Du lịch

Nhút mít Hương Sơn lọt TOP 100 món ăn đặc sản Việt Nam

Nhút mít là một trong 2 món ăn của Hà Tĩnh được chọn vào TOP món ăn đặc sản Việt Nam.

Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố Quyết định xác lập TOP 100 món ăn đặc sản và TOP 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam (lần thứ V năm 2021 - 2022) trong Hành trình Tìm kiếm quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam.

Trong đó, Hà Tĩnh có 2 món ăn là nhút mít Hương Sơn và mực nháy Vũng Áng được chọn vào TOP món ăn đặc sản Việt Nam; rượu nếp Can Lộc và ram dẻo được chọn vào TOP 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Sự kiện Hà Tĩnh có 2 món ăn và 2 đặc sản quà tặng lọt TOP Kỷ lục Việt Nam cho thấy giá trị văn hóa ẩm thực độc đáo của miền đất này; mở ra cơ hội cho địa phương tiếp tục phát triển sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, thu hút khách du lịch đến tham quan, sử dụng sản phẩm; tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân.

Nhút mít Hương Sơn lọt TOP 100 món ăn đặc sản Việt Nam


Nói về món nhút mít, nếu mâm cơm của người miền Bắc thường xuất hiện cà pháo, dưa cải và mắm tôm, hay mâm cơm của người miền Nam xuất hiện củ kiệu và rau muống ngâm chua thì khi đặt chân đến vùng đất Nghệ An và Hà Tĩnh, bạn sẽ thấy mâm cơm của người dân nơi đây thường xuất hiện dĩa nhút mít.

Có thể nói, nhút mít là đặc sản của người dân miền Trung, nhất là tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Vì hai tỉnh này thường có khí hậu tương đối khắc nghiệt nên bữa ăn của người dân còn bị hạn chế. Vào những thời điểm vụ mùa khó khăn, người dân thường dùng khoai lang để ăn thay cơm, còn nhút mít được chế biến như món ăn mặn vậy.

Ngày xưa nhút mít được xem là thức ăn dự trữ của dân nghèo nhưng nay món ăn này được nâng cấp nghệ thuật chế biến, trở thành một đặc sản ẩm thực.

Nhút mít được xem là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm của người dân Hà Tĩnh.


Nhút được làm chủ yếu vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch. Người Hương Sơn chế biến món nhút từ nguyên liệu chính là mít. Người ta lấy trái mít xanh sắp đến tuổi chín, gọt vỏ, xử lý nhựa rồi dùng dao bén băm, cắt xung quanh. Băm, cắt đến đâu, tách hạt ra đến đó rồi ngâm nguyên liệu vào nước muối pha loãng để giữ màu sắc, hương vị.

Rau mít sau khi sơ chế có màu trắng vàng, trộn với các loại gia vị theo bí quyết gia truyền rồi cho vào hũ, muối như muối dưa. Sau khoảng 1 tuần, sẽ cho thành phẩm.

Nhút dậy mùi thơm mát dịu, vị chua, cay, mặn, ngọt… hấp dẫn. Nhút xào với nước chấm cua đồng là món ăn dân dã. Về Hương Sơn, vào bất cứ quán ăn, nhà hàng nào cũng không thể thiếu các món từ nhút.

Còn nhớ năm 2021 - thời điểm cả nước gồng mình với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, bà con các vùng quê Hương Sơn đã cùng nhau chung tay chế biến món ăn dân dã quê hương, gửi tặng đồng bào miền Nam và các cùng lân cận. Những hũ nhút thắm đượm yêu thương, nghĩa tình ấy đã làm ấm lòng người dân lúc khó khăn, tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch.

Người dân xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn quây quần làm nhút mít "tiếp sức" chống dịch Covid-19. Ảnh: Bích Nhung.


Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) là đơn vị trực thuộc của Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, đồng thời là đơn vị thành viên của Hiệp hội Kỷ lục Thế giới và Liên minh Kỷ lục Thế giới (Worldkings); Vietkings cũng là thành viên sáng lập của Hiệp hội Kỷ lục gia Quốc tế (IWRHA) và là đơn vị được bảo trợ về mặt pháp lý toàn cầu bởi Viện Kỷ lục Thế giới (WRI).

Theo quyết định của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, địa phương và các đơn vị, tổ chức sở hữu TOP có trách nhiệm phối hợp cùng Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu để quảng bá hình ảnh món ăn, đặc sản, giá trị ẩm thực Việt Nam trong và ngoài nước.

Dự kiến, các địa phương sở hữu các món ăn đặc sản, đặc sản quà tặng theo danh sách của Vietkings công bố sẽ được trao chứng nhận TOP tại Hội ngộ TOP Việt Nam, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2022 tại Tp.Hồ Chí Minh.

Tác giả: Bảo Trâm

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP