Bạn cần biết

Các kỹ năng phòng tránh cướp các tài xế xe ôm cần biết

Chuyên gia tội phạm học cho rằng các tài xế xe ôm cần cảnh giác cao độ khi vào thời điểm chiều, tối hoặc ban đêm, khách không rõ tung tích, đi đến nơi hẻo lánh.

Sau hàng loạt vụ tài xế xe ôm bị cướp sát hại, nhiều người đang hàng ngày kiếm sống từ công việc này cảm thấy bất an, lo lắng. Một số người đặt ra câu hỏi, nếu không may gặp tình huống nguy hiểm như vậy thì phải làm cách nào đảm bảo tính mạng của bản thân?

Làm nghề xe ôm hơn 3 năm, anh Phạm Huỳnh (SN 1991) cho biết, cuộc sống khó khăn, nên anh không ngại đi bất cứ đâ, ngay cả chở đi xa vào ban đêm anh cũng gật đầu đồng ý ngay. Giờ nghĩ lại anh cảm thấy sợ hãi sau vụ nam sinh Grab bị sát hại mới đây. Anh nghĩ bản thân quá may mắn khi chưa gặp phải trường hợp nào như vậy.

"Câu chuyện đáng buồn đó cũng là bài học cho tôi và các bạn trong nghề nên cảnh giác, kiên quyết không chở khách ra ngoại thành, hay đến những địa bàn vắng vẻ vào buổi tối, nhất là ban đêm", anh Huỳnh cho chia sẻ.

Phân tích về vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho biết, qua các vụ án xảy ra thời gian gần đây, kẻ cướp xe ôm chủ yếu là nam giới, có độ tuổi trung bình từ 16 đến 30. Còn nữ giới cũng tham gia các vụ cướp xe ôm, nhưng với vai trò giúp sức, hoặc đóng giả, tạo bẫy…

Những kẻ cướp phần lớn là nghiện ma túy, nghiện game, cờ bạc, cá độ bóng đá, đối tượng tù tha, có tiền án, tiền sự, đang mắc nợ hoặc có nhu cầu về tiền. Chúng thường hoạt động đơn lẻ, hoặc với nhóm nhỏ (từ 2 đến 3 tên).

Cũng như tội phạm có tính chất chiếm đoạt, những tên cướp xe ôm luôn mong muốn chiếm đoạt được tài sản, càng nhiều càng tốt để thỏa mãn nhu cầu vật chất; thực hiện hành động cướp xe một cách quyết liệt, tàn bạo, bất chấp tính mạng con người, miễn là cướp được tài sản.

Trong nhiều vụ, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng được thể hiện rõ bằng hành động giết người tàn bạo, như đâm vài chục nhát dao vào người nạn nhân, đập nát đầu… Động cơ tàn bạo là nhằm xóa dấu vết tội phạm. Điều này xuất phát từ tâm lý lo sợ bị phát hiện, bị bắt.

Theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, để phòng ngừa cướp xe ôm, tài xế không nên chở quá số người quy định, vào thời gian quá khuya, hoặc điểm đến là những nơi vắng người. Đồng thời, cần cảnh giác cao độ khi vào thời điểm chiều, tối hoặc ban đêm...

Các tài xế cũng cần cảnh giác với những khách không rõ tung tích, lai lịch, đến thuê chở về các địa điểm xa, như ở khu vực ngoại thành, ở tỉnh ngoài, các địa bàn mà tài xế không thông thạo, hoặc biết rõ tại nơi đó hẻo lánh, vắng người qua lại.

Trong những tình huống nói trên, tài xế nhất thiết làm các động tác như sau: Gọi bạn xe ôm đến chứng kiến việc thỏa thuận, nói rõ cung đường, điểm đến, xin lỗi khách vì lý do an toàn đề nghị cho kiểm tra hoặc trả tiền trước, cho xem giấy tờ tùy thân, người bạn chứng kiến dùng điện thoại di động chụp người khách hay giấy CMND của họ.

Thậm chí, có thể khéo léo hoặc lấy lý do đùa cợt để vuốt qua vùng bụng của khách xem có dắt dao và các hung khí khác hay không. Nếu cảm thấy chưa yên tâm thì rủ người bạn lái xe đi cùng mình (chấp nhận trả một phần tiền).

Nếu không có bạn gần đó, thì vẫn làm các động tác trên, rồi chụp ảnh, gọi điện cho người thân, nói rõ lộ trình đi, gửi ảnh khách cho họ qua điện thoại…

Những biện pháp này có tác dụng dập tắt ý định phạm tội của tên cướp từ "trứng nước". Vì kẻ cướp biết nếu gây án sẽ bị phát hiện do có nhân chứng, có ảnh…Thường thì tên cướp sẽ tìm cớ để bỏ đi ngay. Còn với người khách thực sự, các động tác kiểm tra nói trên sẽ không làm họ khó chịu và sẵn sàng hợp tác.

Trên đường đi, người lái xe cần ý thức rằng mình có thể đang gặp nguy hiểm, để cảnh giác đề phòng. Cần đi nhanh qua những cung đường, địa điểm vắng vẻ như đồng ruộng, nghĩa địa, đồi núi…, không chấp nhận yêu cầu dừng lại hoặc đi chậm lại của khách.

Khi đang lái xe cần lắng nghe các cuộc điện thoại và chú ý đến cách ăn, nói trả lời điện thoại của khách… để có cơ sở đánh giá về con người cùng đi với mình. Có thể bắt chuyện, hỏi nhiều về công việc, địa chỉ, gia đình, nghề nghiệp của khách. Vận dụng vốn sống cá nhân và các câu hỏi thăm dò… để đánh giá thông tin mà khách đưa ra có đáng tin cậy hay không.

Tranh thủ những lúc dừng lại, người lái xe nên gọi điện cho người thân, bạn bè, thông báo vị trí của mình và mô tả người khách đang chở. Dọc đường, người lái xe nên chú ý quan sát người khách qua gương chiếu hậu.

Nếu phát hiện thấy khách có những biểu hiện nghi vấn (như vẻ mặt bồn chồn, nháo nhác quan sát xung quanh, hay nhìn chằm chằm vào mình, thái độ như đang toan tính…), hoặc yêu cầu chở theo lộ trình vòng vèo, hoặc chỉ dẫn đi vào những đoạn đường quá xấu và linh cảm có nguy hiểm, hay liên tục yêu cầu chở đến các địa điểm mới không theo thỏa thuận ban đầu, thì tài xế cần chủ động dừng lại ngay ở địa điểm cảm thấy an toàn, hoặc quay lại chỗ có đông người, hoặc rẽ vào trụ sở các cơ quan công an, ủy ban, nếu không có thì rẽ vào hàng quán bên đường…

Hình ảnh trong vụ tài xế Grab bị sát hại vào ngày 26/9, ở Hà Nội.

Lấy lý do hợp lý như đau bụng, hỏi đường, ăn tối… để cùng khách vào quán. Tìa xế có thể hỏi thẳng đối tượng về đường đi, đích đến, rồi hỏi người dân tại chỗ về các địa danh này để đối chiếu, xác minh. Tài xế cần cho nhiều người biết việc đang chở người khách đó. Điều này sẽ khiến đối tượng từ bỏ ý định gây án, vì tâm lý của chúng nếu biết lái xe đã cảnh giác và có nhiều người biết sự việc, sẽ không dám ra tay.

Nếu khách liên tục yêu cầu chở đến các địa điểm mới không theo thỏa thuận ban đầu mà trời tối thì kiên quyết không chở nữa, cho dù khách có hứa sẽ trả tiền cao đến mấy. Trên đường đi, không chấp nhận đón thêm người lên ngang đường cùng với khách, cho dù đó là nữ giới.

Tài xế không ăn uống bất cứ vật gì khách mời, không tham gia bất cứ hoạt động nào của khách (như đánh bạc, xóc đĩa). Nếu xảy ra va chạm trên đường, cố gắng chạy tới nơi có đông người, khóa cổ xe trước khi xuống giải quyết. Cần cảnh giác cao độ khi dừng xe theo yêu cầu của khách.

Tài xế chỉ đi chậm và dừng lại ở nơi cảm thấy an toàn, có nhiều người qua lại. Khi nhận tiền hay móc tiền trả lại, luôn đứng ngoài tầm tay đối tượng, hoặc đứng cách qua chiếc xe. Không quay lưng lại phía khách khi đã xuống xe, lúc móc tiền trả lại nhưng mắt phải luôn để ý đến những biểu hiện của khách.

Người lái xe cũng nên mang theo vật phòng thân như côn nhị khúc, gậy gỗ, tuýp nước ngắn… (ngụy trang dắt dưới bửng xe hoặc trong người). Luôn mang theo chìa khóa phụ của xe máy.

Tác giả: Tùng Lâm

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP