Vợ, con ông Trần Bắc Hà (SN 1956, quê gốc ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV) từng sở hữu những tài sản và dự án trị giá hàng ngàn tỷ đồng tại Bình Định, quê hương của ông.
Khu đất K200 đang rào tôn, bỏ trống và vừa được UBND tỉnh Bình Định thu hồi. |
Nắm giữ những “siêu dự án”
Một trong những tài sản lớn từng thuộc sở hữu của gia đình ông Trần Bắc Hà là khu Resort Hoàng Gia Quy Nhơn (Royal Hotel & Healthcare Resort Quy Nhon). Đây là khu resort 4 sao tọa lạc trên khu đất có diện tích hàng chục ngàn mét vuông, nằm sát và dọc theo khoảng 500m bờ biển trung tâm TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), nơi có giá thị trường hàng trăm triệu đồng/m2.
Resort này trước kia thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, sau đó được chuyển nhượng qua lại và cuối cùng thuộc về Công ty Cổ phần Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn (gọi tắt là Cty Đất Xanh), do vợ ông Hà là bà Ngô Kim Lan làm chủ sở hữu. Cty này được cấp phép hoạt động từ tháng 10/2009.
Bên cạnh đó, gia đình ông Hà còn sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú (gọi tắt là Cty An Phú) do con trai ông là Trần Duy Tùng sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT từ năm 2009, với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng (gọi tắt là Cty Thiên Hưng) thành lập năm 2014, do con gái ông là Trần Lan Phương đứng tên, với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp này đều có trụ sở tại 01 Hàn Mặc Tử (phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn), trùng với địa chỉ của khu Resort Hoàng Gia Quy Nhơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuối năm 2017, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho liên danh Cty Thiên Hưng, Cty An Phú và một doanh nghiệp khác thực hiện dự án Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng, trên diện tích đất khoảng 10.840m2 tại khu đất K200 thuộc khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía tây đường An Dương Vương (phường Nguyễn Văn Cừ, TP.Quy Nhơn).
Được biết, trước đây khu đất K200 từng là Bệnh xá K200, vốn là đất quốc phòng, do Bộ Tư lệnh Quân khu V quản lý.
Tháng 10/2016, theo quyết định của UBND tỉnh Bình Định, khu đất K200 là một trong số 9 khu đất được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất dịch vụ du lịch, tạo tiền đề quan trọng cho dự án Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng ra đời.
Khu phức hợp này có tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, với mục tiêu xây dựng khu tổ hợp thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp và khách sạn với quy mô gồm 2 tòa tháp cao 39 tầng, tổng số phòng là 576. Trong đó, 274 căn hộ cao cấp để bán hoặc cho thuê, 302 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, spa... là một trong những điểm nhấn trong việc quảng bá, phát triển du lịch của tỉnh Bình Định.
Giữa năm 2016, Cty An Phú được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị thương mại An Phú tại phường Quang Trung (TP.Quy Nhơn) với tổng vốn đầu tư 298 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà ở hiện đại, cao cấp để bán, chuyển nhượng kết cấu hạ tầng, đất thương mại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, thương mại dịch vụ, tạo điểm nhấn về quy hoạch - không gian kiến trúc khu vực phía nam TP.Quy Nhơn. Khu đô thị có tổng diện tích quy hoạch rộng hơn 36.568m2, trong đó, tổng diện tích đất ở gần 13.643m2.
Tiến độ dự án được chia ra 3 giai đoạn. Cụ thể, từ khi triển khai đến hết năm 2016, nhà đầu tư sẽ hoàn tất thi công hạ tầng kỹ thuật; từ năm 2017 - 2018, hoàn tất xây dựng nhà ở biệt thự và nhà ở liên kế; từ năm 2018 - 2020, đầu tư xây dựng chung cư.
Hiện dự án này vẫn đang triển khai. Tại Cảng Quy Nhơn, sau giai đoạn cổ phần hóa, ông Trần Duy Tùng cũng từng là cái tên được nhắc đến nhiều tại đây với vai trò thành viên HĐQT. Theo đó, tháng 7/2016, ông Tùng là thành viên HĐQT tạm thời, thay một trường hợp vừa có đơn từ nhiệm. Đến tháng 7/2017, ông Tùng trở thành thành viên HĐQT của Cty Cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Năm 2009, khi đang giữ chức Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà cũng triển khai xây dựng dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong tại xã Cát Tiến (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) với số vốn 500 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai xây dựng dự án đều do những người trong gia đình ông Hà điều hành.
Rút khỏi vị trí quan trọng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày 27/12/2017, bà Ngô Kim Lan không còn là người đại diện pháp luật của Cty Đất Xanh, mà thay vào đó là bà Ngô Thị Kim Oanh, em ruột bà Lan. Cuối năm 2017, Cty Đất Xanh liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý sai phạm liên quan đến việc xây dựng công trình không phép.
Doanh nghiệp dưới thời bà Lan làm đại diện đã nộp phạt hành chính. Theo tiến độ đăng ký triển khai, dự án Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng sẽ hoàn thành vào quý III năm 2018. Tuy nhiên, đến giữa năm 2018, dự án này cũng chỉ là những khối bê tông loang lổ, nằm trơ trọi trên một bãi đất trống để cây cối bủa vây.
Do vậy, tháng 7/2018, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án này với lý do chủ đầu tư không chịu triển khai như đúng cam kết. Đến tháng 8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có quyết định ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án tại khu đất K200.
Tháng 11/2017, ông Trần Duy Tùng có đơn Cty Cổ phần Cảng Quy Nhơn để xin từ chức vụ thành viên HĐQT của doanh nghiệp này. Căn cứ đơn từ chức của ông Tùng, giám đốc Cty này đã công văn công bố thông tin tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ông Tùng không còn tư cách thành viên HĐQT Cty này kể từ ngày 1/10 vừa qua.
Hiện vẫn chưa rõ ông Trần Duy Tùng đang làm gì, ở đâu. Tuy nhiên, vụ bê bối cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn vẫn đang có những diễn biến rất đáng chú ý. Cụ thể, tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc cổ phần hóa, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử nghiêm cá nhân, tập thể sai phạm và chỉ đạo thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước.
Mới đây, ngày 21/11, khi chủ trì hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lấy ví dụ về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn để nói về bất cập trong công tác điều hành, tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thời gian qua.
“Vừa rồi có một số đơn vị sau khi cổ phần hóa phải thu hồi lại như Hãng phim truyện Việt Nam, Cảng Quy Nhơn… Những cái này làm sai quá trời. Cảng Quy Nhơn rất lớn mà bán rẻ như cho không, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Cái này phải xử lý nghiêm để lập lại kỷ cương, lập lại trật tự, không để thất thoát tài sản Nhà nước thông qua cổ phần hóa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Được biết, trong một kết luận cuối tháng 5/2018, ông Trần Bắc Hà bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có những vi phạm rất nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Cuối tháng 6/2018, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật khai trừ Đảng với ông Hà do làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và BIDV, gây bức xúc trong xã hội.
Ngày 29/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thực hiện tống đạt các quyết định và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với 4 bị can, gồm: Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), Trần Lục Lang (nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh) và Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh).
Các bị can bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan chức năng áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can Hà, Lang và Hòa; áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Anh.
Tác giả: Nhuận Oanh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Plus