Bạn cần biết

Những mẹo nhỏ giúp bạn học tập và làm việc hiệu quả

Quản lý thời gian không chỉ giúp bạn làm việc hiệu quả mà còn tạo nên một thói quen lành mạnh giúp cuộc sống của bạn luôn suôn sẻ và hanh thông.

1. Lên danh sách những việc phải làm

Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng có một sự thật là nhiều người thường gặp phải trường hợp “nước đến chân mới nhảy”, ảnh hưởng đến chất lượng của công việc và điểm số của họ.


Do đó, nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng quản lý thời gian, yêu cầu tiên quyết là bạn phải liệt kê được tất cả những gì bạn phải làm, bao gồm bài tập trên lớp, các hoạt động ngoại khoá và các công việc làm thêm của bạn (nếu có).

Hãy ghi chú bên cạnh những công việc này mức độ ưu tiên cũng như khoảng thời gian bạn dự định sẽ bỏ ra để hoàn thành nó.

2. Lập thời khoá biểu

Sau khi đã có danh sách các công việc phải làm, hãy tìm cho mình một công cụ để lập thời khoá biểu. Bạn có thể ghi chú lên lịch để bàn, sử dụng ứng dụng trên điện thoại, trên máy tính hoặc sử dụng bất cứ thứ gì mà bạn có trong tay, miễn là bằng công cụ đó, bạn lập được một thời khoá biểu rõ ràng, mạch lạc.

Đây sẽ là người dẫn đường cho bạn thấy rõ bạn sẽ phài làm gì và trong khoảng thời gian nào. Một điều bạn cần ghi nhớ: Đừng quên dành thời gian để tái tạo năng lượng và giảm căng thẳng. Ngủ 7-8 tiếng một ngày giúp bạn tỉnh táo và tập trung hơn vào công việc.

Tiết kiệm thời gian giúp bạn làm việc hiệu quả hơn rất nhiều (Ảnh minh họa).

3. Hãy linh hoạt

Thông thường, chúng ta dành ra 8-10 tiếng một ngày cho công việc, học tập, các hoạt động xã hội và những hoạt động khác. Một sinh viên đại học cần phải bỏ ra 35 giờ một tuần cho việc học. Nếu bạn mất 15 giờ một tuần cho việc lên lớp, bạn sẽ phải dành 20 giờ còn lại để học bài ở nhà. Cộng thêm thời gian cho các hoạt động ngoại khoá, công việc làm thêm và các công việc khác, trung bình một ngày bạn mất khoảng 8 – 10 tiếng.

Tuy nhiên, đây chỉ là những con số trên lý thuyết. Trên thực tế, không phải điều gì cũng chính xác tuyệt đối như thế. Vì vậy, hãy dành ra một khoảng thời gian nhỏ đề phòng trường hợp bạn phải tốn thêm thời gian hơn so với dự kiến. Sự linh hoạt, không cứng nhắc sẽ giúp bạn hoàn thành công việc tốt hơn mà không phải chịu quá nhiều áp lực.

4. Tránh xao nhãng khi làm việc

Trong cách quản lý thời gian của mình, sự xao nhãng sẽ là kẻ thù của bạn, bởi chúng lấy mất đi thời gian quý báu mà bạn đã dành cho công việc của mình. Để tránh tình trạng này, hãy suy nghĩ về những địa điểm mà bạn hay lui tới để học bài, và xem thử đâu là nơi khiến bạn tập trung nhiều nhất.

Bạn cũng có thể hỏi ý kiến bạn bè của mình, nhưng hãy thật cẩn thận, không phải cách nào cũng có thể áp dụng được. Lấy ví dụ, một số người thích học bài theo nhóm vì điều đó tạo động lực cho họ, nhưng cũng có người cảm thấy mất tập trung nếu xung quanh mình có quá nhiều người.

5. Tập thể dục sau khi hoàn thành công việc

Đừng xem thường các bài tập thể dục. Chúng sẽ giúp bạn lấy lại sự tập trung, thư giãn đầu óc cũng như gân cốt để tạo năng lượng cho công việc tiếp theo trong thời khoá biểu của mình. Nếu được, sau khi kết thúc một việc nào đó, hãy dành cho mình khoảng 10 phút cho những bài tập thể dục đơn giản.

6. Kiểm tra lại thời khoá biểu của mình

Vì bạn mới bắt đầu tập cách quản lý thời gian qua thời khoá biểu nên chắc chắn sẽ có đôi chỗ sai sót hay thiếu hiệu quả. Vì vậy, hãy thường xuyên nhìn lại quá trình làm việc của mình, đánh giá thời gian cũng như hiệu quả của các hoạt động đã làm và đề ra những phương án khắc phục phù hợp để có một thời khoá biểu khoa học hơn, thích hợp hơn.

Tác giả: Hằng Linh (t/h)

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP