Giáo dục

Những điểm xám của nền giáo dục

Trong những điểm xám của ngành giáo dục năm 2018 có dấu ấn từ phía những người thầy…

Một giáo viên ở Gia Lai vừa bị bắt về hành vi dâm ô, nạn nhân là em học sinh lớp 8. Trước đó, hiệu trưởng một trường tại Phú Thọ cũng bị khởi tố vì liên quan tới việc lạm dụng một loạt học sinh nam...

Như vậy, ngoài những điều không hay ho ở cấp độ quản lý như chuyện tổ chức thi, chuyện điểm thi, chuyện chạy trường, chạy việc trong ngành sư phạm, bạo lực học đường… thì những điểm xám của nền giáo dục lại có thêm dấu ấn từ phía những người trực tiếp tương tác với học sinh.

Nhiều phụ huynh vì những thông tin đó mà liên tưởng rồi lo lắng con em mình có thể đối diện khả năng tương tự. Những người chưa hài lòng với nền giáo dục nước nhà lại có thêm lý do để cảm thấy nền giáo dục ấy đang thực sự có vấn đề.

Đánh giá một cách tỉnh táo thì hai chuyện xảy ra tại Gia Lai, Phú Thọ chỉ là cá biệt, chưa nổi lên như một nguy cơ. Song dù cá biệt nhưng nó khiến xã hội rúng động bởi rất khó chấp nhận những hành vi ấy xuất hiện trong môi trường giáo dục với những tâm hồn trong sáng, vô tư.

Và nếu không có cách tận trừ những mầm mống làm nên những “yêu râu xanh” trên thì rất có thể sự đi xuống của đạo đức trong hàng ngũ giáo viên sẽ không dừng ở con số thống kê rất đáng xấu hổ trên.

Những mầm mống tiêu cực ấy có đất sống, theo tôi vì nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến việc lý tưởng nghề sư phạm “giáo viên như người đưa đò, chăm chút những măng non cho đất nước” đang bị một bộ phận trong ngành coi như sáo ngữ, mòn vẹt và trống rỗng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy chuẩn ứng xử giữa giáo viên-học sinh không được đề cao; việc thực hiện các mô hình tương tác thầy-trò chưa có đáp án tối ưu…

Ngoài ra, việc nhiều năm gần đây xuất hiện tình trạng những phụ huynh quá cầu toàn, vì muốn con em có được sự tiếp cận tri thức hiệu quả nhất mà có tâm lý nghe ngóng, dò la các trường chất lượng… để xin xỏ. Mà có xin thì sẽ có ban ơn, dẫn tới hệ lụy không mong muốn là cha mẹ lẫn học sinh dễ có tâm lý tự đặt mình vào hoàn cảnh con tin.

Mối quan hệ giữa người làm giáo dục và người tiếp nhận giáo dục rạn nứt là nguồn cơn gây nên một loạt sự việc giáo viên phạt học sinh, học trò tấn công lại thầy… tại nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước nhiều năm nay. Chuyện hai người trong ngành sư phạm Phú Thọ, Đắk Lắk bị khởi tố nằm trong cái diễn tiến buồn đó, ở một cấp độ tối tăm không kém.

Để triệt tiêu những tiêu cực trong ngành giáo dục, xây dựng hình ảnh trong sáng, cao cả vốn có của người giáo viên thì ngoài sự tự thân vận động, siết kỷ luật trong ngành còn rất cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có thái độ ứng xử với nghề của chính phụ huynh. Giải pháp này không mới nhưng để cụ thể hóa nó rồi áp dụng triệt để như một nguyên tắc bất biến là điều luôn mang tính thời sự…

Năm mới 2019 ai ai cũng kỳ vọng đón nhận những điều mới tốt đẹp, trong đó đương nhiên có vấn đề đạo đức của giáo viên.

Tác giả: Anh Tuấn

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

  Từ khóa: điểm xám , nền giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP