Di tích - Thắng cảnh

Những điểm tham quan hấp dẫn du khách tại Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là một tỉnh ở dải đất miền Trung, nằm trong vùng du lịch Bắc Trung bộ, phía bắc giáp Nghệ An, phía nam giáp Quảng Bình, phía tây giáp Lào. Hà Tĩnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh, quê hương của nhiều bậc danh nhân. Dưới đây là danh sách tổng hợp các điểm thăm quan nên ghé thăm khi đi du lịch Hà Tĩnh

1. NHỮNG NGÔI CHÙA ĐẸP TẠI HÀ TĨNH

Chùa Hương Tích
Chùa Hương Tích nằm trên ngọn Hương Tích trong núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Chùa Hương Tích được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, gắn với tích Công chúa Diệu Thiện tu hành hoá Phật.


Ở trên độ cao gần 800m so với mực nước biển, quanh năm ngôi chùa cổ này được phủ che bởi mây khói núi Hồng và lớp lớp huyền thoại về Chúa Ba – đức Phật cứu nhân độ thế. Trên đường đến với Hương Tích, du khách được đắm mình giữa cảnh sắc non xanh nước biếc, sơn thuỷ hữu tình của non xanh Hồng Lĩnh, thưởng ngoạn dòng nước thơm Hương Tuyền, khám phá nền lâu đài cổ Trang Vương.
Hội chùa Hương Tích vào ngày 18/2 âm lịch, thu hút khách thập phương trong Nam ngoài Bắc về đông đúc, kéo dài suốt cả chục ngày liền.

Chùa Chân Tiên
Chân Tiên – ngôi chùa cổ được lập từ đời Trần, tọa lạc trên núi Tiên An, thuộc địa phận xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, là một trong 99 đỉnh của dãy Ngàn Hống. Chùa gồm có 2 toà thờ Phật Tổ và thờ Thánh Mẫu. Trong chùa có 13 pho tượng Phật, 2 con hạc sứ, kiệu thờ và nhiều đồ thờ, hoành phi câu đối.


Nơi đây còn có quần thể tự nhiên đầy sức quyến rũ: Giếng Tiên, Bàu Tiên, Động Trúc, Động Mai, Động Thạch Thất; Đá Ông, Đá Bà, và dấu Chân Tiên. Giữa núi Tiên An có một khối đá bằng phẳng, trên mặt đá in hình dấu bàn chân phải của người khổng lồ, người đời gọi đó là Bàn Chân Tiên. Cạnh đá Chân Tiên có một mặt đá phẳng, trên mặt đá có đường kẻ ngang kẻ dọc gần như ô bàn cờ người đời gọi là Bàn Cờ Tiên.
Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Lễ hội chùa Chân Tiên hàng năm được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, được đông đảo nhân dân trong vùng và các tỉnh bạn về tham gia hội lễ

Chùa Am
Chùa Am (Diên Quang Tự) toạ lạc tại núi Am, xã Đức Hoà, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là danh lam thắng tích nổi tiếng linh thiêng. Chùa do Hoàng hậu Bạch Ngọc, vợ Hoàng đế Trần Duệ Tông xây dựng vào đầu thế kỷ XV, hiện vẫn còn lưu giữ được kiến trúc xưa với các toà nhà bố trí theo hình chữ công, 7 tháp mộ của các nhà sư trụ trì.

Xung quanh là rừng thông xanh bạt ngàn và một cái hồ lớn nước quanh năm trong vắt, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình.

2. CÁC BÃI BIỂN ĐẸP TẠI HÀ TĨNH

Bãi biển Xuân Thành

Cách cửa Hội khoảng 5km về phía Nam là bãi biển Xuân Thành (huyện Nghi Xuân). Bãi biển Xuân Thành kéo dài hơn 5km. Nước biển ở đây có độ mặn vừa phải, bãi rất thoải, có thể lội bộ ra xa ngót trăm mét. Dọc bãi biển là con sông nước ngọt Mỹ Dương từ núi Hồng Lĩnh chảy về. Sông không sâu nhưng nước không bao giờ cạn. Vượt cầu tre qua sông là dải rừng rộng 50m, qua dải rừng là biển. Suốt một chiều dài mấy cây số, biển cứ vờn cát trắng, sông cứ chạy theo rừng, tạo nên một không gian thật thơ mộng…


Thật thú vị sau mỗi lần ngâm mình trong biển cả lại ngồi ngắm đảo Ngư, đảo Mắt, nhâm nhi thưởng thức những đặc sản biển… Với hệ thống dịch vụ ngày càng được mở rộng, Xuân Thành đang trở thành một địa chỉ hấp dẫn. Đến với Xuân Thành, bạn không chỉ về với biển mà như trở về với một vùng văn hoá đặc sắc.

Biển Thiên Cầm
Bãi biển Thiên Cầm như hình cánh cung trải dài gần 3km bắt đầu từ núi Thiên Cầm đến núi Đầu Voi, cùng với Cùm Nậy (núi lớn) và Cùm Con (núi bé) tạo nên những phím đàn trời án ngự dòng suối Kỳ La, để dòng suối trong vắt này uốn lượn rồi đổ ra biển.


Bờ cát trắng chạy dài thoai thoải hàng trăm mét ra biển, nước biển trong vắt và âm vang đàn trời đã làm nên sự hấp dẫn của vùng biển này.
Tục truyền xưa, vua Hùng trên đường xuống phương nam, đến đây nghe tiếng sóng vỗ vào hang núi vọng ra âm thanh như tiếng đàn bay lơ lửng trong không gian nên nhà vua đặt tên núi là Thiên Cầm (đàn trời). bien-thien-camBiển Thiên Cầm là một vùng thiên nhiên hoang sơ. Nơi đây chỉ có tiếng sóng dội vào hang núi khiến những chuông đá, khánh đá vọng vang trở thành khúc nhạc muôn điệu như những tiếng đàn trời có tự ngàn xưa.

3. CÁC KHU DU LỊCH SINH THÁI NỔI TIẾNG

Khu du lịch sinh thái hồ Trại Tiểu
Từ Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh), theo đường 15A đi về hướng Nam gần 3km là đến Khu du lịch sinh thái Trại Tiểu. Với diện tích 21km2 và sức chứa tới 15,6 triệu m3 nước, Trại Tiểu không chỉ là công trình thuỷ lợi quan trọng mà còn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.


Đến với khu du lịch sinh thái Trại Tiểu, du khách bắt gặp một không gian lãng mạn của bóng núi mây vờn in hình giữa biển nước bao la, được hưởng bầu không khí hết sức trong lành và tinh khiết. Những dãy núi dài lấp ló trong mây, tựa như những nàng thiếu nữ đang nằm xoã tóc, dưới chân núi là mặt hồ êm ru sóng gợn.
Hệ thống nhà nghỉ sinh thái dọc triền núi và nhà nghỉ thuỷ tạ khép kín ven lòng hồ sẽ níu bước chân bạn nghỉ qua đêm để có những phút giây lắng đọng hồn mình với những cõi riêng tư trong một không gian tĩnh lặng và lãng mạn, được thưởng thức dịch vụ tắm trăng, câu cá trên lòng hồ huyền ảo.

Khu du lịch sinh thái Sơn Kim
Khu du lịch sinh thái Sơn Kim thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nằm phía Tây quốc lộ 8, gần cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Khu du lịch được hình thành trên khuôn viên của suối nước khoáng nóng Nước Sốt.


