biết ông này có nhiều tài sản nên nghĩ ra kịch bản "bẫy tình" để chiếm đoạt tài sản của người tình. Cô ta bàn với nhân tình dựng màn kịch đánh ghen mà chủ mưu là vợ của người đàn ông nọ. Nạn nhân bị đánh ghen sẽ là Lành và để làm điều đó, Lành đã mượn tay một kẻ mới ra tù, nhiều tiền án hơn tiền mặt. Kẻ này sẽ đợi khi người đàn ông kia đến phòng trọ của Lành thì nhảy vào, nhận là người được bà vợ thuê đến, đánh cho Lành một trận sau đó bắt hai kẻ “gian phu, dâm phụ” phải đưa hết tài sản ra.

Kế hoạch đánh ghen được dàn dựng công phu và hoàn hảo đến nỗi người đàn ông nọ đã vô cùng xót xa khi thấy Lành bị đánh. Ông ta không tiếc tiền chi cho Lành để dưỡng thương và bồi bổ nhưng rồi “cái kim trong bọc mãi rồi cũng lòi ra”. Thấy Lành ngày càng đòi hỏi nhiều, hay đi sớm về khuya, lúc về lại sực nức mùi rượu, người đàn ông kia đã sinh nghi, thuê thám tử đi tìm hiểu và phát hiện Lành đang sống cặp kè với một thanh niên trẻ. Nhận ra thanh niên đó chính là kẻ đã có mặt trong lần bị đánh ghen trước đó, người đàn ông này đã cảm thấy sốc thực sự bởi không ngờ cô nhân tình mà ông hết lòng tin tưởng lại táo tợn đến vậy.

Bức xúc vì bị nhân tình qua mặt, moi của mình quá nhiều tiền, người đàn ông kể trên đã làm đơn gửi CQCA. Biết tin, Lành cùng nhân tình vội vàng bỏ trốn nhưng làm sao có thể thoát được khi mà chỉ quen cách sống tiêu tiền do người khác làm ra. Sau một năm sống chui lủi, người đàn bà chỉ quen sống tầm gửi nhưng ăn ở hai lòng này bị bắt và bị kết án 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được ánh mắt tức giận của ông ấy khi chúng tôi gặp nhau lần cuối ở nhà trọ. Ông ấy không mắng chửi tôi, không tạt tai tôi một cái nào nhưng tôi đọc được trong ánh mắt ấy là một sự ghê tởm. Ánh mắt ấy cứ ám ảnh tôi mãi”, Lành kể.

Những ngày trong trại tạm giam, Lành đã nghĩ rất nhiều, lúc nào cũng có cảm giác mọi người nhìn mình với sự dè bỉu, miệt thị.

Phạm nhân Nguyễn Thị Lành mong sau khi ra trại sẽ đi một nơi xa để làm lại cuộc đời.

Gieo nhân nào gặt quả nấy...

Là con gái sinh ra từ đồng lúa nhưng Lành đã bỏ nhà đi từ nhiều năm rồi, thế nên chẳng ai biết Lành làm gì, sống ở đâu cho đến ngày bị bắt. Sợ điều tiếng thị phi nên bố mẹ Lành giấu biệt chuyện phạm tội của con mình. Mỗi khi đi thăm Lành, ông bà lại nói dối là đi thăm họ hàng hoặc đi ăn giỗ ở xa. Nhưng dù có khéo che đậy thì chuyện Lành phạm tội cuối cùng cũng bị người dân trong làng biết chuyện. Một vài phạm nhân là người cùng quê với Lành và thế là qua người thân của họ lên thăm gặp mà cái tin Lành phạm tội cứ thế loang ra trong xã, một thời gian trở thành đề tài để mọi người đàm tiếu, dị nghị. Bố xấu hổ không dám đến nhà ai trò chuyện, mẹ phải nghỉ chợ vì nhục nhã, còn Lành nghe tin về gia đình thì chỉ biết khóc vì ân hận. Hỏi Lành sau bao năm sống cảnh tầm gửi có tích cóp được tí nào không, chị ta lắc đầu cười nhạt. Lành bảo tiền kiếm được từ việc trao đổi thân xác ấy giống như của phù du, có đấy mà lại là hết đấy. Bòn tiền của nhân tình già, Lành đem bao nuôi nhân ngãi trẻ, ăn tiêu vung vít cho đến khi bị bắt mới chợt nhận ra rằng cuối cùng thì chính cô mới là người mất tất cả. Gã nhân tình trẻ cũng vào trại cải tạo, nhưng từ ngày đó đến nay không một lần viết thư cho Lành, mặc kệ cô trăn trở với những lá thư tháng nào cũng gửi cho hắn. Nhắc đến chuyện tình của mình, Lành buồn lắm. Cô tâm sự: “Tôi đã đánh đổi tuổi xuân của mình lấy những điều phù phiếm. Tôi đã đùa cợt với tình cảm của một người tốt tính trong khi lại tin vào những lời thề thốt, yêu đương ngọt ngào của một kẻ chẳng ra gì. Đáng ra tôi phải nhận ra rằng người đó không thực lòng yêu tôi mà chỉ muốn lợi dụng thân xác tôi để hưởng thụ”. Rồi cô cười chua chát bảo kể ra điều đó cũng đúng với mình vì “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Sau những biến cố xảy ra, Lành không trách gì gã nhân tình mà cô hết lòng cung phụng, chỉ thấy thương, thấy xót cho bố mẹ vì cô mà chịu nhiều tai tiếng.

Do ngày ở nhà cũng từng làm thêu ren nên khi vào trại giam, Lành được đưa về đội thêu ren làm việc. Khỏi phải nói tâm trạng của Lành mỗi khi đưa cây kim trên những tấm ga mà cô đoán rằng nó sẽ dành cho những cặp vợ chồng mới cưới. Những khi thêu đôi chim loan phượng, Lành lại chạnh lòng nghĩ đến thân phận mình, nghĩ đến những ngày xưa kia sống hoài phí, vung vít. Cô bảo giá như ngày đó sống đúng như bản chất gái quê của mình, không đua đòi thì giờ này cô đã có một chốn để đi về, vui vẻ.

“Bằng tuổi tôi, người ta đã con cháu đề huề, vậy mà tôi ngoảnh đi ngoảnh lại, tài sản là bản án đằng đẵng ngày về”, Lành bảo. Cô cho biết sau này ra trại sẽ đi một nơi thật xa để sống, để bắt đầu lại cuộc sống của mình. Cô không muốn về quê dù biết nơi đó còn có cha mẹ già yếu cần phải phụng dưỡng, chăm sóc. “Tôi cũng đã nói nguyện vọng của mình cho bố mẹ biết. Bố thì im lặng còn mẹ thì khóc. Chắc là các cụ thương tôi lắm”, Lành kể.

Hỏi Lành nếu được ra trại bây giờ, cô sẽ làm gì, Lành đáp không đắn đo: “Tôi sẽ đi chợ, sẽ buôn bán nhì nhằng rau cỏ cũng được, miễn là lao động thực sự để nuôi sống bản thân”. Nhắc đến chuyện lập gia đình, nữ phạm nhân này lảng tránh. Cô bảo sẽ khó có người đàn ông nào đủ dũng khí và niềm tin để đến với cô, thế nên cô sẽ không dám mong.

Mặc dù Lành nói thế nhưng chúng tôi cảm nhận rằng trong sâu thẳm câu nói nửa vời ấy, người phụ nữ này vẫn mong lắm tìm được cho mình một bến đỗ bình yên. Hẳn là sau những vấp váp, những dập vùi của cuộc sống gấp gáp và thực dụng, Lành đã nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống lương thiện và mong lắm được sống như một người bình thường. Dù Lành có nghĩ thế nào thì chúng tôi vẫn mong cô làm được điều mà đã dự định, đó là đi một nơi thật xa để làm lại cuộc sống của mình...

Tác giả: Nguyễn Vũ – Hạ My

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP