Đích thân đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã hai lần cùng một số lãnh đạo, cán bộ chủ trì của UBND, các sở, ban ngành liên quan của tỉnh gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Hương Bình và làm việc với huyện Hương Khê để tìm giải pháp tháo gỡ tình hình.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình động viên người dân Hương Bình sớm cho con em tiếp tục đến trường để đảm bảo chương trình học tập. Ảnh: Thanh Hoài |
Ông Hoàng Công Lý – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, những năm qua, thực hiện đề án quy hoạch hệ thống trường mầm non và phổ thông của tỉnh đến năm 2020, huyện đã sáp nhập được 24 trường. Tất cả đều suôn sẻ, nhưng đến Hương Bình thì vấp phải “trục trặc”. Điều đáng nói là, sự chống đối chủ trương sáp nhập không phải do nhân dân, mà lại từ chính một số đảng viên, cán bộ địa phương, trong đó, có cả chủ trì xã.
Nhân dân Hương Bình vốn thuần phác và rất coi trọng việc học. Do cấp ủy và chính quyền xã nhiều năm yếu kém, dẫn đến dân mất niềm tin. Thêm vào đó, tại đây có một số đảng viên, cán bộ, trong đó, có người nguyên là lãnh đạo các cơ quan ở huyện, cấp ủy, chính quyền của xã đã nghỉ hưu hoặc bị kỷ luật sa thải, lợi dụng cơ hội, ngấm ngầm xúi giục bà con chống lại chủ trương của cấp trên; gây áp lực đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng.
Thâm thúy hơn, họ áp dụng chiêu độc “nội công, ngoại kích”, lôi kéo cả con em xa quê, trong đó có những người có học hàm, học vị, địa vị cao trong xã hội đang làm việc và sinh sống ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vào cuộc. Do ở xa, không nắm bắt được thông tin một cách chính thống, số người này cũng hùa theo, viết hàng loạt bài đăng lên mạng xã hội phản đối chủ trương sáp nhập trường, làm cho tình hình càng thêm phức tap.
Đặc biệt, ở Hương Bình, chính một số cán bộ, đảng viên lại là những người chủ trương viết đơn phản đối kịch liệt việc sáp nhập trường gửi ra tận trung ương.
Gần đầy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hương Khê đã phải chỉ đạo kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật cách chức 1 ủy viên BCH Đảng bộ xã và đề nghị cấp có thẩm quyền cách chức đối với Phó Chủ tịch HĐND xã. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Hương Bình cũng đã xử lý kỷ luật hình thức khiển trách 6/11 đảng viên có dấu hiệu vi phạm…
Theo Đại tá Bùi Đình Quang – Phó Giám đốc Công an tỉnh, vụ việc xẩy ra ở Hương Bình có nhiều điểm tương đồng với vụ án ở xã Đức Lâm (Đức Thọ). Tuy vậy, ông vẫn mong rằng, “không nên để xảy ra một vụ án hình sự trước khi con em Hương Bình đi học trở lại”.
Vẫn còn 500 HS 3 cấp học ở Hương Bình chưa đến lớp |
Cũng tại hội nghị mới đây họp bàn về vấn đề Hương Bình, ông Nguyễn Văn Tiến – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh khẳng định: Hiện tượng ở Hương Bình cho thấy có biểu hiện vi phạm pháp luật, phá hoại việc thực hiện chủ trương, chính sách KT-XH theo Điều 86 Bộ luật Hình sự. Những việc làm phá hoại tài sản; đe dọa cuộc sống người khác; kích động, lôi kéo, khiếu kiện đông người… là hành vi lợi dụng tự do, dân chủ để làm trái pháp luật. Đây là hành động có tổ chức, có kẻ cầm đầu, chủ mưu rõ ràng, cần phải được nhanh chóng điều tra làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo: Công an tỉnh đưa ngay một tổ cảnh sát điều tra hình sự giúp Hương Khê tìm ra những kẻ cầm đầu; phân loại đối tượng, ai bị lôi kéo kích động, ai bị xúi giục để xử lý đúng người, đúng tội, không để chậm trễ hơn nữa.
Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các tổ công tác của huyện, các đoàn thể quần chúng của xã tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động bà con sớm đưa con em trở lại trường. Những cá nhân cố tình chống lại chủ trương của Nhà nước, xâm phạm tới quyền được học hành của trẻ em, cần phải xử lý nghiêm.
Kết luận chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy tạo được sự đồng tình cao trong cuộc họp và dư luận xã hội. Mong rằng, những người “tay trót nhúng chàm” sớm tỉnh ngộ, quay lại con đường sáng. Đừng để như 21 phụ huynh ở xã Khánh Thành (Yên Thành – Nghệ An) và Đức Lâm (Đức Thọ) do nghe theo kẻ xấu xúi giục, chống lại việc nhập trường, dính vào vòng lao lý.
Chủ trương sáp nhập trường là đúng đắn, không thay đổi
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường học các cấp trong giai đoạn hiện nay là chủ trương đúng nhằm khắc phục tình trạng trường quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi để sàng lọc, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên một cách hợp lý. Từ đó, tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Quốc Anh: Việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường học các cấp trong giai đoạn hiện nay là chủ trương đúng nhằm khắc phục tình trạng trường quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế |
Ông Quốc Anh cho biết thêm, nhờ sự đồng thuận cao của các địa phương, Hà Tĩnh có 187 trường THCS đã sáp nhập thành 144 trường; từ 32 trường mầm non nhập lại thành 16; 71 trường tiểu học, sau sáp nhập còn lại 34. Từ ngày sáp nhập đến nay, các trường nói trên đều vận hành tốt.
Còn theo ông Hoàng Công Lý – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, với Hương Bình, niên khóa 2014-2015, số học sinh THCS là 247 em. Dự báo đến năm 2020, chỉ còn khoảng 200-250 em, không đạt tiêu chuẩn trường THCS quy mô 16 lớp trở lên như quy định. Vì vậy, việc sáp nhập là một xu thế tất yếu.
Với Hương Bình, vấn đề còn lại phải giải quyết là cần có những giải pháp hữu hiệu, tích cực hơn nữa để sớm đưa các em trở lại trường. Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hương Bình, không ai có thể làm thay được.
Trước tiên, Hương Bình phải tiếp tục tuyên truyền, vận động quần chúng quyết liệt, sâu rộng, kiên trì, bài bản; phân công cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để người dân hiểu rõ chủ trương sáp nhập trường là đúng đắn và những việc làm của một số đối tượng trong thời gian vừa qua là vi phạm pháp luật.
Chính quyền địa phương cần tiếp tục khảo sát, xem xét thấu đáo những trường hợp quá khó khăn để hỗ trợ phương tiện và việc ăn ở nội trú cho các em, giúp các em sớm hòa nhập, ổn định với môi trường học tập mới.
Một giải pháp hết sức cần thiết là, ngành Giáo dục tổ chức dạy bù, học bù, ít nhất mỗi tuần 2-3 buổi. Nếu cần, có chính sách hỗ trợ các em học bán trú để theo kịp chương trình toàn khóa.
Hơn ai hết, bà con Hương Bình phải đặt lợi ích của con em mình lên trên hết. Phải làm tất cả những gì cần thiết trên tinh thần trách nhiệm cao nhất để con em đến trường, không thể vì chuyện của người lớn mà ảnh hưởng đến việc học hành của con trẻ.
Khắc Hiển/ Báo Hà Tĩnh