Trải rộng trên diện tích 300 ha, khu du lịch là tổng hoà các cảnh quan tươi đẹp, sơn thuỷ hữu tình. Trên là những dãy núi rừng cao trùng điệp với nhiều loại cây, thú quý hiếm. Dưới là dòng suối trong xanh với nhiều bãi đá, bãi cát tự nhiên. Vào sâu trong khu du lịch khoảng 500m, bạn sẽ gặp thác Cá Nhảy với nhiều sự tích dân gian, thác nước Tiên Nữ dội thẳng đứng từ trên cao tung bọt trắng xoá bên cạnh những tảng đá tự nhiên mang hình dáng các con vật ở nhiều tư thế khác nhau. Đặc biệt dưới lòng đất là nguồn nước khoáng nóng phù hợp cho việc giải khát, dưỡng bệnh và chữa bệnh. Du khách có thể ngâm mình trong nước khoáng nóng để thư giãn và dưỡng bệnh.
Trong khuôn viên khu du lịch còn có những nhà sàn bên sườn núi để giúp bạn tìm những giây phút nghỉ ngơi thoải mái và yên tĩnh. Nhà hàng trung tâm với các món ăn mang đậm nét đặc trưng của núi rừng sẽ làm chuyến đi của bạn sẽ càng ý nghĩa và thú vị hơn. Ngoài ra, tại đây còn có khách sạn cao cấp, hồ bơi, khu câu cá giải trí và nhiều loại hình dịch vụ khác.

4. CÁC KHU DI TÍCH

Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du

Từ thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XIX, họ Nguyễn Tiên Điền với nhiều người đỗ đạt cao, tài năng xuất chúng như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Du, Nguyễn Nễ, Nguyễn Hành…đã trở thành một vọng tộc hàng đầu ở đất Hồng Lam. Riêng Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều và các sáng tác khác bằng chữ Nôm, chữ Hán đã trở thành Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới.

Quần thể khu lưu niệm Nguyễn Du và họ Nguyễn Tiên Điền đã được xếp hạng di tích Quốc gia từ năm 1962 và qua nhiều lần tôn tạo đã trở thành một điểm đến quan trọng của du khách trong và ngoài nước.
Khu văn hoá du lịch Nguyễn Du là hạt nhân của tuyến tham quan du lịch gắn với bãi biển Xuân Thành, làng hát ca trù Cổ Đạm, đình cổ Hội Thống, danh thắng Núi Hồng – Sông Lam.

Khu di tích Nguyễn Công Trứ
Nguyễn Công Trứ sinh năm Mậu Tuất (1778), quê ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông làm quan dưới triều Nguyễn với chức Doanh điền sứ, có công khai mở hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải và hai tổng Hoành Thu, Ninh Nhất. Tuy nhiên đường quan lộ của ông khá lận đận, nhiều lần thăng rồi giáng chức. Ông về hưu năm 1847, dưới triều Tự Đức, khi đang làm phủ doãn phủ Thừa Thiên. Ngoài sự nghiệp chính trị, Nguyễn Công Trứ còn sáng tác văn thơ thể hiện phong thái, khí chất của một bậc nam nhi đứng trong trời đất.
Khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ gồm có mộ và nhà thờ. Mộ an táng tại làng Uy Viễn, nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh. Lúc đầu, phần mộ đắp bằng đất, cao chừng 1,5m. Năm 1911 xây mộ bằng gạch tàu có hình chữ nhật, dài 2m2, cao 1m2 phía trên mái vát, nằm trong khu đất hơn 1800m2, trồng tre đằng ngà, phi lao, xoan.

5. NÚI HỒNG LĨNH

Núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là ngọn núi có 99 ngọn, từng được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam khi xưa. Và đây là một trong số ít danh thắng được khắc vào Bách khoa thư cửu đỉnh ở Huế.

Ngày nay, núi Hồng Lĩnh vẫn đứng đó sừng sững với thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và mang trong mình di tích, danh thắng. Trên núi Lĩnh có tới hàng trăm đền, chùa, miếu. Trong đó nổi tiếng và cổ kính là chùa Hương Tích hay chùa Chân Tiên, nơi vẫn còn dấu chân người và chân ngựa trên tảng đá (gắn với truyền thuyết Tiên giáng trần).
Cùng với sông Lam, núi Hồng Lĩnh được xem là biểu trưng cho tỉnh Hà Tĩnh.

6. VƯỜN QUỐC GIA VŨ QUANG

Vườn Quốc gia Vũ Quang có tới 76% diện tích rừng tự nhiên với hai kiểu chính: rừng kín thường xanh á nhiệt đới chiếm 20% với hai loại thực vật ưu thế là pơmu và hoàng đàn; rừng kín thường xanh nhiệt đới với các loại thực vật bậc cao như: cẩm lai, lát hoa, lim, dổi, trầm hương… và nhiều cây dược liệu quý.


Động vật ở đây rất phong phú, theo thống kê có tới 60 loài thú, 187 loài chim, 38 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư và 56 loài cá; trong đó có 26 loài thú, hơn 10 loài chim, 16 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn có 36 loài phụ thú đặc hữu của khu rừng Trường Sơn Bắc như: voọc vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh, vượn má vàng… Đặc biệt, tại đây đã phát hiện được hai loài thú lớn mới là sao la, còn gọi là dê rừng dài (năm 1992) và mang lớn (năm 1993).

7. ĐÈO NGANG

Theo Quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam, đi hết địa phận Hà Tĩnh, ta sẽ gặp con đèo chắn ngang, uốn lượn quanh co dài 3km, đó chính là đèo Ngang, ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.


Đèo Ngang cao 256m so với mực nước biển. Với người xưa, đây là vùng đất hiểm yếu, từng được mệnh danh là “bức tường thành”, là “phên dậu” phía Nam của nước Đại Việt. Ngày nay, trên đỉnh đèo Ngang, cửa quan lớn mang tên “Hoành Sơn quan” (xây dựng dưới triều vua Minh Mạng) vẫn còn nguyên vẹn cùng hai bức tường đá lớn chạy theo hai hướng: Vào núi và xuống biển. Nhiều bài thơ của các thi sĩ xưa vịnh cảnh đèo có lẽ cũng được lấy cảm hứng từ cảnh sắc biển trời, sông núi nơi đây. Trong số đó, nổi tiếng nhất là bài “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.
Không chỉ có cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình, đèo Ngang còn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành các miền khí hậu ở nước ta. So với đèo Hải Vân và một số đèo khác, đèo Ngang thua kém về cảnh quan và mức độ hiểm trở, nhưng hơn hẳn về vẻ thơ mộng. Chính vì vậy, trong chuyến hành trình của nhiều người, đèo Ngang vẫn là địa chỉ khó quên.

8. CÁC NGÔI ĐỀN ĐẸP

Đền Củi

Đền Củi (Linh từ Thánh Mẫu) nằm tựa mình trên mái Bắc núi Ngũ Mã của dãy Hồng Lĩnh. Đây là nơi Hồng Lĩnh vươn mình sà vào dòng Lam và Lam Giang dịu dàng vỗ về núi Hồng tạo nên một vùng non nước hữu tình.
Đền Củi được dựng từ thời Lê, thờ Liễu Hạnh Công chúa và ông Hoàng Mười. Trong tâm thức dân gian của người vùng Hà Tĩnh – Xứ Nghệ, ông Hoàng Mười là hiện thân của vị tướng Lê Khôi (Nghĩa quân Lam Sơn), gọi Lê Lợi bằng chú. Ông có nhiều công trong chống giặc Minh xâm lược và là quan qua ba đời vua Lê làm đến chức Khâm sai tiết chế thủy, lục chư dinh hộ vệ thượng tướng quân.
Là ngôi đền linh thiêng nên những năm gần đây, cứ vào dịp Tết, du khách trong Nam ngoài Bắc lại đến dâng hương rất đông. Mọi người cùng nhau thắp hương cầu lộc, cầu tài, mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, vợ chồng con cái hạnh phúc.

Đền Nguyễn Thị Bích Châu
Nguyễn Thị Bích Châu quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định con gái đại thần Nguyễn Tướng Công. Năm 1373, bà được Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi. Bà nổi tiếng là người tài sắc vẹn toàn, giúp vua nhiều kế sách trong việc trị nước an dân. Năm 1377 nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, bà can ngăn không được nên xin theo hộ giá.
Khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn) vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem vàng ngọc tới để trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm. Quân của Trần Duệ Tông bị tấn công bất ngờ, nhà vua lâm bệnh. Nguyễn Thị Bích Châu cầm quân xông trận nhưng không may bị trúng tên độc sau đó từ trần.
Đền dựng từ đời Trần, theo kiểu tiền môn, hậu lăng; gồm 3 toà hạ, trung và thượng điện. Kết cấu kiến trúc tương đối đơn giản nhưng trang trí nghệ thuật, nhất là mặt tiền của hạ điện khá công phu, tinh xảo. Đáng chú ý là nhà sắc ở phía bên phải, kiến trúc theo kiểu trồng diêm, ba tầng cân đối, trang trí nhiều hoạ tiết mang phong cách dân gian sinh động.

Đền Chiêu Trưng
Đền Chiêu Trưng còn có tên gọi là đền Võ Mục Đại vương thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thờ danh tướng Lê Khôi. Là một trong 4 ngôi đền cổ, đẹp nhất của vùng đất Nghệ Tĩnh xưa, đó là: Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng.
Đền Chiêu Trưng được xây dựng trên núi Long Ngâm, là ngọn núi cuối cùng của dãy núi Nam Giới từ đất liền uốn lượn ra biển giống như bức tường thành án ngự phía đông cửa Sót.
Lối vào đền từ bến sông lên, qua vọng lâu, cổng vào đền hạ là nơi đón khách, phía tây là bia đá dựng từ thế kỷ XVI, phía đông là bia khắc bài thơ Nôm của vua Lê Thánh Tông. Đền trung gồm 3 gian bằng gỗ, nếp kiến trúc cũ. Ở đây có nhiều bức chạm gỗ mang phong cách nghệ thuật Hậu Lê, có tượng chân dung Lê Khôi bằng gỗ sơn son, thiếp vàng, tấm biển có 4 chữ Hán “Nam Thiên Tuấn Vọng” do vua Lê Thánh Tông ban cùng với đồ thờ. Sau đền Thượng là lăng mộ Lê Khôi. Hội đền vào các ngày 3,4 tháng 5 âm lịch hàng năm thu hút rất đông du khách thập phương.

9. HỒ KẺ GỖ

Hồ Kẻ Gỗ có chiều dài 29 km, có diện tích lòng hồ hơn 30 km2, chứa 345 triệu m3 nước. Hồ nằm ở độ cao 8m và mực nước hồ đạt đến độ cao 37m. Nước ở hồ Kẻ Gỗ theo hệ thống kênh mương có độ dài gần 1000 km tưới tiêu cho hàng vạn hécta ruộng đồng của Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Nguồn lợi kinh tế của hồ Kẻ Gỗ đem lại cho người nông dân nơi đây vô cùng to lớn. Xưa đồng đất hạn hán một màu cát trắng, nay quanh năm đủ nước để cấy trồng, muôn cây xanh tốt.


Hồ Kẻ Gỗ ra đời góp phần quan trọng cải tạo môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của cả một vùng rộng lớn, đã trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị, một điểm du lịch sinh thái lý thú. Bao quanh hồ là rừng núi, có 11.811 ha rừng tự nhiên, 261 ha rừng trồng. Rừng ở đây có trên 40 họ, 300 loài thân gỗ và nhiều động vật quý hiếm như trĩ sao, vượn đen, voi, gà lôi hồng tía, đặc biệt là gà lôi lam mào đen.

10. NGÃ BA ĐỒNG LỘC

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ngã ba Ðồng Lộc là cửa ngõ giao thông từ miền Bắc và đường mòn Hồ Chí Minh. Máy bay Mỹ đã tập trung khối lượng bom đạn rất lớn đánh phá ngã ba này và đoạn đường xung quanh. Trên một đoạn đường chưa đầy 20km đã phải hứng chịu 2.057 trận bom.


Ngã ba Đồng Lộc nằm ở giao điểm của tỉnh lộ số 2 và quốc lộ 15, thuộc địa phận huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Đặc điểm: Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây đã phải hứng chịu hàng ngàn trận bom của máy bay Mỹ và sự hy sinh cao cả của tiểu đội với 10 cô gái thanh niên xung phong.
Ngã ba Ðồng Lộc ngày nay là nơi yên nghỉ của 10 cô gái trên đồi, cạnh hố bom năm xưa xanh mướt màu xanh cây lá, vi vút tiếng thông reo. Tại đây có đài liệt sỹ lưu danh 10 cô gái Anh hùng.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP