Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội
GS. Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 có nhiều thay đổi như giới hạn số lần dự thi của thí sinh và không hỗ trợ lệ phí thi như năm 2022, số lần dự thi...
Các đợt thi được tổ chức tại 6 tỉnh, thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Tổng số địa điểm thi đặt tại các địa phương là 17, tăng 2 điểm thi so với năm 2022.
Theo kế hoạch, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 8 đợt thi từ 10/3 đến 4/6/2023, các ngày thi chủ yếu vào cuối tuần nhằm thuận tiện cho thí sinh di chuyển. Thí sinh bắt đầu đăng ký từ 6/2 cho các đợt thi tháng 3-4, đến 18/3 đăng ký cho các đợt tháng 5-6.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2023 diễn ra 2 đợt. Đợt 1, thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 1 đến 26/2. Ngày thi diễn ra sau đó 1 tháng (26/3), kết quả được nhà trường dự kiến công bố vào 4/4.
Đợt thi thứ 2 diễn ra vào ngày 28/5. Để chuẩn bị cho đợt thi này, các thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 5 đến 28/4. Kết quả dự kiến công bố ngày 6/6.
Năm nay, trường tổ chức thi ở 17 điểm gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ.
Điểm mới năm nay, hai Đại học Quốc gia TP.HCM và Hà Nội thống nhất công nhận chéo kết quả bài thi đánh giá năng lực của nhau để làm phong phú nguồn tuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh không phải thi nhiều lần.
Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội
Nhắm mở rộng khả năng áp dụng kết quả bài thi Đánh giá tư duy cho các trường đại học, học viện khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghiệp, nông nghiệp, y dược… và phù hợp với chương trình giáo dục hiện hành và phổ thông mới, Đại học Bách khoa Hà Nội điều chỉnh cấu trúc, nội dung bài thi, áp dụng từ năm 2023.
Bài thi được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn, từ thi 270 phút xuống còn 150 phút; xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học từ: Toán + Đọc hiểu + Khoa học tự nhiên + tiếng Anh thành nội dung đánh giá tư duy Toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy giải quyết vấn đề.
Trường sẽ tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính trong thời gian 1 buổi (150 phút), nhiều đợt thi, nhiều địa điểm thi, cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm, không giới hạn đối tượng dự thi, số lần dự thi.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa) |
Kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Theo dự thảo Đề án tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy, Kỳ thi được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức 1 hoặc 2 đợt hàng năm vào cuối tháng 4 và tháng 5.
Đối tượng thí sinh là học sinh lớp 12 THPT hoặc đã tốt nghiệp THPT, có nguyện vọng: Đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường đại học có sử dụng kết quả đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển.
Các môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi gồm các câu hỏi trắc nghiệm, tự luận nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Thí sinh có thể lựa chọn dự thi một số môn thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học hệ chính quy. Thí sinh sẽ thi tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh
Năm 2023, trường tiếp tục tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào tháng 4 và 6. Đồng thời, trường cũng tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt lên tối đa 40% so với tổng chỉ tiêu.
Tùy theo nhu cầu xét tuyển vào các ngành học khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành học. Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức.
Kỳ thi tổ chức 6 bài thi. Cụ thể, bài thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, thời gian làm bài 90 phút/môn với 35 câu trắc nghiệm, 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn. Bài thi Ngữ văn (90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội) và tiếng Anh (180 phút gồm 4 phần: nghe, nói, đọc, viết).
Ngoài các Kỳ thi trên, còn có các kỳ thi năng khiếu các trường khối ngành Mỹ thuật, Âm nhạc, báo chí.
Kỳ thi riêng của ngành Công an
Năm 2023, dự kiến các trường khối ngành Công an tổ chức thi riêng. Bài thi đánh giá gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận. Thí sinh làm bài thi trong 1 buổi và diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến trong tháng 3 hoặc 4, Bộ Công an sẽ công bố chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng trường và bài thi mẫu để thí sinh tham khảo.
Kỳ thi năng khiếu
Kỳ thi năng khiếu được tổ chức riêng ở các trường đại học như: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Xây dựng, Mỹ thuật công nghiệp, Văn hoá Hà Nội, Âm nhạc quốc gia, Kiến trúc TP.HCM, Kiến trúc Đà Nẵng...
Với các trường đại học khối ngành mỹ thuật (khối V00), thí sinh thi vẽ tượng đầu người trên khổ giấy A3, bài thi vẽ bố cục tạo hình. Khối H00, thí sinh thi vẽ người bán thân trên khổ giấy A1 bằng bút chì đen và bài thi Bố cục trang trí màu.
Với các trường khối ngành âm nhạc, thí sinh sẽ tham gia các bài thi về Thẩm âm, Tiết tấu, Xây dựng kịch bản sự kiện... tuỳ vào quy định cụ thể của từng trường.
Tác giả: Việt Hương (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn