Cuộc sống

Những "trận chiến" trước màn hình điện thoại giữa cha mẹ và con cái

"Canh cánh" trong lòng nỗi lo khi để trẻ ngồi trước màn hình điện thoại, TV,... nhưng nhiều bậc làm cha, làm mẹ vẫn "nhắm mắt làm ngơ" mà khôngbiết phải làm sao cho đúng.

Để trẻ nhỏ tiếp cận sớm với công nghệ - đúng hay sai?

Ngày Quốc tế Thiếu nhi, chắc hẳn không ít phụ huynh đã chọn để dành tặng cho con em mình những chiếc điện thoại, chiếc máy tính bảng thay vì bộ xếp hình, con búp bê, cái kèn, cái trống hay một món đồ chơi giản dị nào đó.

Có nhiều vấn đề nội hàm để nhận xét rằng điều này là tốt hay xấu, nhưng thực tế cho thấy tại một số gia đình, câu chuyện xung quanh giờ xem TV, thời gian sử dụng iPad, điện thoại,... đã trở thành một "cuộc chiến" thực sự, nơi mà gần như không có hạn mức nào cụ thể.

"Trận chiến" trước màn hình điện thoại

Chị Dung, một gia đình cơ bản với vợ và chồng làm nhà nước cho biết dù "bất đắc dĩ", nhưng lũ trẻ nhỏ nhà chị từ khi mới biết ăn bột, ăn cháo, đã được "dạy dỗ" để ngoan ngoãn trước màn hình TV. Để rồi nếu không được đáp ứng, chúng sẽ không chịu ăn dù chỉ là một thìa cháo.

"Hai vợ chồng không muốn trẻ tiếp xúc TV, điện thoại quá sớm. Nhưng do công việc bận rộn phải đi cả ngày, nên chỉ biết giao con cho bà giúp việc. Khổ nỗi trẻ nhà mình rất quấy khóc khi ăn, và chỉ chịu ngoan nếu được ngồi xem TV. Mà nếu đặt nhiều yêu cầu, "phải thế này phải thế kia", mình sợ bà không thể kham nổi", chị Dung cho biết.

Ảnh minh họa.

Lớn thêm chút nữa, vợ chồng chị Dung lại "ngậm ngùi" để lũ trẻ mình nghịch điện thoại, máy tính bảng, vì chỉ có như vậy, chúng mới "ngừng quấy phá". Để rồi khi càng được tiếp xúc những nhân vật hoạt hình, những nội dung bay nhảy trên màn hình, những đứa trẻ lại càng bị cuốn hút.

Có đúng hay chăng khi nói rằng đây là một "xu thế của công nghệ", khi nhiều gia đình hiện đại ngày nay chứng kiến trẻ nhỏ dù mới 3 tuổi đã nôn nóng được cầm trên tay chiếc iPad; lên đến 7 tuổi thì sẵn sàng xem YouTube cả đêm; 11 tuổi đã biết "vọc", thậm chí tìm hiểu các nội dung "người lớn"; và 14 tuổi đã có tài khoản Facebook, Instagram để chia sẻ với chúng bạn.

Cho dù thế nào, đã là người làm cha, làm mẹ ắt hẳn đều cảm thấy lo lắng không nhỏ mỗi khi nhìn con cái cầm trên tay chiếc điện thoại, không rời mắt khỏi những nội dung, hình ảnh "nhoang nhoáng" trước màn hình. Có người thậm chí cảm thấy có lỗi vì sự "dung túng" quá mức của mình có gây hại cho tương lai của trẻ.

Nhưng nếu cấm đoán, trẻ nhỏ có thể sẽ quấy khóc vì bị "tước đi" thú vui yêu thích. Trẻ lớn hơn có thể hình thành thói quen cãi lời cha mẹ, hay tệ hơn là nói dối, lén lút sử dụng thiết bị khi phụ huynh "khuất mắt trông coi".

Cùng cảnh ngộ, nhưng với tư tưởng thoải mái hơi, chị Minh, trọ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết "mỗi thời một khác", và phụ huynh không thể ngăn cản con cái sử dụng điện thoại, TV, máy tính bảng. "Tôi biết rằng không sớm thì muộn các con sẽ được tiếp cận với công nghệ nếu không phải ở nhà thì khi ra đường, tới lớp, chúng cũng sẽ thấy, được dùng, và làm quen. Vậy nên tốt nhất là hướng cho trẻ và cùng trẻ trải nghiệm những điều mới của cuộc sống", chị Minh nói.

Phụ huynh nên nhìn nhận rằng "mỗi thời một khác", và trẻ em ngày nay đều có xu hướng được sớm tiếp cận với công nghệ hiện đại.

Minh chứng cho sự thay đổi trong xu thế tiếp cận của trẻ, Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) trước đây từng đề nghị thời gian tối đa là 1 tiếng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trước các nội dung "có chất lượng hiển thị cao" từ màn hình TV, điện thoại, hay máy tính bảng. Nhưng sau đó, lại chỉ khuyến khích phụ huynh nên đặt giới hạn nhất quán về thời gian sử dụng phương tiện, đồng thời quy định một khoảng thời gian "rời xa khỏi màn hình", để dành riêng cho sum họp gia đình.

Trên thực tế, nhiều bậc làm cha, làm mẹ cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng mới đây, một nghiên cứu chỉ ra rằng không phải lượng thời gian - mà chính nội dung và điều kiện trình chiếu mới là yếu tố quan trọng - có ảnh hưởng trực tiếp tới con trẻ, dù là một chương trình truyền hình trên sóng TV, hay một ứng dụng, một game giải trí nào đó trên điện thoại.

Khái niệm "dinh dưỡng kỹ thuật số"

Jocelyn Brewer, một nhà tâm lý học chuyên về khái niệm "dinh dưỡng kỹ thuật số" cho rằng những gì chúng ta quan sát trên màn hình cũng tương tự như món ăn trong mỗi chế độ ăn vậy. Hay nói cách khác, nếu như trẻ được quan tâm tới chế độ dinh dưỡng mỗi ngày, thì cũng cần được ưu tiên giám sát dành cho các nội dung trên thiết bị điện tử.

"Chúng tôi biết rằng hiện có rất nhiều gia đình sử dụng TV, điện thoại, để làm dịu đi cảm xúc của trẻ, làm chúng xao nhãng, từ đó bớt quấy phá và có thể ngồi ăn, ngồi chơi một cách "ngoan ngoãn", Brewer nói. "Tuy nhiên, điều này cũng giống như bạn cho chúng kẹo để xoa dịu "cơn bão cảm xúc" vậy. Ý tôi là nó có thể dẫn tới những hệ quả xấu."

Jocelyn Brewer cũng cho rằng điều quan trọng nhất là liệu cha mẹ và con cái có ngồi cùng ngồi chơi, ngồi xem TV và sử dụng thiết bị di động với nhau hay không. "Nếu như phụ huynh có thể - và thực sự là họ nên, ngồi chơi cùng lũ trẻ, thì việc sử dụng điện thoại, máy tính bảng, TV,... sẽ không còn là nỗi lo lớn."

Một nghiên cứu khác hồi tháng 12/2017 của trường Đại học Michigan cũng chỉ ra rằng trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 4-11 tuổi dễ gặp phải những tác động về tâm lý đến từ việc dùng điện thoại, máy tính bảng không đúng cách.

Qua đó, không phải thời gian - mà nội dung và những mối quan hệ của trẻ mới là điều cần được kiểm soát chặt chẽ, nhằm đảm bảo không xảy ra những hành vi đáng lo ngại như mất hứng thú với các hoạt động xã hội, gia đình, đời sống xã hội, kém hoạt bát, giao tiếp, trẻ nói dối, giấu diếm để có nhiều thời gian sử dụng thiết bị.

Phụ huynh nên dành thời gian bên cạnh con cái để cùng trải nghiệm những thiết bị công nghệ thay vì chỉ cấm đoán.

Nói về trẻ em khi sử dụng công nghệ và những xu hướng sử dụng tiêu cực, AAP cho biết không phải tất cả trường hợp đều như vậy.

"Internet và trò chơi điện tử có thể mang đến cảm xúc vui vẻ, mạng xã hội và giao tiếp cho trẻ cơ hội được kết nối và tăng tính sáng tạo", APP cho biết. "Ngày nay, có rất nhiều bằng chứng về lợi ích của việc sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số, làm gia tăng ý tưởng, kiến thức và cơ hội tiếp xúc dành cho trẻ."

Do đó, thay vì "ám ảnh" về thời gian con trẻ sử dụng điện thoại, hay ngồi trước màn hình TV, các bậc cha mẹ nên đảm bảo những nội dung được trình chiếu đảm bảo - phù hợp độ tuổi và an toàn, và tham gia cùng con em mình bất cứ khi nào có thể.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP